Từ sợ thành yêu thương
Từ sợ thành yêu thương
Từ sợ thành yêu thương
Khi bước sang tuổi lên bốn, tôi đã có một chuyến đi đầu tiên trong đời, một mình, bằng đôi chân của mình, vượt qua cái ao nhà- tôi vẫn hay quẩn quanh chơi tại đó với rặng râm bụt đỏ- để đi ra nhà ngoại. Chỉ là lúc đó tôi thích nhà ngoại, muốn được ra ngoại chơi.
Chỉ khi tôi muốn bước đi, tôi mới nhận ra tôi sợ đi xa ngôi nhà của mình nhiều đến thế. Cũng có khi đơn giản lúc đó tôi sợ vì mình chưa ra khỏi nhà một mình bao giờ.
Trên đường đi, tôi có hái hoa bắt bướm. Tôi sợ sâu vì sâu trông rất gớm ghiếc. Tôi sợ đến mức hét toáng lên khi bất chợt thấy nó ở ngay chiếc lá mà mình định hái để chơi. Sau này tôi mới biết sâu hoá thành bướm mà bướm thì không gớm ghiếc chút nào.
Rồi tôi cũng sợ phải ở một mình, đi một mình. Mỗi lần bố mẹ vắng nhà, hay đơn thuần là đi gánh nước, ra đồng thì nỗi sợ lúc đó chỉ chực trào ra mà muốn chạy theo bố mẹ.
Mà đi một mình sợ lắm, mấy con chó chạy xông ra, tôi thấy nó chỉ muốn gào lên khóc vì quá hãi. May mà chúng hiền, không nhe răng mà sủa tôi ầm ĩ.
Gặp người lạ tôi cũng thấy sợ. Đường vắng, nên cái sợ mà tôi nhớ lúc ấy bao trùm lên mọi cảnh vật mà tôi đi qua.
Trời gần tối. Tôi sợ tối, sợ lắm, ngay khi nhận ra trời tối lại, tôi chạy thật nhanh, vừa chạy vừa khóc như có một con quái vật đang đuổi bắt tôi. Cái sợ đã lên thành tiếng nấc.
...
Khi tôi lên mười hai tuổi, tôi vượt quãng đường hơn hai chục cây số để đi về nhà. Chỉ là tôi nhớ nhà quá, học ở trường nội trú nên đường khá xa. Cũng vẫn những nỗi sợ ấy nhưng chúng dịu đi hẳn. Tôi lúc ấy ấy à, có cái lá gan lớn hơn, đôi mắt rộng mở hơn. Tôi không đến nỗi gào khóc nữa, mà chỉ sụt sùi vì sợ đường, càng đi, đôi chân bé càng thấm mệt, mãi chẳng thấy đến nơi. Nhưng mà, nỗi nhớ của tôi lúc ấy lớn hơn cả.
...
Khi tôi bước qua tuổi hai mươi, tôi lần lượt ngã hết lần này đến lần khác. Tôi có đến hai lần gap- time ở trường đại học, học thêm một trường đại học nữa thì lại ngã, tham gia một chương trình lãnh đạo trẻ thì ngã giữa chừng, làm việc cho một tổ chức xã hội khi gần kết thúc dự án thì tôi lại ngã,... Những cú ngã liên tục làm tôi thấy sợ ngã. Ngay cả trong các mối quan hệ của tôi, khi mọi chuyện tiến triển, gần trở nên gắn bó hơn thì tôi lại ngã. Dần dần tôi không thấy sợ ngã nữa. Nhìn lại, tôi thấy ngay cả khi đạp xe đi về giữa chốn thành thị lúc một hai giờ sáng tôi cũng không còn thấy sợ nữa, chỉ có ngã thì sẽ bị đau thôi. Tôi không còn sợ lúc đi một mình hay phải xa gia đình, và cũng không sợ đi xa nữa.
Ngày ấy tôi có một người ông. Ông tôi trầm tính và ít nói. Cứ mỗi lần tôi hỏi là phải 3- 4 giây sau ông mới trả lời. Tôi sợ ông có lẽ vì thế. Khi ông mất, cái năm tôi đã vào đại học... Tôi thương ông mà đạp xe vào Quảng Trị thăm chiến trường, thăm nghĩa trang liệt sĩ trong đó- ông là bộ đội tham gia chiến trường chống Mỹ. Khi tình yêu, lòng thương nhớ bao trùm lấy tất cả, tôi không còn thấy sợ trong suốt con đường tôi qua.
Khi đặt chân đến Lào, tôi không còn biết sợ người lạ nữa. Thay vào đó, tôi thấy mọi người ở đâu cũng như là anh em. Tôi trân trọng hơn tình hữu nghị "sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long" của hai nước, thấy cờ Lào và Việt Nam đứng cạnh nhau như nhân dân hai nước cùng chung sống hoà hợp với nhau vậy.
Rồi có khi nhớ rừng, tôi chọn một công việc để làm cùng với bà con trên bản. Mấy anh chị đi về cùng tôi, tôi dẫn anh, chị qua một khu rừng đi theo lối mòn mà theo anh nhận xét thì " một bên vách, một bên vực". Mọi người sợ đến mức muốn từ mặt tôi và cũng chắc chắn không quay lại đó nữa. Thế mà tôi vẫn yêu rừng lắm, chẳng thấy sợ gì cả.
Rồi có khi nhớ biển, tôi ào ào đón một chuyến tàu hoả, đi thẳng ra chạm biển. Tôi nhớ có câu nói rằng "untouched is unloved" nên tôi không bao giờ quên chạm tình yêu của mình cả. Nhờ đó mà tôi biết biển đang nói gì với tôi về rác thải, màu nước,... biết ngư dân yêu biển ra sao khi hai ba giờ sáng vẫn ngồi đó cùng tôi, hát cho tôi nghe về biển,... Biển lúc đó mênh mông, biển chìm trong đêm mà sao... tôi không thấy sợ.
Rồi khi Vân Đồn nằm trong luật đặc khu mà nhà nước đang lấy ý kiến nhân dân, tôi phi xe đạp từ bốn giờ sáng lên tới đó để lắng nghe dân nói thế nào. Tôi không còn thấy sợ mất đất, mất biển nữa vì người dân cho tôi niềm tin mãnh liệt vào chính họ. Vì dân chúng hay ngay cả tôi cũng bảo vệ và xây dựng quê hương mình bằng tình yêu nước đậm sâu.
Tôi hiểu rằng từ sợ thành yêu thương là một quá trình để trưởng thành. Nhưng còn trưởng thành từ khi nào... tôi cũng không biết rõ. Chỉ biết rằng, tôi không còn sợ hãi nữa, mà chỉ biết yêu thương mỗi vùng đất tôi qua, mỗi ngụm nước tôi uống,... là khi ấy tôi thấy mình trưởng thành.