Trưởng thành là cả một quá trình mà quá trình này thì không hề ngắn và dễ dàng tí nào
Trưởng thành là cả một quá trình mà quá trình này thì không hề ngắn và dễ dàng tí nào
Đã có lúc tôi thấy mình chỉ như đứa trẻ 16 hay 17 tuổi trong thân xác của một đứa đã đi làm được vài năm nay. Vài người không rõ điều đó thì vẫn khen tôi như thế này: “Con bé này giỏi quá nhỉ!” “Con này dạo này người lớn ghê rồi đấy!” … Càng lớn tôi càng nhận ra một điều. Đó là tuổi tác cũng chẳng thể xác định độ trưởng thành thực sự của một con người và “giỏi” hay “lớn” ở đây trên thực tế cũng không chứng minh được việc tôi hay bất kì ai là người trưởng thành cả. Bây giờ nghĩ lại mới thấy, ngày xưa tôi có tư tưởng buồn cười như thế nào: phải làm quan to, sắm một chức vụ lớn thì mới gọi là trưởng thành. Lớn hơn một chút, tôi biết bản thân cần phải vượt xa và phải xa hơn cả những cái danh đó thì mới thực sự đạt được hai tiếng “trưởng thành”một cách đúng nghĩa. Thậm chí tôi còn biết, ngày mà tôi đứng được ở cái ngưỡng gọi là “có địa vị trong xã hội” thì tôi cũng sẽ phải đánh đổi và trả giá nhiều như thế nào. Mà thứ phải đánh đổi điển hình ở đây hẳn nhiên chính là thời gian.
Tôi nhớ ngày bé mỗi khi ngoan ngoãn, gọi dạ bảo vâng, làm mấy việc vặt hay cầm vài món quà trưa từ trường để dành về cho ba mẹ là họ vui vẻ và tự hào về tôi lắm rồi; bởi họ biết con mình là 1 đứa trẻ hiếu thảo và quan tâm tới người khác. Nhưng bây giờ để thể hiện sự quan tâm như vậy lại là một điều quá xa xỉ. Công việc bận tối mắt tối mũi, không có thời gian chút nào cho gia đình. Sáng sớm bước chân khỏi cửa cho đến tối muộn mới vác mặt về nhà. Tôi nghĩ ít nhất mình cũng cần phải bù đắp được về mặt vật chất cho ba mẹ. Không nhiều nhặn gì. Nhưng mấy đồng lương còm tôi biếu vẫn thường bị ba mẹ từ chối với những lí do kinh điển: “Bọn tao già rồi còn tiêu gì nữa”, “Mày cứ lo cho cái thân mày đi” hay “ Tao nuôi mày từ bé đến giờ hết bao nhiêu; chỗ này làm sao bù lại được. Khi nào mày kiếm đủ tiền hãy hay”… Có những lần tôi cố gắng nài nỉ đủ lâu thì ba mẹ cũng sẽ miễn cưỡng nhận nhưng rồi lại để dành tiền cho tôi làm việc này việc kia. Tôi biết họ cũng chỉ cứng miệng vậy thôi chứ thương tôi lắm. Ba mẹ nào mà chẳng mong muốn con cái mình kiếm được thật nhiều tiền để “sướng cái thân bọn mày”. Ba mẹ tôi cũng không phải ngoại lệ ...
Tôi học được sự quan tâm, chăm sóc từ ba mẹ và đem nó vào công việc của mình. Nhưng rõ ràng sự quan tâm mà tôi dành cho mẹ mình là chưa đủ nhiều. Thực sự đáng tiếc và xấu hổ khi thường ngày vẫn đi chăm lo cho sức khỏe người khác mà tôi lại được nghe chính mẹ mình đề cập đến vấn đề sức khỏe mà mẹ đang gặp phải. Quan tâm mà không thể biến thành hành động thì dù có bươn trải ngoài xã hội nhiều cỡ nào đi chăng nữa, tôi cũng không thể tự nhận bản thân là người trưởng thành được. Khoảng trống thời gian mà tôi cố gắng thu xếp để học thêm về giác hơi và mát-xa cuối cùng cũng phát huy tác dụng của nó. Vẫn biết tình hình của mẹ không thể chữa khỏi nhưng tôi vui vì mẹ cảm thấy khá hơn và số lần tê nhức mà mẹ phải chịu đựng đã giảm đi được khá nhiều.
Hóa ra, sự trưởng thành không nằm ở giá trị đồng tiền hay chỉ đơn thuần là sự quan tâm trong suy nghĩ; mà nó là sự quan tâm cần phải biểu hiện ra và đưa vào những hành động thiết thực. Tôi cảm thấy mình may mắn khi đang trên đà từng bước hoàn thiện điều đó. Trưởng thành không phải là chuyện ngày một ngày hai. Trưởng thành là cả một quá trình mà quá trình này thì không hề ngắn và dễ dàng tí nào. Nhưng nếu biết biến sự quan tâm trở thành hành động kèm theo một lối suy nghĩ đúng đắn thì bạn đang bước đúng trên con đường của sự trưởng thành rồi đấy!
Người dự thi: Nguyễn Tú Anh