Với tôi, trưởng thành là những lúc...

11/07/2018

Chia sẻ bài viết:

Với tôi, trưởng thành là những lúc...

Trưởng thành... ngược

Trước khi bắt tay vào chia sẻ về suy nghĩ của mình về vấn đề "Trưởng thành là khi...", tôi đã cố tình tìm hiểu nghĩa của từ này trong cuốn từ điển Hán Việt của cụ Đào Duy Anh - một bậc thầy về từ Hán Việt. Theo ông, Trưởng là lớn, trái với chữ ấu. Trưởng có nghĩa là lớn lên, trưởng thành là người đã lớn, thành nhân rồi, trưởng thành là người đã lớn, đã thành người rồi. Sách vở là vậy nhưng nói theo cách ông bà, dân gian ta hay nói, trưởng thành là lớn khôn rồi.

Vâng, người trưởng thành là lớn khôn. Người trưởng thành là người đã lớn khôn. Và tôi nghĩ mỗi người trong chúng ta ai cũng có cách trưởng thành hay quá trình trưởng thành, thời điểm nhận ra mình trưởng thành theo một cách rất riêng và duy nhất. Ví như tôi đây, năm nay đã 35 tuổi, đã lập gia đình và có 2 con. Tôi rà soát lại mình xem mình thực sự đã trưởng thành từ khi nào. Thật không dễ dàng để biết lúc nào là mình đã trưởng thành hay đôi khi mơ hồ không biết thực sự mình có trưởng thành hay chưa. Thế nhưng, ở một mặt nào đó, không nói về sự phát triển của thể chất thì về mặt tinh thần, tôi cũng nhận ra mình lớn khôn hay trưởng thành ở vài thời điểm quan trọng. …

Hồi học phổ thông, tôi nghĩ lên đại học mình sẽ trưởng thành. Nhưng không phải, suốt 4 năm đại học, tôi vẫn là một cô sinh viên sống xa nhà với nhiều suy nghĩ non nớt, trẻ con. Học xong đại học, tôi thấy mình chưa trưởng thành và nghĩ chắc là đợi đến lúc ra trường. Vậy mà, ra trường rồi, đi làm rồi, tiếp xúc với xã hội bon chen rồi, tôi vẫn chưa thấy mình trưởng thành. Tôi vẫn là một cô gái yếu đuối, nhớ nhà và khóc những khi thất bại. Lúc đó tôi lại nghĩ, chắc đợi đến lúc lấy chồng thì mình mới thực sự trưởng thành.

Rồi thì 7 năm sau ngày ra trường tôi cũng lấy chồng nhưng thật sự tôi vẫn chưa thấy mình trưởng thành lên chút nào. Tôi vẫn là một người vợ hết sức bình thường, hay ghen, thỉnh thoảng “làm mình làm mẩy” đòi ly dị. Lúc đó tôi lại nghĩ, chắc đợi đến lúc có con, làm mẹ rồi mình mới trưởng thành. Rồi tôi cũng cấn bầu và 2 lần sinh con, lần đầu sinh mổ và lần sau sinh thường. Thế nhưng, cho đến thời điểm tôi đã làm mẹ hai con, tôi vẫn chưa thấy mình trưởng thành.

Cho đến một hôm…

Lần đầu tiên đứa con lớn của tôi bị bệnh, phải nhập viện. Hôm đó con bé bị sốt rất cao, đang chơi thì ôm bụng khóc quằn quại. Rờ con thấy con nóng như lửa, tôi và chồng vội vã chở con đi bệnh viện cấp cứu. Con tôi bị sốt cao và bị rối loạn tiêu hóa. Bác sĩ phải dùng viên thuốc hạ sốt nhét hậu môn và yêu cầu tôi lau mát cho bé, cho bé uống thật nhiều nước. Nói ra thì thật là buồn cười vì từ trước tới thời điểm đó, tôi tự cho mình là thừa biết nhưng tôi đã hành động không đúng. Tôi chỉ chăm chăm cho con uống sữa, tìm cách cho con uống sữa thật nhiều mà quên đi việc cho con uống nước. Cơ thể con cần nước, nhất là những lúc nóng sốt như thế này. Đến lúc con bệnh, con sốt tôi mới hiểu vai trò quan trọng của nước. Tôi cố cho con uống nhưng nó gạt đi, uống rất ít vì trước đây tôi ít cho con uống nước nên nó không có thói quen uống nhiều nước, cung cấp đủ nước cho cơ thể. Nhìn miệng con khô khốc, rờ mình con nóng hổi, tôi mới bắt đầu nhận ra sai lầm của mình trong việc nuôi con. Tôi dỗ ngọt con uống thật nhiều nước sau khi uống thuốc. Hơn 1 tuần vật vã ở bệnh viện, con tôi mới khỏe và ra viện. Lúc đó, tôi mới thấy mình có một chút trưởng thành.

tre-em-sot

Lần thứ hai thì đến lượt con gái thứ 2 của tôi bị sốt co giật. Lại sốt. Lần này thì nguy hiểm hơn rất nhiều. Con bị sốt cao nên co giật, phải cấp cứu chuyển viện từ bệnh viện Gia Định sang Nhi Đồng 2. Quý vị có biết không, 3 ngày 3 đêm liền 2 vợ chồng tôi túc trực ở phòng cấp cứu với con, để cùng con chống lại những cơn co giật. 3 ngày liền vợ chồng tôi chỉ biết nhìn con mà khóc, không có tâm trạng ăn uống, mệt lả người vì không có một hột cơm trong bụng, chỉ uống nước lọc cầm chừng. Sang ngày thứ 4 thì tôi nghĩ "nếu cứ vầy hoài không khéo vợ chồng tôi sẽ đổ bệnh. Nếu vậy thì ai lo cho con?”. Tôi tự vấn mình như vậy và nhận ra một điều rằng trước tiên mình phải khỏe, phải có tinh thần thật vững vàng thì mới chăm con vượt qua giai đoạn khó khăn này được. Thế là hai vợ chồng tôi cố gắng ăn hết một hộp cơm ở bệnh viện. Lúc đó, tôi không chỉ ăn vì mình mà còn ăn vì con, vì sức khỏe của con. Tôi thấy mình cứng rắn và biết suy nghĩ hơn rất nhiều. Tôi thấy mình trưởng thành từ đó. Hơn 10 ngày ở bệnh viện, chỉ có hai vợ chồng tôi ra vô, thay phiên nhau túc trực chăm sóc cho con. Trải qua bao nhiêu lần xét nghiệm, chụp hình, thân thể con tôi đã nhỏ nay càng nhỏ hơn. Tôi xót xa trong lòng nhưng không khóc. Tôi nghĩ mình không được gục ngã lúc này vì con tôi cần có tôi, có chồng tôi bên cạnh để chăm sóc.

Những ngày ở bệnh viện, tôi ngộ ra được nhiều điều và thấy mình lớn khôn lên rất nhiều. Nếu trước đây tôi giấu nhẹm mọi thứ không hay vì sợ ba má tôi ở ngoài quê buồn lo thì nay tôi đã nghĩ khác. Con tôi nhập viện như vậy mà không để ba má vào tận nơi chăm sóc thì ba má càng lo lắng hơn nữa. Tôi gọi điện cho ba má tôi đón xe đò vào phụ chăm con. Lần đầu tiên tôi thấy thương ba má. Cái cảnh ở bệnh viện chia sẻ nhau từng chỗ ngồi trong phòng bệnh đầy những em bé bị co giật, cái cảnh mà phải túc trực 24/24 không được chợp mắt nghỉ ngơi hay rời mắt khỏi con, tôi đã quá thấm thía. Lúc đó, tôi ước gì có thể cho ba má phút giây nghỉ ngơi bình thường trong một ngày bình thường, một ngày bình thường ở nhà mà không phải là ở bệnh viện.

Tôi nhận ra rằng, trưởng thành không phải mang cho ba má tiền bạc hay bánh kẹo mà đó là sự an tâm. Để ba má sự an tâm hay để ba má có được những ngày-của- tuổi-già thật thoải mái. Lúc đó tôi sẽ không còn thốt lên “nợ mẹ những phút giây thảnh thơi, nợ ba những ngày tháng rảnh rang”. Trải qua những ngày ở bệnh viện tôi mới thấy mình thực sự lớn khôn, thực sự trưởng thành. Tôi vừa xoay xở sao cho vừa đủ ngày nghỉ phép để chăm con, vừa tranh thủ để chồng có thể đi làm mà không ảnh hưởng đến công việc. Hơn 10 ngày đó, tôi cũng thấu hiểu được nhiều điều về tình người, ai yêu ai ghét, ai thực sự quan tâm đến mình và quan trọng hơn cả là nghị lực. Tôi và chồng tôi dựa vào nhau, cùng nhau lo cho con vượt qua cơn bệnh. Vợ chồng tôi động viên tinh thần, trấn an lẫn nhau, tiếp thêm nghị lực cho nhau để vượt qua những khó khăn trước mắt. Thời gian ở bệnh viện, tôi mới thấy mình thực sự trưởng thành hay nói đúng hơn là mỗi khi con bệnh, tôi mới thấy mình trưởng thành. Thường những dấu mốc quan trọng của cuộc đời con người, người ta hay nghĩ mình đã trưởng thành nhưng đối với tôi, điều đó là không phải.

Và cho đến thời điểm này tôi mới thấy mình thật buồn cười vì chỉ trưởng thành khi con bệnh hay mỗi lần con phải nhập viện. Tôi không trông mong điều đó xảy ra lần nào nữa nhưng tôi nhận thấy chỉ những lúc khó khăn cùng cực, những sự kiện đáng nhớ xảy ra trong đời như vậy thì tôi mới trải nghiệm rồi nhận ra nhiều điều và trưởng thành, lớn khôn từ thời điểm đó. Với tôi, trưởng thành là những lúc như thế, còn của bạn thì sao? 

Người dự thi: Nguyễn Thị Huyền Nga

Thay lõi đúng hạn, bảo vệ gia đình bạn

Nước sạch trọn đời, máy bền bỉ hơn

Lõi lọc thô (đến 12 tháng), Màng RO (từ 24-36 tháng), Lõi lọc chức năng (từ 12 tháng)

*Lưu ý: Các sản phẩm lõi lọc sau khi thay nên được xả đúng nơi quy định, thùng rác dành cho nhựa tái sinh.