Vì trưởng thành chính là một món quà…

03/07/2018

Chia sẻ bài viết:

Vì trưởng thành chính là một món quà…

Câu chuyện 1:

Chiều tối. Hà Nội đông đúc với đủ loại xe cộ đổ ra từ từng tuyến đường to, góc phố nhỏ. Hình như tối qua lướt newfeed, có đứa kêu : “Nhà xa công ty nên mỗi lần đi làm hệt như đi phượt. Sáng đến công ty như là “Sáng thức dậy ở một nơi xa…”, chiều về nhà mà như “Đi thật xa để trở về...”…

Sáu năm sống xa quê, hai năm sau ngày tốt nghiệp. Mọi thứ hệt như mới hôm qua mà cũng hệt như quá khứ xa xăm… Sáng sớm hôm nay, vừa nhận được cuộc gọi của đứa bạn cấp 2 lâu nay mất liên lạc. Nó nói ngày mai nó bay sang nước Úc xa xôi, có thể sẽ ở lại định cư nếu có thể. Nó nói muốn mấy đứa chúng tôi tụ họp một buổi, cùng hẹn nhau ở quán ăn vặt của cô Thúy quen thuộc đầu ngõ, vì nó tự nhiên nhớ đến … Tôi và nó. Đã từng là những đứa bạn thân thiết nhất của nhau. Chúng tôi chơi với 4 đứa nữa tụ họp thành nhóm Lục quái đầy tinh nghịch của con hẻm nhỏ đó. Chúng tôi cùng nhau học mẫu giáo, cùng rồng rắn đi bộ đi học tiểu học, cùng đạp xe trên con đường đến trường cấp 2, lọc cọc hò nhau cho kịp giờ học những năm cấp 3.

Dạo đó, khu tôi có rất nhiều quán ăn vặt nổi tiếng ngon bổ rẻ, nhưng chúng tôi, lần nào tụ họp, tiệc lớn hay nhỏ cũng về đúng con hẻm đó, uống cốc nước lọc cũng thấy ngon rồi. Vì đó là nơi chúng tôi tổ chức sinh nhật suốt những năm đi học, là nơi nếu một ngày có đứa trốn học hay cãi nhau với anh trai, chúng tôi chẳng cần đi đâu để tìm ngoại trừ nơi đó. Nó sẽ ngồi một góc khư khư, chờ mấy đứa chúng tôi đến để khao nó chầu chè cho quên hết giận hờn…rồi lại vui vẻ về nhà như chưa hề có gì xảy ra. Thanh xuân của chúng tôi được đong đầy hình ảnh của nhau. Nhưng cứ thế, lên đại học, chúng tôi dần dần không nhắn tin nhiều với nhau nữa. Chúng tôi không mất liên lạc hoàn toàn, vẫn có Facebook của nhau, vẫn like ảnh của nhau đều đặn. Nhưng chúng tôi không còn như trước nữa. Những tin nhắn dần ngắn lại, inbox cũng thừa dần… Không phải bởi mấy đứa chúng tôi ghét nhau hay có xích mích gì. Lần gặp gần nhất là đám cưới Mai, một mảnh trong team, cách đây 4 năm.

Câu chuyện 2:

Hà Nội có 2 đặc sản: tắc đường và đèn đỏ. Những ngã ba, ngã tư dày đặc xe cộ với những con đèn giao thông chầm chậm nhích từng giây trong sự mệt mỏi của buồi chiều tan làm. Bên kia đường, mấy nhóc đang dành nhau xem chung chiếc điện thoại smartphone. Nghĩ lại thì, mấy nhóc này thiệt thòi lắm khi bỏ qua những thú vui, trò chơi ngày xưa. Không công nghệ, không smartphone, bất cứ đâu cũng trở thành nơi vui chơi lí tưởng cho chúng tôi. Nào trốn tìm, chơi u, nhảy dây, bắn bi,…

Ngày bé, cách ăn mì tôm ngon nhất chính là bóp vụn, rồi cho cả muối, lắc thật mạnh để trộn, sau đó ăn, còn lại đống vụn thì đổ cả vào tay, khẽ rung rung tay cho gia vị rơi bớt, rồi đổ cả vào miệng. Rồi đủ các loại nước Rồng Đỏ, bim bim 2 nghìn, kẹo mút,… hình như hồi đó, nước gì cũng có thể mua cho được, miễn là nó ngọt ngọt. Giờ thì lớn rồi nên uống gì cũng không bằng nước lọc. Mà, thứ nước nào càng ngọt, sẽ lại càng nghi ngờ, càng rẻ cũng sẽ càng nghi ngờ. Càng ngon cũng sẽ càng tò mò.

Hình như càng lớn, chúng ta càng sợ nhiều hơn. Dường như chúng ta e ngại mọi thứ xung quanh mình. Không còn là những cô cậu hồn nhiên ngây thơ ngày lên bốn, lên năm nữa, nhẹ dạ cả tin đến nỗi đi đâu làm gì bố mẹ cũng dặn dò tỉ mỉ từng tí một, là khi thích thứ đã thích gì là làm bằng được mới chịu thôi, chúng ta đã trưởng thành và học được cách đừng đặt niềm tin quá nhiều, rằng luôn luôn phải phòng bị với những người xung quanh…

Truong-thanh(1)

Câu chuyện 3:

Nhà xa công ty nhưng buổi sáng nào cũng ham ngủ thêm chút nữa, chần chừ níu kéo từng phút một. Vội vàng đi làm, ra đến cửa không cẩn thận làm rơi một quyển sách đặt ở gần đó. Tối về nhà, mở cửa ra thấy quyển sách vẫn yên vị trên mặt đất chờ tôi nhặt tôi lên. Nếu là trước kia thì chắc bố mẹ sẽ la ó rồi dọn dẹp giúp mình để rồi lúc mình về thì cằn nhằn mình hậu đậu.

Ngày bé, mỗi lần giận dỗi, bố mẹ dỗ cỡ 3 ngày mới hết giận. Nào kẹo,nào kem thử gì cũng ham cho được. Giờ, nổi giận hay buồn, chỉ một lúc sau đã thấy không cần thiết. Sẽ không ai dỗ dành mình 3 ngày 3 đêm với đầy đủ thứ ngon vật lạ nữa. Cũng chả còn ai bận quan tâm đến cảm xúc trẻ con của tôi nữa. Cầm máy gọi điện cho bố mẹ để định than thở về những khó khăn nơi xứ người, nhưng sau cùng lại chỉ thốt lên: “Con vẫn ổn. Con vừa đi chơi về.”

… NHƯNG…

Trưởng thành khiến tôi biết quan tâm nhiều hơn đến những điều nhỏ nhặt của ba mẹ, của người xung quanh nhưng lại luôn muốn họ yên tâm về những điều nhỏ bé, vụn vặt trong cuộc sống của tôi. Có thể luôn muốn biết hôm nay bố mẹ đã ăn cơm chưa nhưng nếu bố mẹ hỏi câu tương tự thì lại thấy không cần thiết. Có thể muốn chăm lo từng điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống của bố mẹ nhưng lại luôn tỏ ra mình đã trưởng thành, đã biết kiểm soát được cuộc sống. Bởi đơn giản, tôi đã lớn, đã đủ khả năng để tự sắp xếp cuộc sống của mình mà không cần bố mẹ hay người xung quanh phải bận lòng hơn nữa.

“Trưởng thành thực sự là khi biết nghĩ về người chăm lo cho bạn từng giọt nước đầu đời.” Sáng bố ho thì tối về sẽ hỏi bố đi khám chưa. Sáng mẹ nói muốn đi châm cứu thì tối về sẽ lo lắng châm cứu rồi, mẹ đã đỡ chưa. Từng cốc nước, bữa ăn cùng muốn chu toàn nhất cho bố mẹ. Nhưng lại không muốn bố mẹ bận tâm quá về mình…

Trưởng thành rồi, ý thức được những gì mình cần và muốn làm cho những người xung quanh. Trưởng thành rồi, cũng sẽ có đủ khả năng và điều kiện để thực hiện những ước mơ, dự định mà những ngày thơ bé vẫn luyên thuyên mơ về “Sau này lớn lên…” Nếu ví cuộc đời của bất cứ ai là một bộ phim thì trưởng thành chính là đoạn cao trào, ở đó có những cảnh phim buồn, thất vọng, có cảnh phim gây ức chế cho người xem …nhưng lại là đoạn đáng mong chờ nhất của toàn bộ phim.

Câu chuyện 4:

Điện thoại rung. Ai đó inbox cho tôi. Màn hình điện thoại chính là hình ảnh team Lục quái tổ chức sinh nhật tôi tại nhà năm lớp 8 và “hậu sinh nhật” tại quán cô Thúy quen thuộc. Bố, mẹ và chúng tôi. Hình như không hề thay đổi nhiều. Chỉ có nụ cười và ánh mắt có lẽ đã trải đời hơn. Chúng tôi gặp nhau vào những ngày đầu của bộ phim. Cùng là nhân vật chính, nhân vật phụ của cuộc đời nhau. Có thể chúng tôi đã mất mấy năm để lạc mất nhau. Không trêu chọc. Không nói linh tinh về đủ thứ với nhau. Không luyên thuyên về chàng trai nào đó. Nhưng chúng tôi vẫn là chúng tôi của con hẻm nhỏ đấy. Là Lục quái khách quen của cô Thúy. Và chúng tôi vẫn là bạn thân của nhau.

….. Ga Hà Nội. Chuyến 21h. Lọc cọc tiếng bánh xe. Tôi về quê. Về với bố mẹ. Về với tụi nó. Với tôi của phần đầu bộ phim thanh xuân. Sau khi gọi cho bố mẹ báo tôi đang trên đường về, tôi nhắn vội một cái tin mà xóa đi viết lại nhiều lần vào nhóm chat: “Tao đang về rồi. Nhớ chúng mày lắm.” … Có thể, câu nói ngày bé khiến bản thân hối hận nhất chính là mong muốn được lớn lên thật nhanh. Nhưng nếu có thể quay trở lại, tôi vẫn mong mình có thể trưởng thành sớm nhất có thể…Vì trưởng thành chính là một món quà…

Người dự thi: Vũ Thanh Tâm

Thay lõi đúng hạn, bảo vệ gia đình bạn

Nước sạch trọn đời, máy bền bỉ hơn

Lõi lọc thô (đến 12 tháng), Màng RO (từ 24-36 tháng), Lõi lọc chức năng (từ 12 tháng)

*Lưu ý: Các sản phẩm lõi lọc sau khi thay nên được xả đúng nơi quy định, thùng rác dành cho nhựa tái sinh.