Nếu biết trưởng thành phải đối mặt với cô đơn
Nếu biết trưởng thành phải đối mặt với cô đơn
Nếu biết trưởng thành phải đối mặt với cô đơn
Con trở về nhà sau một đêm dài ở Santamada, một vũ trường hạng ba nằm ở phía nam của tiểu bang California nơi cất giữ một phần ba cuộc đời của những con người lựa chọn thương nhớ với đơn côi để dành tâm tư nuôi dưỡng, chở che cho những mộng ước xa hoa của hai chữ trưởng thành. Con trở về nhà khi những khu phố ở Santa Ana đã thôi sáng đèn, những cung đường thôi ngập tràn trong mùi khói thuốc. Thành phố bây giờ trả về đúng nghĩa của những con người bận bịu với muôn nỗi lo toan, không còn nghe ai nhắc cùng ai về những nỗi cô đơn ở ngưỡng cửa trưởng thành, những nhớ nhung có lẫn đợi chờ, những tâm tư của những đứa trẻ dại khờ, cho dù là mười tám, đôi mươi hay đã trải qua gần hết những năm tháng tuổi trẻ, thanh xuân của đời mình, thì vẫn sẽ thật khó khăn khi ta phải lựa chọn đi hết đoạn hành trình mông lung ấy như một kẻ đơn độc, lạc loài bị bỏ lại một mình giữa ngã tư đường của nhớ của thương. Con đã từng có một thời sống với ước muốn được lớn lên, được đi xa, được sớm trưởng thành, chỉ không hề mảy may hay biết rằng phía trước cung đường mà con đã từng một thời khao khát ấy lại chẳng có gì ngoài một vùng trời xa lạ với toàn những nỗi đau thương.
Những ngày cuối đông ở Santa Ana, kí túc xá chỉ còn lại mình con và khung cửa sổ tầng hai ngập tràn những đợt tuyết rơi trắng xóa, Andy gửi cho con một vài tấm hình có vẻ được chụp từ phía ban công nhà cậu ấy, toàn cảnh một thị trấn nhỏ ở Matxcova, khi cậu ấy kể con nghe về đứa em gái nhỏ vừa lên ba và những bữa cơm gia đình có món Varenniki truyền thống, con có cảm giác phía bên trong lồng ngực trái từng đợt máu chảy ra từ miệng vết thương loang lỗ chưa kịp lành, con nghe như tiếng ngoại gọi theo con vào những ngày trời Hà Nội đổ mưa tầm tã, có bóng anh cả đợi con phía cuối dãy hành lang dẫn vào khu tập thể vắng người và con thấy cả nhà mình ngồi đó, bên cạnh bát canh rau đay cua bể của bà, đĩa măng luộc xào tỏi ớt của cha, bóng lưng mẹ cặm cụi phía sau giàn bếp, tất cả những điều bình dị thân thương ấy ai biết trước có một ngày lại hóa thành những mộng tưởng hão huyền lẫn vào trong những mong ước xa xôi, khoảnh khắc bình yên ấy và con của những năm tháng ấy vĩnh viễn không bao giờ có thể trở lại thêm một lần nào nữa. Nếu biết trưởng thành phải đối mặt với cô đơn thì con đã chẳng ước mong được lớn nhanh như thế này.
Con bây giờ chỉ ước mình có thể về nhà thôi là căn nhà nhỏ cách nơi con đang đứng mười bốn giờ bay với tất thảy mọi thứ yêu thương trân quý nhất của cuộc đời. Con thèm được sống lại những ngày thơ ấu ấy, thèm cảm giác được lớn lên trên những con phố dài nối đuôi nhau qua từng ngóc ngách của Hà Nội, những buổi sáng chào nhau vội vã, thành phố của những chiều thu hối hả. Sẽ thế nào nếu như tất cả những hồi ức tươi đẹp ấy bây giờ chỉ còn có thể gợi lại bằng một phần những kí ức đau thương. Sẽ chẳng dễ dàng một chút nào để bắt ai đó hình dung về lãng quên có dáng dấp ra sao và nỗi đau được viết lên như thế nào nếu như thời điểm chúng ta đang đứng không phải là những năm tháng cô đơn nhất của cuộc đời. Con của những ngày thơ ngây ấy cũng chưa từng một lần nói tiếng yêu đương với phố phường Hà Nội, với khoảnh sân nhỏ nấp mình dưới mái hiên nhà, có rặng mồng tơi già bà để dành đến mùa sau, và con cũng chưa từng một lần thử say mê căn nhà nhỏ với mùi khói đốt bằng rơm rạ tỏa hương cay nồng, có cụ mèo tam thể ngồi sưởi mình ngay trên giàn bếp. Hà Nội thời ấy trong con bao giờ cũng phải tất bật vội vàng như những chuyến chở hàng miệt mài thau đêm suốt sáng, tiếng kì kèo mời gọi, tiếng chợ búa va vào những mảnh đời lặn lội để mưu sinh, con yêu một thành phố nhộn nhịp bất kể ngày hay đêm, yêu những công trình đô thị dang dở trở mình đang chờ đợi những tấm áo mới hứa hẹn một thế giới văn minh. Hà Nội thời ấy trong con chỉ cần đứng lại một giây phút để bình yên đã thấy lòng mình chùng chình đầy giông bão. Con sợ một ngày đến ngay cả Hà Nội cũng thôi không còn vội vã thì liệu những nỗi buồn nơi đáy tim mình biết phải giấu hết vào đâu. Thà cứ để người ta mãi miết kiếm tìm nhau, còn hơn cố gắng vịn vào những nỗi đau để rồi đau thương hết cả một đời…
Con nợ mùa thu Hà Nội hai tiếng yêu đương, nợ những cung đường nơi góc phố có lắm tơ vương và nợ quê hương có nơi chốn để quay về cả một đời thương nhớ. Nếu biết trước có một ngày đến cơ hội để trở về cũng khó khăn như thế này thì sớm đã từ bỏ cái tôi ngất ngưỡng ngự trị nơi từng mạch thở của mình để sống chết giữ lại một mảnh tình to bự với mảnh đất nơi có ông bà cha mẹ được sinh ra. Hà Nội trong con mãi mãi là mảnh sân ga có con tàu chở cả một đoạn hành trình chứa đầy nhung nhớ, là bài thơ ai vừa bỏ quên trong trang vở nhắc nhở người xưa về quãng đời dang dở trá hình bởi hai chữ thanh xuân.
Trưởng thành làm con yêu thêm những buổi chiều mùa thu có ông bà ngồi nghe mưa rơi tí tách phía cuối hiên nhà, những hôm đất trời giận hờn ai buông lơi vài câu hờn dỗi. Một Hà Nội đầy ắp những nỗi niềm giấu vào trong đôi mắt nữa yêu thương. Con đã lớn lên cùng với một Hà Nội rất đỗi thân thương bình dị và nhọc nhằn như thế, bên nồi canh rau đay cua bể nêm bằng hơi ấm của bà là cả một cuộc đời quãng đại để bao dung. Nhiều năm về sau này khi đã nếm đủ mùi vị cay đắng của hai tiếng trưởng thành, con mới chợt hiểu ra rằng vì sao ai cũng cần có một gia đình để trở về sau tất cả những lo toan. Một căn nhà nhỏ nằm quạnh hiu phía sau con hẻm dẫn vô xóm chợ chiều, có cụ mèo tam thể già ngắc già ngơ nằm vắt vẻo trên mấy rặng mướp hoa vàng, bàng hoàng trước những đợt gió đổi mùa sang đông, lũ trẻ con ngơ ngác dáo dát đưa mắt nhìn nhau, cụ giáo già ngồi kể chuyện miền Nam làm hành trang cho sắp nhỏ lên đường đi tìm cuộc đời mới, ngoài kia từng hàng quán gọi nhau í ới, tiếng người đưa đó hỏi người lữ khách có muốn sang sông. Những cuộc đời bình dị gặp nhau giữa chốn an yên tạo nên một Hà Nội rất riêng của những con người đi miệt mài cả một quãng đời không mệt mỏi. Hà Nội đã nuôi sống những tâm hồn đơn độc, sưởi ấm những trái tim dại khờ và mở lối dẫn đường cho những cuộc đời đi miệt mãi vẫn không thể tìm thấy an yên. Hà Nội đã để cho ông bà cha mẹ thương nhau, dùng mộng ước để chở che cho những mái đầu xanh non tươi trẻ. Con vốn không phải là kẻ đa tình, càng không phải là người tự thích ôm vào mình những mảnh tình xưa cũ, có vui vẻ gì đâu khi ta phải nhắc nhớ lại quãng đời thơ dại với hai chữ đã từng, đặt lên vùng trời ký ức thân yêu bằng nhưng nỗi niềm chẳng có gì ngoài thương với tiếc.
Những năm tháng trưởng thành càng làm con thêm hối tiếc khoảng trời ký ức mình đã vô tình bỏ lại phía sau lưng, có đôi bàn chân ngoại nhọc nhằn, có mái đầu bạc trắng của cha và con đã bỏ lại những câu hát bài ca có mẹ ru em mỗi khi trời đổi gió sang mùa hạ… Nếu biết trước trưởng thành có lẫn với đau thương thì liệu bao người trong chúng ta lại ước mong được đi xa đến thế này.
Hà Nội mùa này liệu có nhớ thương con….
Người dự thi: Kim Liên