Trưởng thành là khi thấu hiểu dù bố mẹ không nói ra!

11/07/2018

Chia sẻ bài viết:

Đối với tôi, trưởng thành chính là khi bạn có thể hiểu những điều bố mẹ chưa nói ra, là khi bạn nhận ra đằng sau sự hà khắc là cả một tấm lòng hi sinh vì con cái

Trưởng thành là khi thấu hiểu dù bố mẹ không nói ra!

Từ khi còn bé, chắc hẳn ai trong mỗi chúng ta đều được người lớn nói rằng: “ Lớn lên rồi con sẽ hiểu”. Bản thân tôi cũng vậy. Có quá nhiều điều muốn hỏi, có quá nhiều thắc mắc mà dưới con mắt của trẻ thơ, thật khó để tìm ra được câu trả lời. Một đứa nhóc con cứ lẽo đẽo theo sau chân mẹ, hỏi mẹ đủ mọi thứ chuyện trên đời: Mẹ ơi tại sao con lại được sinh ra, mẹ ơi tại sao cây lại màu xanh, Và….tại sao con lại trải qua những thứ không tốt đẹp cho lắm?

tro-choi-giup-tre-phat-trien-tri-nao

Tôi sinh ra trong một gia đình đông con, nhà có 6 chị em lận. Đến nỗi mà mỗi khi ai đó vô tình biết được, đều cười phá lên: Sao thời buổi này mà lại đẻ nhiều thế nhỉ? Câu nói mà người ta xem là vui đó khiến một đứa nhóc 9 tuổi như tôi cảm thấy khó chịu vô cùng. Tự dưng đâm ra tôi ghét cả hai em út, ghét cả bố mẹ. Rồi những ngày mưa gió, tôi chỉ ao ước 1 lần được bố mẹ đưa đi học như những bạn khác nhưng không được, bố mẹ tôi bận lắm. Ngày nắng thì ra đồng: trồng ngô, cấy lúa, làm cỏ…, ngày mưa thì tranh thủ nhặt hạt đỗ, hạt ngô, khâu vá… theo tôi thấy thì chẳng ngày nào bố mẹ không có việc cả. Khi mẹ sinh em út thì em thứ Năm mới được 2 năm tuổi. Nghiễm nhiên tôi trở thành big mama giữ chức vụ chăm sóc hai em vì chị cả và chị hai thì phụ ba mẹ ngoài đồng. Mẹ tôi sinh gái út được 15 ngày đã phải ra đồng đi làm. Tôi ở nhà 2 nách 2 em: Vừa bế em út, lúc hắn ngủ thì cho em năm ăn cháo, uống sữa. Khi út lớn hơn 1 chút thì cứ định kì ngày 4 lần sáng 2 lần, chiều 2 lần bế em ra đồng để mẹ cho em bú rồi lại bế về đều đặn. Nhiều khi ham chơi lại tạt té hàng xóm, đến lúc hắn khóc “tru tréo” lên mới vội vàng hộc tốc lấy nón che rồi bế em ra đồng. Tôi sợ bế em kinh khủng, đến mức ngày nào cũng cầu trời khấn phật mưa thật to để mẹ ở nhà không ra đồng được, mẹ bế em thế là chạy tót đi chơi. Rồi rất nhiều sự việc khác nữa… Tôi rút ra kết luận tôi là tôi cực kì ghét mẹ đẻ em bé. Đến mức mà khi mẹ trêu là mẹ sinh thêm em nữa nhé, tôi trả lời đầy quyết liệt: Mẹ đẻ nữa con bỏ nhà đi cho coi. Tôi vẫn kiên định suy nghĩ đó đến hết những năm tháng cấp hai.

bo-anh-gia-dinh-nha-que-dong-con-cua-ly-hai-minh-ha-7

Mỗi ngày một khó khăn, tiền ăn, tiền học, tiền sinh hoạt đổ dồn hết lên vai bố mẹ. “Đó là thời gian khủng hoảng của bố tôi”. Mẹ tôi nói vậy. Nhưng tôi thì không hiểu cho lắm. Chỉ thấy hàng ngày bố không phụ giúp mẹ gì cả, cứ đi đâu đến tận tối khuya mới về. Tôi hỏi, mẹ không nói gì. Đến một ngày, tôi quyết định đi theo bố và phát hiện ra sự thật kinh hoàng: Bố tôi đi đánh bạc. Tá hỏa chạy về mách mẹ, nhưng thực ra mẹ tôi đã biết từ lâu rồi. Bố sa vào cờ bạc, người ta nói quả không sai: “đánh đề ra đê mà ở”, gia đình đã nghèo lại càng khổ thêm. Chuỗi tháng ngày đó, tôi cảm thấy ghét bố lắm, ghét kinh khủng lắm. Càng thấy mẹ vất vả bao nhiêu tôi càng thấy bực mình bấy nhiêu. Có nhiều người khuyên mẹ tôi là ly dị đi nhưng mẹ không chịu. Tôi thì ủng hộ, vì trong đầu óc đứa trẻ non nớt của đứa trẻ tôi chỉ nghĩ rằng, chia tay bố, mẹ sẽ không phải khóc thầm hàng đêm, không phải trông ngóng bố về và không phải lo kiếm tiền trả nợ nữa…

amy1

Nếu bạn hỏi tôi ghét nhất con vật gì, thì không nghi ngờ gì nữa đó là con bò, chính xác là con bò. Khi các em tôi đã đủ lớn và có thể tự chơi được với nhau. Vào kì nghỉ hè, như người ta sẽ được bố mẹ cho đi đây đi đó, riêng tôi được giao một trọng trách khác đó là chăn bò. Bạn cứ hình dung như thế này: Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, sáng 6 giờ ba chục dắt bò ra đê, chiều 18 giờ cho bò vào chuồng. 1 cái nón, 1 cái que, tôi oanh tạc khắp các mặt trận. Chỉ thích đến mùa gặt xong, cánh đồng rộng mênh mông lại không sợ bò ăn phải ngô, phải lúa nhà người ta, thả bò vào đó rồi tha hồ đi chơi: Bắt cào cào, đánh đáo, trọi gà…Ghét nhất là khi trưa đang ngủ dở mắt mà bố mẹ cứ gọi inh ỏi dậy đi chăn bò, nhiều khi đêm ngủ mê giật mình tỉnh dậy: Chân thừng (đây là cách mà quát con bò khi nó dẫm vào thừng cột ở mũi và ở cổ) rồi lại lăn ra ngủ tiếp. Trong khi những đứa bạn tôi, nghỉ hè bọn chúng đi chơi, đi nghỉ mát thì tuổi thơ tôi gắn liền với những con bò. Sau mùa hè đấy, tôi lại rút ra thêm một kết luận nữa đó là do bố mẹ đẻ nhiều, vất vả, không quan tâm đến con cái, khiến con cái phải chịu khổ. Tôi lấy làm hậm hực lắm.

Dưới con mắt trẻ thơ, tôi tự phong cho mình cái chức danh: “Đứa trẻ bất hạnh nhất xóm ven đê”.

Sau này, Khi tôi vô tình đọc được cuốn sách những chiến binh cầu vồng  - đó cũng là quãng thời gian tôi đã tốt nghiệp đại học và đi làm. Lục lại những trang kí ức của quá khứ, tôi chợt nhận ra rằng: Mẹ ko đc ở cữ, bố cờ bạc vì muốn kiếm nhiều tiền. Nhưng còn đất, đất thì sao? Ah, tôi quên chưa kể với các bạn nhà tôi đất rộng lắm, hẳn...hecta cơ, thế sao giờ tôi lớn rồi, tôi thiết nghĩ tại sao hồi đó bố mẹ ko bán đất đi nhờ? phải chăng mình đã nhìn sự việc một cách đơn chiều, phải chăng sâu thẳm trong lòng bố mẹ, có những nỗi buồn mà tôi chưa biết tới?

Những ngày tháng hậm hực vì phải bế em, tôi đâu biết rằng nhẽ ra người phụ nữ sinh xong cần phải được ở cữ, giữ gìn sức khỏe mà mẹ tôi chỉ ở cữ được 15 ngày, mà cũng không biết 15 ngày đó có phải là ở cữ không nữa. Tôi cảm thấy xấu hổ mỗi khi có người hỏi: “Nhà có bao nhiêu anh, chị em”. Nhưng tôi đâu biết rằng, bố mẹ phải chịu áp lực rất lớn từ phía ông bà nội, vì bố tôi là con trưởng.  Và bố mẹ cũng có vui đâu, khi thấy con nhà mình nheo nhóc, không bằng chúng bạn, chúng bè. Ở làng quê nghèo khi mà cách nhìn nhận của mọi người còn hạn chế: Rất nhiều người đã khuyên mẹ tôi bỏ cái thai đi khi biết đó là con gái. Nhưng mẹ tôi cương quyết nhất định giữ lại, dù cho vất vả, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Nghĩ lại, tôi thấy khâm phục mẹ lắm.

Những ngày bố đi đánh bạc, đã có những lúc tôi chỉ mong bố đi làm xa thật xa để mẹ đỡ buồn lòng. Nhưng bạn ạ, ẩn sâu trong trái tim bố, bố chỉ mong sao kiếm được tiền để lo cho các con ăn học. Bố tôi đã thực sự bế tắc. Nếu không vì chúng tôi, bố cũng sẽ không phải như vậy: Bị mọi người chỉ trích, bị các con xa lánh. Đến bây giờ, tôi mới thực sự hiểu được câu nói: Vì con, bố mẹ có thể hi sinh tất cả, vì con dù là đường cùng, bố mẹ vẫn vượt qua được, chỉ là đôi khi lựa chọn đó chưa thực sự đúng.

Còn về câu chuyện con bò thì sao? Nhà tôi hiện giờ vẫn đang nuôi bò và tôi lấy làm hãnh diện về điều đó lắm. Không còn cảm thấy bất hạnh khi mãi cứ phải đuổi theo đít bò, tôi đã thực sự hiểu ra rằng: Bố mẹ đã phải cố gắng nhường nào để chúng tôi có thể đến trường học hành như bao bạn bè khác. Những ngày cuối tuần về quê, tôi vẫn thường xuyên cắt cỏ, cho bò ăn, vắt sữa bò….

bo-sua

Còn việc bán đất thì sao? À đúng rồi, tôi quên chưa kể với các bạn, nhà tôi có nhiều đất lắm. Đến tận bây giờ tôi vẫn chưa hiểu tại sao hồi đó nợ nần chồng chất, con cái nheo nhóc bố mẹ tôi không bán đất đi để trả nợ? Phải chăng dù là con nhóc 9 tuổi hay bây giờ 23 tuổi rồi, tôi vẫn chưa thực sự trưởng thành trong mắt bố mẹ?

Đối với tôi, trưởng thành chính là khi bạn có thể hiểu những điều bố mẹ chưa nói ra, là khi bạn nhận ra đằng sau sự hà khắc là cả một tấm lòng hi sinh vì con cái. Và trưởng thành, là khi bạn dành cho cha mẹ tình cảm, hành động yêu thương chỉ cần bằng 1/10 tấm lòng của cha mẹ dành cho bạn, tôi nghĩ như vậy là quá đủ rồi. Chẳng thế mà có câu ca dao như thế này:

Một mẹ nuôi được mười con

Mười con bỏ mẹ trong ngàn xót xa

Trai cả uống rượu la đà

Tối tăm chẳng biết cửa nhà là đâu

Nào con, nào rể, nào dâu

Trai thì sợ vợ, gái âu nể chồng

Người dự thi : Vũ Thị Hảo

Thay lõi đúng hạn, bảo vệ gia đình bạn

Nước sạch trọn đời, máy bền bỉ hơn

Lõi lọc thô (đến 12 tháng), Màng RO (từ 24-36 tháng), Lõi lọc chức năng (từ 12 tháng)

*Lưu ý: Các sản phẩm lõi lọc sau khi thay nên được xả đúng nơi quy định, thùng rác dành cho nhựa tái sinh.