TRƯỞNG THÀNH PHẢI CHĂNG LÀ CHIA LY

27/06/2018

Chia sẻ bài viết:

TRƯỞNG THÀNH PHẢI CHĂNG LÀ CHIA LY

TRƯỞNG THÀNH PHẢI CHĂNG LÀ CHIA LY

71e3549c6fe6ed431295071de3f48f63a83d642c

Những ngày cuối năm vội vã! Khi ai nấy đều ngập chìm trong sổ sách, số liệu và cả mớ công việc còn ngổn ngang thì Tết đang dần gõ cửa từng căn phòng, từng mái nhà, luồn sâu trong góc phố con hẻm. Tết là khoảnh khắc con mong chờ nhất năm bởi khi đó con nghe được hơi thở của mùa xuân đang tràn về qua từng kẽ lá. Là khi con cảm nhận được cái lành lạnh của hơi sương mùa đông đang đem Tết từ tận một miền xa thẳm của cả một năm, len lỏi về từng nồi bánh chưng, từng cây đào rực hồng, từng khuôn mặt em thơ và ngay cả niềm vui rạo rực trong trái tim con. Tết là lúc con được trở về nhà, về bên gia đình ta.

Chiều nay, khi vừa kịp trở về nhà con ghé thăm ông nội. Nhìn khuôn mặt xanh xao gầy hơn trước của ông, con xót xa bố ạ. Bà mất đã ngót được 20 năm, ông lủi thủi sống với đàn con cháu. Dẫu có những niềm vui về già nhưng cũng không khỏi cô đơn khi con cháu ai cũng có gia đình riêng, niềm vui riêng. Con hồi hộp mong chờ bữa cơm tất niên Tết trong ông như mọi năm. Nhưng năm nay sáng 29 Tết mẹ tất bật đi chợ chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên. Con ngạc nhiên đến độ phải thốt lên một câu hỏi chừng như lời một đứa trẻ con. “Mẹ làm cơm làm gì ạ? Đằng nào lát mình chẳng qua ông ăn tất niên”. Mẹ nhìn đầy ái ngại với câu hỏi của con. Rồi bố nói ông không tổ chức bữa cơm tất niên nữa vì ai cũng có gia đình rồi, cũng cần có bữa cơm tất niên riêng. Hơn nữa, mấy tháng nay ông yếu, đau họng nên ông phải thay cơm bằng cháo cho dễ nuốt. Ông mới đi bệnh viện và theo chuẩn đoán của tuyến tỉnh nói có thể ông bị ung thư vòm họng. Nhưng để chắc chắn hơn thì nên chuyển tuyến trung ương để kiểm tra nhưng ông lại không đồng ý. Ông còn đùa rằng “chắc bà sắp về đón ông đi”. Đó là lý do tại sao đôi lần con về gần đây bố hay nửa đùa nửa thật rằng chịu khó về thăm ông không bao giờ ông mất là con không được nhìn thấy ông. Những lời nói đó con còn bỏ qua vì cứ nghĩ ông vẫn còn rất khỏe.  Để ngay giờ đây con hụt hẫng, chơi vơi tưởng chừng như có thứ gì đang cào xé tim con. Cả đêm đó con không thể ngủ, con tưởng tượng bao nhiêu thứ xảy ra. Con cố hình dung khuôn mặt ông như muốn lưu giữ hình ảnh ông mãi mãi. Và con nhận ra dường như đôi lần con đã chợt quên hình dáng ấy. Con thương ông, thương những nhọc nhằn đã hằn in lên khuôn mặt, đôi bàn tay già nua khắc khổ vì năm tháng của ông. Con thương ông, thương cội rễ của gia đình, của mấy thế hệ mà chính con đang là một chiếc lá xanh tươi. Cội rễ sần sùi, chai sạn để cho cây lá mãi rợn ngợp, tươi tốt.

Con mường tượng về những kỉ niệm quá khứ. Con nhớ quay quắt những năm tháng tuổi thơ được ngủ bên ông, khi bố xa nhà khi mẹ bận chạy chuyến chợ đêm chưa về. Nhớ những tiếng “Ong ơi! Ong ơi!” ở tuổi thơ con gọi về. Bởi ngày đó, con bị ngọng nên chưa một lần gọi được tiếng “ông” trọn vẹn. Những ngày ấu thơ bên ông sẽ theo mãi, theo hoài vào sâu trong tâm tưởng, theo cả vào những ngày dài dằng dặc trên đường đời con như một phần máu thịt trong con mà chẳng thể nào phôi pha. Ông như cây đại thụ của gia đình ta và càng thiêng liêng hơn khi thành chiếc cầu nối quý giá giữa đám con cháu, giữa những người còn cười khóc với đời và người đã về thiên cổ.

Con biết sẽ một ngày nào đó chúng ta sẽ phải đối mặt với sự thật nghiệt ngã khi không còn ông bên gia đình nhưng đối với con những tình cảm đó sẽ mãi vẹn nguyên,con sẽ chôn chặt tình cảm thiêng liêng này vào sâu thẳm nhất trong trái tim con. Nhưng bố ơi, liệu rằng khi ông mất, đại gia đình ta có còn vẹn tròn như xưa? Linh tính mách bảo cho con ý thức về sự tan rã của các thành viên trong gia đình lớn này. Nhà ta chia làm hai phe nhà giàu và nhà nghèo, không phải chúng ta “mất đoàn kết” mà vì con không còn cảm thấy thoải mái như xưa. Một ánh nhìn xa cách cũng có thể nhắc con về một ngày không còn trời yên gió lặng. Một câu chào hỏi khách sáo báo hiệu tình cảm rạn vỡ giữa anh chị em con. Hơn thế nữa, nhận ra sự tan rã của các thành viên trong gia đình làm con thấy hoảng sợ và phải cố tình tạo ra một ranh giới cách biệt vô hình ở thế hệ chúng con. Con lo sợ một mai sẽ luôn phải chịu đựng bầu không khí ngột ngạt đầy rẫy những coi khinh.

Con - một đứa con gái 25 tuổi, sống cuộc sống hiện đại mà sao con lại thấy trân quý những khoảnh khắc quá khứ đến vậy? Con lớn lên trong những bồi đắp phù sa yêu thương, sự trân trọng, sự sẻ chia mà người lớn đã hướng cho. Ông bà, bố mẹ đã nuôi dưỡng trong con những xúc cảm vui buồn. Biết quan tâm trắc ẩn trước những cảnh đời. Nhưng giờ đây bố mẹ ơi, con thấy trắc ẩn chính cuộc đời của con, của anh chị em con.

Con sống chưa đủ nhiều để hiểu hết cuộc đời dài rộng dẫu con đã bắt đầu bước những bước thấp bước cao trên hành trình trưởng thành. Nhưng con nhận ra thuở ấu thơ của đời người rồi cũng sẽ qua đi. Hóa ra giàu nghèo chỉ là chuyện thay đổi trong khoảnh khắc. Thiếu thốn vật chất giờ đây không còn nữa thay vào là mối bận tâm khác còn quan trọng hơn. Đó là nỗi lo về tinh thần, nỗi sợ hãi khi tình cảm gia đình đang dần mất đi, là sự bận tâm giăng mắc trong trái tim con về những giá trị truyền thống của nhà ta đang dần mai một. Có khi nào, có khi nào rồi một mai con cũng sẽ không còn nuối tiếc điều xưa nữa?

Con mải miết lục tìm quá khứ, con chùng chình níu kéo thời gian đang dần trôi. Con miên man với những kỉ niệm xưa cũ. Dẫu con luôn biết rằng “sống cho hiện tại là cảm ơn quá khứ và mở cánh cửa tương lai” nhưng con luôn mong chờ được một lần trở về quá khứ. Bởi ở nơi đó, anh chị em con sẽ được ngồi với nhau trong một bữa cơm đoàn viên trọn vẹn có ông bà, các bác, chú thím mà dường như cuộc sống hiện tại làm chúng con cả năm chưa kịp ngó mặt nhau. Con muốn gia đình ta lại như xưa, lại đầm ấm như ngọn lửa đêm đông. Con mong trưởng thành để hiểu thấu hết nỗi đau, để chấp nhận được quy luật sinh-lão-bệnh-tử khắc nghiệt của cuộc đời, để đủ mạnh mẽ để vượt qua nghìn trùng thử thách. Nhưng đó cũng là lúc những người thân yêu bên cạnh con đang dần đi xa, những giá trị tưởng như trường tồn đang dần bị lãng quên. Đời người vô thường, tuổi tác càng lớn người ta thường sợ hãi cảm giác mất mát. Phải chăng trưởng thành là đồng nghĩa với chia ly phải không bố?

Người dự thi: Vũ Thị Hường

Thay lõi đúng hạn, bảo vệ gia đình bạn

Nước sạch trọn đời, máy bền bỉ hơn

Lõi lọc thô (đến 12 tháng), Màng RO (từ 24-36 tháng), Lõi lọc chức năng (từ 12 tháng)

*Lưu ý: Các sản phẩm lõi lọc sau khi thay nên được xả đúng nơi quy định, thùng rác dành cho nhựa tái sinh.