TRƯỞNG THÀNH LÀ QUÁ TRÌNH KHÔNG NGỪNG NGHỈ

06/07/2018

Chia sẻ bài viết:

TRƯỞNG THÀNH LÀ QUÁ TRÌNH KHÔNG NGỪNG NGHỈ

 Tiếng ve mùa hè và cơn gió Lào nóng rát khép lại năm thứ 5 của đời sinh viên. Nhớ ngày đăng ký thi đại học, khi phải tự mình lựa chọn ngành, tự chọn nơi mà mình học tập, cố gắng đạt được, là những bước đầu tôi tập làm người lớn. Khi cầm trên tay 2 thông báo trúng tuyển, là lúc tôi phải tự quyết định cuộc đời mình. Cùng nhau trải qua những năm tháng đại học, chúng tôi đã có những người bạn tuyệt vời, cùng chung ước mơ, cùng nhau thực hiện nó. Được ở bên mọi người, rong ruổi đạp xe trên mọi nẻo đường, hoàng hôn cùng nằm bên bờ biển nhìn bầu trời xanh đến lúc trăng lên cao, sao sáng giăng khắp nơi, đó là những ký ức tươi đẹp nhất.

Tôi đã từng có 1 quãng dài ngủ quên, cứ nghĩ mình thông minh mà đánh mất rất nhiều thứ. Tỉnh dậy nhìn quanh, cả thế giới đang chạy đua, mình ngu ngốc chỉ nhìn người ta tỏ ra lông bông lười biếng mà không nhìn vào những đêm học thâu đêm. Khi tôi đang chơi, họ đang học bài. Khi tôi ngủ, họ đang cật lực làm việc. Tôi đã từng bài xích sự ích kỷ, tranh thủ, cơ hội của họ, nhưng rồi dần phải chấp nhận như đó là một phần của cuộc sống.

Thời gian trôi qua, tôi nhận ra rằng không ai nhường nhịn cho cách sống tùy hứng của mình, không phải cái gì cũng có thể làm, lời nào cũng có thể nói, như ở nhà... Trưởng thành của tôi là những năm tháng gắn liền với bệnh viện dù nắng mưa hay giông bão và với những câu chuyện kể hoài không hết, những số phận bất hạnh mà tôi nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ bắt gặp ngoài đời . Khi tôi thấy hai vợ chồng chia nhau suất cơm 15 nghìn, những em bé nhà nghèo quần áo cũ rách, với ánh măt thèm thuồng đồ chơi và đồ ăn ngon của bạn giường bên, khi những bệnh nhân chấp nhận về nhà chờ chết khi không đủ kinh phí điều trị, chưa bao giờ tôi tiếc đến thế, tiếc những bát cơm đổ vào sọt rác, những khoản tiền tiêu xài phung phí, những bộ váy áo mua chỉ mặc một lần.

Đã từng một thời, tôi bài xích sự dụng chạm với người khác, mà giờ có thể vô tư giúp bệnh nhân trải ga, thay đồ,...dù mùi nước tiểu, dịch tiết, chất thải. Từ sự thông cảm nỗi đau của bệnh nhân, giúp đỡ, sự chia sẻ qua một cử chỉ hay lời nói thôi cũng khiến tôi hiểu chuyện hơn rất nhiều. Rồi kể lần đi Nhi, gặp em bé bị Hội chứng Down, hỏi mẹ em, trong lúc mang thai chị có phát hiện và được bác sỹ tư vấn gì không. Chị bảo, “Chị biết rồi, ai cũng hỏi thế. Chị có 2 bé lớn xin xắn, thông minh. Nhưng em xem này, em bé dễ thương chưa, thông minh lắm nha ”. Đôi khi người ta chấp nhận những khiếm khuyết lớn như vậy mà vẫn không từ bỏ một sinh mạng.

Khi tôi đi Sản, bao nhiêu em bé con bình thường chưa thành hình người bị người bố, người mẹ chính tay ký đơn hủy đi. Có người mặc cho các anh chị ngồi khuyên cả tiếng vẫn nằng nặc đòi bỏ. Tôi buồn suốt một chặng thời gian, tự hỏi, sao họ nhẫn tâm đến vậy, vô trách nhiệm với bản thân, với bạn đời, với người họ thương, với cả gia đình và con của chính họ. Tạo ra con, giết con, rồi mang con lên chùa gởi để mong sự thanh thản cho bản thân. Ai cũng có hoàn cảnh riêng, ai cũng có quyền tự quyết định nhưng khi đứng trước phòng bệnh chật chội ghép đôi, ghép ba những bà mẹ vỡ kế hoạch, lặng người... Những ca trực sản đứng cả đêm được ngồi, có khi hòa chung niềm vui vỡ òa của gia đình khi những thiên thần nhỏ ra đời, có khi lặng người khi những em bé không được khỏe mạnh sinh ra. Nỗi đau mất con, bóng lưng người bố ôm thi hài con trở về luôn là nỗi ám ảnh không nguôi.

Thật ra được sinh ra trên đời vốn dĩ là điều may mắn nhất! Quên đi tình yêu trai gái thề non hẹn biển, sống đi chết lại, tính mạng của mình vốn là của mẹ cha cho...So với bao nhiêu sinh linh không được nhìn thấy ánh sáng cuộc đời, so với bao em nhỏ sinh ra bị mắc các tật bẩm sinh, chúng ta không có gì phải oán trách số phận cả.

Trưởng thành với tôi đánh dấu bằng những lần đầu tiên. Khi lần đầu tiêm thành công cho bệnh nhân làm cả ngày sướng lâng lâng. Khi lần đầu hỏi bệnh đứng vừa run vừa ngại, hỏi câu được câu chăng. Khi lần đầu khám âm đạo cho sản phụ thấy đầu thai nhi cưng cứng, lần đầu cảm nhận thấy thai máy, nghe được tim thai qua ống nghe Pinard. Và cả lần đầu bị bệnh nhân trêu đùa chạy ra cầu thang bộ khóc như một con dở, lần đầu bị nhân viên chửi té tát vì những lỗi không đáng, đôi khi oan uổng mà không thể cãi.

36529985_870628113148381_4335560775671218176_n

Lần đầu tiên tôi bị dọa đánh bởi một anh chồng, vợ sinh non bé chỉ nặng 700g. Tôi vẫn nhớ như in cảnh ngày ấy, tôi bước vào phòng đọc to tên bệnh nhân, để gọi người nhà lại bác sỹ gặp. Anh ấy lập tức kéo tôi ra hỏi,’’ Mày tên gì, vợ tao có chuyện gì mày phải chịu trách nhiệm. Đừng trách tao”.. Mất một lúc lâu sau, tôi vẫn run rẩy, tai vẫn văng vẳng câu nói của chị điều dưỡng, “ Rồi em ơi, đừng sợ, giờ không sao cả. Nghề chúng ta chọn bạc đến như vậy. Đã có lần chưa kịp nói người ta đã cầm dao đuổi chị cơ...” Tôi thề tôi chưa một lần hách dịch hay nói mất lịch sự với bất cứ bệnh nhân, người nhà nào và tôi hiểu sự lo lắng, nỗi đau của họ, hiểu cách họ tìm cái gì đó để trút bớt. Mặc kệ như thế nào, người ta vẫn thường đổ lỗi cho chúng tôi như thế..

Khi đêm trực có người đàn ông xăm trổ dẫn theo đàn em đưa con vào khoa, la hét, dọa nạt, chửi thề. Khi một đoàn người đầu gấu đánh nhau xong kéo vào viện, nằng nặc đòi mổ ngay lập tức mặc dù chưa cần thiết khi tất cả mọi người tất bật đi mổ cấp cứu chỉ còn lại tôi tiếp đón và báo cáo thông qua điện thoại. Kê 2 cái ghế nằm ngủ, giữa tiếng ầu ơ ru con của bà mẹ nào đó trong đêm, não nề, đau thường và mệt mỏi, tôi chưa bao giờ muốn cha mẹ biết những uất ức, những giọt nước mắt này.

Chuẩn bị lên năm 6, khi chúng bạn cùng lứa đã đi làm, tự lập, chúng tôi vẫn lượm nhặt từng chữ, vẫn ngửa tay xin tiền, nhưng tôi tin rằng, bệnh viện dạy chúng tôi rất nhiều thứ mà ở ngành học khác chẳng thể có được. Tôi khô khan, nói chuyện không duyên, không biết trang điểm, không có lượt là váy vóc hẹn hò nhà hàng sang, chỉ có những buổi trà đá vỉa hè, chủ đề chỉ mãi xoay quanh bệnh nhân. Nhưng chúng tôi biết làm gì khi sốt, cũng chẳng mè nheo không ăn này nọ,không chịu uống thuốc, không chịu tiêm hay uống oresol khi bị tiêu chảy. Với tôi, chỉ thế là ổn.

Nơi tôi sống là một thành phố nhỏ, ngôi trường tôi học là một trường còn non trẻ, và ở bệnh viện, chúng tôi là thành phần thấp nhất, bị lợi dụng, chẳng ai bảo vệ. Bệnh viện là một xã hội thu nhỏ, nhưng phức tạp hơn rất nhiều. Đôi khi bị đối xử như osin công cộng, những việc không thể từ chối, khi bên tai luôn là tiếng dọa kiểu như: “ Mày có tin tao gọi cô trả về trường không cho học không ...” và tiêng mỉa mai, diễu cợt. Dù thế, vẫn có những phút ấm lòng, rơi nước mắt khi nửa đêm, bệnh nhân dúi vào tay hộp sữa “uống đi con, học chi mà mệt, bác có con nhất định không cho học Y”. Thật ra học y, tôi mới thấy thương cha mẹ đến thế, bao nhiêu năm trời, đã mấy lần tôi cơm bưng nước rót cho cha mẹ, đã mấy lần tự động làm việc nhà mà không than vãn. Đêm trực có khi thức trắng vì bệnh nhân, khi cách 15-20p phải đo dấu hiệu sinh tồn 1 lần, hàng ngày vẫn phải lau nhà,...mà vẫn bị người ta coi thường.

Nhớ lúc nhỏ, bị ho, cả đêm mẹ cứ chạy sang sờ sờ, giờ cha mẹ có ốm, vẫn lủi thủi tự mình. Khi tôi đứng cả tiếng chỉ để nghe người ta kêu phiền về sự khó chịu, về nỗi đau của họ, tôi quên đi cha mẹ đã bắt đầu lớn tuổi, mọi thứ bắt đầu thoái hóa. Khi bằng tuổi tôi, cha mẹ phải rong ruổi trên những chặng đường dài, đầy nắng gió, có khi là mùa đông rét xuống mười độ. Giờ tóc cha đã bạc phân nửa, làn da mịn màng của cô gái đẹp nhất làng ngày ấy giờ rám nắng, đen sạm. Cha bị đái tháo đường, những ngày này làm việc nhiều đến thường xuyên hạ đường huyết. Ngày trở trời, mẹ bị đau đầu dậy không được. Cha mẹ đánh đổi tuổi trẻ và sức khỏe để chị em tôi đươc đi học. Một đứa sinh viên y5, đôi khi thấy mình thật sự bất lực và hổ thẹn.

Ba năm đi bệnh viện, tôi chứng kiến rất nhiều sự chia ly. Có khi cái chết nhẹ nhàng như một giấc ngủ, có lúc dằn vặt đau đớn, có người chết trên đường vận chuyển, đôi khi là kéo dài đến cả tháng trời....Khi cả cùng cả kíp trực nỗ lực cứu lấy tính mạng bệnh nhân từ lưỡi hái tử thần, lúc chạm vào làn da lạnh qua lớp găng tay mỏng, với cả thân xác không còn phản ứng nào của sự sống, giữa tiếng gào khóc trong đêm của người nhà, đôi khi là sự uất nghẹn không nên lời của người con trai trưởng thành với mẹ, không rơi nước mắt mà tay run không cầm nổi bút ký. Có rất nhiều thứ khi mất đi mình mới thấy nó quý giá. Chết thật sự rất dễ, tính mạng mỏng manh hơn chúng ta tưởng. Thử hỏi, tốt với cha mẹ, tại sao phải để ngày mai mới bắt đầu...

Ngày còn nhỏ, khi thấy mẹ bị người ta nhục mạ, tôi ước mình thật to lớn. Ngày còn nhỏ, em tôi gần 3 tuổi, kéo cái máy bay gỗ mà ông tôi đẽo từ thân cây ổi, đi cúng bị mấy bà cô đuổi về không cho ăn. Ngày còn nhỏ, khi tôi ngồi trước đầu xe 67 của cha để đi đưa hàng lúc 10 giờ đêm, tôi ước mình sẽ có thật nhiều tiền. Lúc chị tôi 6 tuổi, bắt đầu tập nấu cơm, 1h trưa ba chị em vẫn đang leo trên cây xoài chờ mẹ đi chợ về, nhìn ra xa, tôi mong có một ngày đi xa khỏi mảnh đất này, làm cái gì đó thật lớn lao, sẽ không phải để cha mẹ bị người ta khinh nhờn như thế. Đến giờ, 23 tuổi, khi đã chuẩn bị là một bác sỹ, tôi vẫn nhớ nồi cơm vàng hươm, khô lăn lóc, vẫn nhớ khói bếp mỗi chiều chờ cha về, cảm thấy mình cách ước mơ vẫn còn 1 chặng dài lắm.

Những đêm trực không ngủ, bước một mình trên hành lang bệnh viện thật dài, thật tối, khoác trên mình tà áo blouse mỏng không thể cản cái lạnh thấm dần vào da thịt, bước đi thật nhẹ thật nhanh để không ảnh hưởng đến mọi người, hai hàm răng va cầm cập vào nhau, cảm thấy tôi ở hiện tại chỉ người lớn hơn so với ngày hôm qua thôi, con đường tương lai dài và rộng kia, còn gian nan và mịt mù, có trưởng thành hơn hôm nay không thì mình mới là người quyết định...

Người dự thi: Nguyễn Thị Thanh Thảo

Thay lõi đúng hạn, bảo vệ gia đình bạn

Nước sạch trọn đời, máy bền bỉ hơn

Lõi lọc thô (đến 12 tháng), Màng RO (từ 24-36 tháng), Lõi lọc chức năng (từ 12 tháng)

*Lưu ý: Các sản phẩm lõi lọc sau khi thay nên được xả đúng nơi quy định, thùng rác dành cho nhựa tái sinh.