Cuộc sống giống như một đường thẳng vô tận mà điểm cuối của đường thẳng đó chính là sự trưởng thành.
Cuộc sống giống như một đường thẳng vô tận mà điểm cuối của đường thẳng đó chính là sự trưởng thành.
Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông, nhà có 2 anh em, bố mẹ đều làm ruộng. Không được như những đứa bạn cùng trang lứa, từ nhỏ tôi đã phải theo bố mẹ ra đồng để phụ giúp việc cấy hái - một công việc được coi là quá sức đối với một đứa trẻ. Nhưng nhà nghèo mà, chỉ có làm ruộng để trang trải cuộc sống gia đình. Khi mẹ tôi sinh em gái cũng là lúc cuộc sống càng ngày càng khó khăn, bố tôi phải đi làm ăn xa, thỉnh thoảng mới về, chỉ có 3 mẹ con ngày ngày làm bạn với đồng ruộng.
Tôi là một đứa trẻ ngang bướng và ham chơi. Lúc bé đã theo các anh trong làng nghịch đủ mọi thứ trò quỷ quái: bắn bi, đánh khăng, làm pháo... thậm chí là đi ăn trộm hoa quả trái cây nhà khác. Rồi giữa trưa hè nắng nóng, đợi bố mẹ ngủ trưa là tôi lại trốn đi chơi, đi tắm sông,vặt trộm ngô, bới trộm khoai để nướng... Không ít lần tôi phải chịu những trận đòn đau của bố mẹ. Nhớ nhất là khi tôi học lớp 2, hồi đó tôi thích gà chọi lắm, đòi bằng được bố mẹ mua cho để nuôi nhưng bố mẹ không đồng ý. Thế là tôi nảy ra ý định đi bắt trộm gà của hàng xóm, và kết quả thì tôi không kể chắc ai cũng đoán được. Hôm đó, tôi thực sự sợ hãi, sợ bố mẹ đánh, sợ bố đuổi ra khỏi nhà, thế nhưng trái ngược với suy nghĩ đó, bố chỉ mắng nhẹ tôi và coi như xong. Có lẽ bố mẹ cũng hiểu vì nhà nghèo, không lo cho tôi được bằng bạn bằng bè nên tôi mới làm liều như vậy.
Tôi vẫn nhớ như in những ngày đi quanh làng nhặt nhạnh từ cái chai cái lọ để bán đồng nát, những trưa hè đi câu hay đi bắt ốc về bán, hay cả những buổi ra đồng mót từng bông lúa còn sót lại để đổi lấy kẹo kéo, để mua đồ chơi. Đó là cả một ký ức tuyệt vời của một đứa trẻ.
Thời gian cứ thế trôi đi, cho đến một ngày, mẹ tôi mắc phải căn bệnh tiểu đường quái ác, bệnh mà đến nay vẫn không có thuốc chữa. Nhưng bệnh là thế, mẹ vẫn làm việc chăm chỉ ngày đêm mà không chú ý đến sức khỏe. Lúc đó tôi mới mười một tuổi, cũng chưa biết nghĩ gì nhiều. Bố tôi là người hiền lành, chân chất rất nuông chiều tôi, nhưng cũng rất nghiêm khắc với tôi. Từ bé đến lớn tôi chỉ thất vọng một điều về bố đó là bố uống nhiều rượu. Tôi không thể nào quên được những ngày bố tôi say sỉn rồi chửi mắng mẹ và anh em tôi. Những lúc đó mẹ chỉ biết ôm 2 anh em tôi mà khóc. Nhưng trái ngược với những cơn say đó, là một người bố hoàn toàn khác. Bố rất chăm chỉ làm việc, ai thuê gì bố cũng làm chỉ hy vọng kiếm được tiền để trang trải cuộc sống gia đình. Có lẽ do áp lực gia đình, áp lực cuộc sống mà bố tìm đến rượu.
So với bạn bè cùng trang lứa, tôi sở hữu một thành tích học tập khá nổi trội. Bố mẹ đã rất tự hào hãnh diện vì tôi. Cũng chính vì thế mà bố mẹ càng chăm chỉ làm việc hơn để lo cho tôi ăn học, không để tôi phải chịu thiệt thòi với bạn bè. Tôi biết, bố mẹ kỳ vọng vào tôi nhiều lắm.
Càng kỳ vọng vào tôi bao nhiêu thì có lẽ tôi càng làm bố mẹ thất vọng bấy nhiêu. Cuối năm lớp 12, tôi lựa chọn thi vào một trường mà điểm đầu vào thấp hơn rất rất nhiều so với khả năng của mình. Bạn bè, thầy cô cũng lấy làm lạ và cũng từng khuyên nhủ tôi. Chỉ có bố mẹ là người ủng hộ tôi, mặc dù tôi biết trong lòng bố mẹ cũng đang lo lắng rất nhiều. Có lẽ đó là quyết định sai lầm đầu tiên và lớn nhất của một đứa trẻ.
Bước vào cánh cửa đại học, tôi như bước vào một thế giới mới, một thế giới mà tôi cảm thấy tự do, không còn sự quản thúc của bố mẹ. Tôi lao vào những cuộc chơi vô bổ trong thế giới ảo mà tôi cho rằng ở đó tôi tìm được niềm vui. Cũng trong thời gian này, bệnh của mẹ tôi đã bắt đầu có dấu hiệu biến chứng, sức khỏe mẹ không còn như trước nữa, đôi mắt mẹ cũng mờ dần đi.
Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với tôi. Tôi thật sự thất vọng và mất phương hướng hoàn toàn. Tôi đặt ra hàng trăm hàng nghìn câu giá như; giá như mình sinh ra trong gia đình khá giả hơn, giá như ngày xưa mình suy nghĩ chín chắn hơn, giá như ngày xưa mình không bồng bột khi quyết định thi đại học… Cũng may, bên cạnh tôi lúc đó vẫn còn những người bạn - những người đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong lúc khó khăn.
Thời gian tôi ra trường cũng chính là lúc em gái bước chân vào giảng đường đại học. Tôi xin vào làm tại một công ty, công việc cũng khá vất vả nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc vì kiếm được tiền nuôi em và dành dụm gửi về cho mẹ chữa bệnh. Nhưng rồi lại một cú sốc nữa đến với tôi, mẹ tôi nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Lúc đó tôi chẳng biết phải làm sao nữa. Nửa tháng mẹ nằm viện là nửa tháng tôi suy nghĩ, lo lắng. Bố đã nói chuyện với tôi, bố nói cứ tình trạng như này thì mẹ không cầm cự được lâu nữa. Và bố đã khóc. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thấy những giọt nước mắt rơi trên gò má của bố. Giọt nước mắt của người đàn ông “vĩ đại”. Tôi dằn vặt, day dứt, tự trách bản thân vì chẳng làm được gì cho bố mẹ, tôi trách bản thân vì những ngày tháng quên ăn quên ngủ với bàn phím không lo học hành, tôi trách bản thân vì ngày xưa vẫn hay để bố mẹ phải bực mình….
Thật may mắn cho tôi, sức khỏe của mẹ cũng dần dần ổn định lại, thế nhưng đôi mắt mẹ giờ đây không còn thấy gì nữa, chân tay mẹ cũng yếu đi nhiều lắm rồi, và giờ mẹ phải sống chung với máy chạy thận. Dù sao đi nữa thì với tôi đó cũng là một phép màu rồi.Tôi biết, lúc này khi mà mẹ tôi phải nhập viện tuần 3 lần, thì gánh nặng trên vai bố sẽ càng nặng nề hơn, càng vất vả hơn. Cũng may là vẫn còn có bác gái ngày ngày vẫn chăm sóc mẹ chứ nếu không một mình bố không biết bố có xoay sở được không nữa.
Sau khoảng thời gian khó khăn đó, tôi quyết định xin nghỉ việc, và bắt đầu lại với công việc mới- công việc mà tôi được đi khắp đó đây, đến khắp các vùng miền của tổ quốc. Đến với những bản làng xa xôi hẻo lánh tít trong rừng sâu tôi như được sống lại khoảnh khắc thời còn nhỏ. Ở đây, tôi được một lần nữa tôi được thưởng thức lại bữa cơm mà ngày xưa tôi từng được ăn(cơm khô với mắm muối), được ngủ trong ngôi nhà vách đất như tôi đã từng ngủ hồi bé, được thả mình vào cuộc sống quanh năm ngày tháng chỉ có ruộng nương. Tôi nhận ra rằng, so với họ, cuộc sống mình còn quá may mắn biết chừng nào. Lúc này tôi càng thấm thía hơn, càng thấy thương bố mẹ hơn bao giờ hết. Tôi nghĩ mình phải cố gắng thật nhiều với hy vọng có thể bù đắp lại khoảng thời gian nông nổi trước kia, để có thể báo hiếu phụng dưỡng bố mẹ.
Cuộc đời mỗi người cũng giống như một cong đường vậy, có những con đường bằng phẳng trải đầy hoa hồng nhưng cũng có những con đường gập ghềnh đầy gian nan và trắc trở. Và nếu như được lựa chọn lại thì tôi vẫn lựa chọn con đường đầy gian nan kia, vì ở đó tôi được nếm trải những hương vị cay đắng ngọt bùi của cuộc sống, càng thấy cuộc sống hạnh phúc và có ý nghĩa hơn.
Người dự thi: Vũ Thế Tài