TRƯỞNG THÀNH LÀ KHI ... CHÚNG TA CHẲNG LÀ AI CẢ

11/07/2018

Chia sẻ bài viết:

TRƯỞNG THÀNH LÀ KHI ... CHÚNG TA CHẲNG LÀ AI CẢ

Dạo này Sài Gòn hay mưa nhỉ? Chắc là ông trời lại "khóc nhè" nữa rồi! Thú thật, tôi chẳng bao giờ thích mưa cả, không khí thì ẩm ướt, đường thì trơn tuột, cặp kính dày phủ đầy nước mưa khiến tôi chẳng thể nào lái xe một cách dễ dàng cả. Nhưng ... trở về cái hồi tôi còn bé, tôi lại là một fan bự của mưa, chỉ đơn giản là vì ... mưa là "người lớn".

Lúc còn năm, sáu tuổi gì đó, tôi rất thích mưa, mỗi lần mưa là tôi hay chạy ù ra sân để nhảy bì bõm trên cái thềm đất đầy nước. Cái cảm giác nước bắn tung tóe lên người khiến tôi cảm thấy khoái chí lắm, sau mỗi lần đó, tôi cảm nặng tới nỗi ăn uống gì cũng không ngửi thấy mùi vị vì hai cái lỗ mũi nghẹt cứng, giọng thì khàn khàn đầy đàm đặc và uống thuốc trừ cơm, đôi lúc lại bị nghe ba mẹ la vì tội tắm mưa.

Khi tôi lớn hơn một tí, tần suất tắm mưa cũng giảm dần, vì tôi biết ... mắc cỡ, cứ bước ra sân nhảy tưng tưng trước mặt bao người thì quê chết được nên cứ đến lúc trời mưa là tôi ở trong nhà nhìn ông trời "khóc" ti tỉ. Rồi về sau, khi tôi lớn thêm tí nữa tôi lại đâm ra chẳng thích mưa vì mưa khiến tôi đau đầu và thế là mưa xuống thì tôi lại than ngắn thở dài. Rốt cuộc, mãi về sau, khi đã "hiểu đời" một tí thì tôi mới biết mưa không làm tôi đau đầu mà là vì ... suy nghĩ làm tôi đau đầu. Tôi là con bé hay suy nghĩ, hễ cứ có chuyện gì xảy ra hay ai nói gì tôi là tôi lại suy nghĩ, người ta mệt vì làm việc còn tôi lại mệt vì suy nghĩ nhiều. Có lúc, chỉ vì một câu nói của bạn tôi "Mày không biết gì thì đừng nói vào!" mà khiến tôi suy nghĩ cả đêm chẳng ngủ được. Mẹ hay bảo tôi "Mày chẳng bao giờ để cái đầu rảnh được hả bé!", tôi cũng muốn lắm nhưng chẳng thể làm được.

Nhiều khi, ta suy nghĩ thật nhiều chuyện, thật nhiều điều nhưng cuối cùng chẳng đâu vào đâu. Chúng ta suy nghĩ thật nhiều, nghĩ rằng sau khi tốt nghiệp ta phải làm nghề nào? Sao bạn bè ta lại đối xử với ta như vậy? Chúng ta suy nghĩ rằng mai mốt chúng ta sẽ là những "ông to bà lớn", nghĩ ra một cuộc sống vẹn toàn, một điểm số hoàn hảo, một ước mơ đẹp đẽ và một hoài bão tuyệt vời. Thế nhưng, sau tất cả, đó chỉ là suy nghĩ của người khác và ta chỉ đang chạy theo lối riêng của họ mà bỏ quên mất con đường mình đang đi. Chúng ta nhìn thấy người này thế này, người kia thế kia, bản thân ta ao ước được như họ, suy nghĩ làm thế nào để được bằng họ hoặc vượt hơn họ. Rồi chúng ta cứ lún dần và mãi mãi chỉ là chú sâu nhỏ mãi chưa ủ kén. Phải đấy, khi chúng ta hai mươi hay ba mươi thậm chí là bốn mươi tuổi thì trong thâm tâm chúng ta vẫn đang tồn tại một người khác mà chẳng phải là chính mình. Mưa là "người lớn" vì mưa rơi rồi cũng sẽ tạnh, trời "khóc" rồi cũng sẽ nín thôi và ... suy nghĩ nhiều đến khi thức tỉnh được có lẽ chúng ta sẽ trưởng thành.

Quê tôi ở Nha Trang, tôi sống ở đó 18 năm nhưng hiện tại vẫn chưa biết bơi, chỉ là ... lần đầu tiên tôi ra biển là khi tôi học lớp hai, thân hình mũm mĩm gần bốn mươi kí cùng cái áo phao nhỏ màu cam ục ịch chạy ra biển và trượt chân, tôi té ù xuống nước với toàn bộ trong khoang miệng là nước biển mặn chát. Tôi mếu máo kêu lên và ba mẹ chạy ra kéo tôi lên bờ, ba còn chọc tôi là nước biển chứa đầy nước thừa thải của cơ thể người nên miệng tôi nuốt phải toàn là amoniac (NH3). Tôi thấy mệt và từ đó đến khi lớn tôi chẳng tắm thêm lần nào nữa. Nhưng đến khi vào Sài Gòn làm sinh viên, tôi lại nhớ biển, nhớ đến từng lần sóng đánh vào bờ và từng lần cát cuốn vào chân, nhớ đến cái hương vị mặn chát của biển và nhớ đến cái áo phao nhỏ màu cam bé tí ấy. Đôi lúc, tôi muốn quay lại lúc ấy lắm vì nó là thứ cảm xúc đẹp đẽ đầu đời mà tôi có được. Mỗi khi đến hè, tôi lại khăn gói về Nha Trang, đi xe dọc con đường Trần Phú để hóng gió biển, hít cho căng đầy lồng ngực mình cái mùi vị biển ấy, nhiều khi tôi ước tôi có cái hộp đựng không khí của Doraemon để có thể lấy đầy không khí biển vào hộp và mang nó vào Sài Gòn để mỗi khi nhớ Nha Trang, tôi lại mở hộp ra và mong nhớ. Truyện tranh thì chỉ mãi là truyện tranh, chỉ là sự tưởng tượng của con người mà thôi, nhưng tôi biết có một thứ chẳng phải do tôi tưởng tượng ra, đó là nỗi nhớ.

2018-07-10-20-37-34

Tôi biết nhớ Nha Trang nhiều hơn, tôi biết hỏi thăm gia đình nhiều hơn, biết khóc, biết buồn một cách đẹp hơn, phải chăng là nhờ Sài Gòn sao? Đi xa quê hương, tôi mới hiểu rằng chẳng nơi nào đẹp bằng quê nhà cả, đôi chân đi thật nhiều nơi, qua thật nhiều vùng miền, khám phá nhiều điều mới lạ nhưng sau mỗi chuyến đi, cái ta cần là trở về. Mỗi con người đều thờ ơ với mọi sự vật xung quanh họ khi những điều thân quen, những người quen thuộc gặp gỡ, chăm sóc và bảo vệ họ từng ngày từng giờ và chỉ đến khi rời xa, họ mới biết họ không vô cảm. Xa quê nhà, chúng ta có lẽ sẽ yếu đuối hơn trước nhưng cũng có lúc yếu đuối là động lực, khiến ta lớn hơn, chín chắn hơn và biết yêu quê hương nhiều hơn. Phải chăng đó là sự trưởng thành?

Nha Trang dạo này khác quá, từng tòa nhà cao tầng được xây lên, từng công viên, khu nghỉ dưỡng cứ thế mọc lên như nấm, khiến cho thành phố chật chội hẳn. Tôi về nhà, sau khi nhâm nhi một ly bạc xỉu đá, tôi lại xin mẹ chở tôi đi vòng vòng thành phố, thế rồi nhìn từng con đường nhỏ, từng khuôn viên, trường học ... khác quá rồi. Rồi chẳng biết như thế nào, từ đâu đó trong lòng tôi lại dâng lên một nỗi buồn khó tả, chính xác hơn là nuối tiếc.

Tôi vẫn còn nhớ ngày bé tôi là một con bé mập phính và núc ních, bà ngoại tôi sợ tôi bệnh nên sáng nào khi ba mẹ gửi tôi ở ngoại để đi làm, bà cũng dẫn tôi đi bộ từ nhà ra biển, có hôm thì đi chợ, còn có hôm thì lại đi xuống nhà bác ở Hòn Rớ để chơi và tất nhiên là đi bộ ra bến xe bus để đón xe từ đường Tô Hiến Thành đến đường Tôn Đức Thắng. Tôi có thù với xe hộp, cứ lên xe là chóng mặt và buồn ói đến nỗi bây giờ tôi chỉ dám đi xe máy và hạn chế đi taxi, dần dà về sau, ngoại thấy tôi say xe dữ dội nên chuyển lộ trình sang đi bộ biển và chợ Xóm Mới.

Ngày ấy, ngoại mới có 68 tuổi, vẫn còn khỏe và tóc thì chưa chuyển hẳn sang muối tiêu, nên cứ sáng sớm là một thân hình cao gầy và một con bé mập ú lùn tịt lại đi bên nhau, có khi hai bà cháu đi đến trưa mới về, có hôm ngoại dẫn theo con bé Xoong là chị họ tôi nhưng kém tôi bốn tuổi đi cùng. Ra đến biển, tôi và con Xoong cứ ngồi nghịch cát và chơi cầu tuột, trong khi ngoại thì ngồi hóng mát ở gốc cây to gần đó với cái mũ rộng vành màu nâu sẫm quạt phất phơ. Trời chuyển sang trưa, nắng bắt đầu gắt hơn nhưng tôi và con Xoong cứ hăng say chơi chẳng biết nóng là gì, cầu tuột bằng kim loại nóng rực nên hai đứa lấy lá bàng dán lên mông rồi lết từ từ xuống dốc, mồ hôi mồ kê nhễ nhại nhưng vui vô cùng, hai đứa còn dắt nhau ra giẫm lên bãi cỏ xanh mướt cho dù có biển báo cấm to tướng ra đấy. Có lẽ vì biển lúc ấy xanh và rộng, chẳng có thứ gì che chắn nên tôi thấy rất mát, từng hàng dương cứ ríu nhau xào xạc và lay động, khung cảnh hoang sơ nhưng mộc mạc và bình dị, khiến tôi như muốn ở lại chỗ đó luôn vậy. Sau hôm ấy, con Xoong thì bị cảm nắng nên ở nhà, chỉ có tôi và ngoại là lại dắt nhau đi bộ ra chợ thôi, về sau tôi đâm ra lười biếng và chẳng muốn đi bộ nữa, có hôm ngoại dẫn tôi đi bộ đến chợ, giữa đường tôi giậm chân giậm cẳng và khóc nói ngoại là không muốn đi nữa, ngoại tôi rất nghiêm nên thấy vậy bỏ đi một lèo, tôi khóc to lên cuối cùng ngoại quay lại giỗ tôi và kêu xích lô chở hai bà cháu về. Hồi đấy, xích lô rất mắc tiền, đến những ba bốn chục ngàn nhưng ngoại vẫn kêu chở tôi về, rồi sau đó ngoại cứ lên cơn suyễn nên chẳng còn sức để đi bộ nữa, tôi cũng ở nhà luôn. Hồi bé, tôi rất thích ăn bánh căn đặc biệt là bánh căn trứng cút nên thường nói ngoại mua cho vài cặp ăn sáng, ngoại bảo không cho ăn trứng cút vì nó béo nên chỉ cho ăn trứng gà thôi, thế mà trong vài cặp trứng gà lại len lỏi những cặp trứng cút nhỏ xíu đáng yêu.

Nhớ lại hồi đấy, tôi hư thật, nhiều khi ngồi ở một quán cà phê nhỏ nào đó rồi vu vơ suy nghĩ lại nhớ đến những kỷ niệm ấu thơ, chúng khiến tôi cười trong giây lát nhưng rồi lại buồn bã xa xăm. Ngoại giờ thì ... cũng khác nhiều rồi, ngoại đã hơn tám mươi, yếu ớt hơn nhiều cái ngày tôi còn bé, mái tóc dài muối tiêu giờ đã chuyển thành muối tinh i - ốt rồi, sau vài lần bệnh nặng, ngoại cắt tóc lần lần nên giờ ngoại lại có một mái tóc tomboy cực ngầu, da ngoại cũng nhăn nheo và xanh xao nhiều hơn.

Tôi về Nha Trang, ngoại luôn cười chào đón tôi, hàm răng không đều, cái gãy cái mất nhưng sao tôi thấy nó đẹp quá, đôi lúc tôi hay chọc ngoại cười vì tôi muốn thấy nụ cười ấy nhiều hơn, nhiều khi nhìn ngoại đi xiêu xiêu vẹo vẹo vì cái lưng méo hồi tre mà thấy thương ngoại hơn, lúc ấy lại có cái gì nghẹn nghẹn trong cổ họng. Có khi ở Sài Gòn mà cứ nhớ ngoại da diết, thương rồi tội ngoại, nhớ đến ngày bé mè nheo vô cùng. Tất cả, giờ thì chỉ còn là ký ức mà thôi. Tôi nhớ Walt Disney đã từng nói thế này "Tôi làm phim hoạt hình không dành cho trẻ em mà là dành cho người lớn để họ nhớ lại phần tuổi thơ trong họ". Tôi tin điều đó và tôi cũng hiểu rằng đôi khi chúng ta trưởng thành từ những kỷ niệm thơ dại ấy.

Tôi nhớ ở Nha Trang, mẹ hay dẫn tôi đi ăn như vậy, những buổi ăn như thế thường tốn mất vài trăm ngàn trong khi mẹ tôi ... là công nhân của một xí nghiệp may. Khi còn ở Nha Trang, tôi luôn vòi vĩnh ở mẹ những thứ mắc tiền nhưng mẹ luôn luôn chiều ý tôi và mua chúng. Khi mua về, tôi háo hức xài chúng, được vài lần thì lại bỏ xó và chẳng thèm ngó ngàng tới nữa. Rồi đến khi vào Sài Gòn, tôi sống tiết kiệm đến mức tự đặt ra quy định là một tuần chỉ xài một trăm ngàn thôi rồi đi siêu thị là cứ nhằm hàng rẻ mà mua, chỉ vì sợ ba mẹ tốn tiền. Mẹ cũng hay vào thăm tôi, những lần như vậy mẹ thường dẫn tôi đi mấy quán ăn đắt tiền hay ăn ở nhà hàng to thật to, tôi lại hay thì thầm bảo mẹ là tiết kiệm lại nhưng mẹ chỉ nói tôi một câu khiến tôi chẳng bao giờ quên được, "Mẹ dẫn con đi ăn nhà hàng đắt tiền, những chỗ xa xỉ để con biết được rằng tiền kiếm nhiều cũng chỉ để phục vụ bản thân, hãy thưởng cho mình một chút sang trọng, một chút xa xỉ để bản thân mình biết được cảm giác đó là như thế nào, điều đó rất xứng đáng". Mẹ dẫn tôi đi như vậy nhưng có những ngày mẹ lại đi chợ và nấu cơm cho tôi ăn, mẹ tập cho tôi cách chi tiêu thỏa đáng và không hình thành thói quen vòi vĩnh đi những chốn xa xỉ. Mẹ dạy tôi nhiều lắm nên mỗi khi ở cạnh mẹ, tôi cảm giác mọi thứ trong tôi dường như lại ở trạng thái cân bằng. Một hôm, tôi buồn vì bị bạn tẩy chay và khai trừ khỏi nhóm, tôi cứ suy nghĩ mãi đến nỗi thẫn thờ như một đứa dở, mẹ thấy vậy nên hỏi tôi, tôi kể hết cho mẹ nghe. Mẹ nói rằng hãy mặc kệ điều đó, coi như đó là một lần trải nghiệm và nếu tôi thấy cô đơn lạc lõng sau khi bị tẩy chay thì chẳng sao cả, hãy là chính mình mà thôi.

Quả thật, tôi luôn sống một cách gượng ép bản thân và luôn bọc cho mình lớp vỏ bọc thân thiện, nhưng rồi sự thân thiện lại bị nhóm bạn lợi dụng và thờ ơ. Có lẽ, độc ác chính là con người nhưng độc ác nhất lại là đám đông, là các nhóm, cái bè phái, sau khi rút ra khỏi đó, có khi bạn sẽ cảm thấy cô đơn, lạc loài đến tuyệt vọng và đôi lúc muốn từ bỏ mọi thứ. Vậy nên, khi ta thoát khỏi ảo giác lạc lõng đó thì ta sẽ trưởng thành thôi và khi ta biết được giá trị bản thân xứng đáng với những điều gì thì ta lại lớn thêm một ít nữa. Ba tôi, người đàn ông cao gầy bụng bia nhưng lại là người ba tốt nhất trên đời.

Ba tôi im lặng lắm, ít nói lắm nên đôi lúc tôi chẳng biết nói gì với ba. Thế nhưng, tôi học được ở ba hai chữ, "nhịn nhục" và "ấm áp". Ba nhịn khi có ai đó nói đến ba, ba nhịn khi ai đó làm gì đó xấu với ba và ba ấm áp khi ba luôn quan tâm lo lắng cho đứa con gái rượu là tôi. Quả thật, ở ba hay ở mẹ tôi đều học được những điều quý giá, tôi học mẹ sự điềm đạm, mực thước và thông thái và tôi cũng học được nhiều từ ba. Đôi lúc, trưởng thành là khi ta hiểu được nỗi nhớ gia đình, tình yêu quê hương hay là sự tự trọng. Nhưng với tôi, trưởng thành là khi ... chúng ta chẳng là ai cả, chúng ta là chính chúng ta mà thôi và bản ngã của bản thân, bạn hãy tìm lại nó đi. Vì đó là ... TRƯỞNG THÀNH.

Người dự thi: Nguyễn Hiền Trâm

Thay lõi đúng hạn, bảo vệ gia đình bạn

Nước sạch trọn đời, máy bền bỉ hơn

Lõi lọc thô (đến 12 tháng), Màng RO (từ 24-36 tháng), Lõi lọc chức năng (từ 12 tháng)

*Lưu ý: Các sản phẩm lõi lọc sau khi thay nên được xả đúng nơi quy định, thùng rác dành cho nhựa tái sinh.