TRƯỞNG THÀNH LÀ LUÔN TRĂN TRỞ VỀ TRÁCH NHIỆM
TRƯỞNG THÀNH LÀ LUÔN TRĂN TRỞ VỀ TRÁCH NHIỆM
Trưởng thành là một tiến trình, không phải là điểm đến, đó là một con đường chỉ có các cột mốc chớ không có đích đến sau cùng. Cột mốc đánh dấu sự trưởng thành là khi chúng ta bắt đầu trăn trở về trách nhiệm, còn mức độ trưởng thành sau đó tới đâu là tùy thuộc vào sự rèn luyện của mỗi người. Và có một cột mốc trên con đường đó mà một số người trưởng thành có thể sẽ ghé qua, đó là thành công.
Người thành công thì chắc chắn là người trưởng thành, trưởng thành là một đặc tính của người thành công, nhưng người trưởng thành chưa chắc là người thành công. Một người làm công việc phổ thông, họ có được xem là thành công không? Chưa chắc! Họ có thể có mối quan hệ tốt với người khác nhưng biết đâu họ đang chật vật về tiền bạc hoặc hạn chế về con đường học hành. Một người giàu có chân chính có được xem là người thành công? Cũng chưa chắc! Họ có thể thành công về mặt vật chất nhưng có khi gia đình họ lại lục đục hoặc tan vỡ. Một người có học hàm học vị cao thì chắc là người thành công? Cũng không hẳn! Họ có thể thành công về mặt trí tuệ, được ghi nhận nhưng có thể họ không thấy ý nghĩa công việc mình đang làm. Tất cả họ chỉ mới là người trưởng thành mà thôi. Tất cả họ đều sở hữu một thứ: đó là trăn trở về trách nhiệm. Vậy chúng ta đang nói về trách nhiệm gì?
Bất kì một tôn giáo, dân tộc hay sách vở nào có đề cập đều cho rằng con người gồm bốn cấu phần: vật chất (thân xác, tiền bạc, vật ngoài thân), trí tuệ, cảm xúc (các mối quan hệ) và tinh thần. Mỗi sáng thức dậy, tôi tin rằng tất cả chúng ta đều trăn trở về ít nhất một trong bốn mặt đã nêu trên, ta trăn trở về việc kiếm tiền để chăm lo cho bản thân, gia đình, ta trăn trở về việc tự học hành để làm sao mở mang nhận thức, ta trăn trở về các mối quan hệ và sau cùng ta trăn trở về đạo lí, về lẽ phải, về lẽ sống của bản thân, sống để làm gì, di sản ta để lại là gì?
Thế đấy, những người ta vừa nêu ở trên, họ cũng có thể trăn trở về trách nhiệm nhưng nếu họ không thể viên mãn được hết các mặt thì chưa thể gọi là thành công. Họ là người trưởng thành nhưng có đi tới được cột mốc mang tên thành công hay không còn tùy vào nổ lực của bản thân. Bởi người trưởng thành không phải là thánh, trưởng thành không có nghĩa là ta sẽ làm được mọi thứ, trưởng thành có nghĩa là ta sẽ bắt đầu trăn trở về mọi thứ. Ta có thể trăn trở về việc kiếm tiền nhưng chắc gì ta đã biết cách, ta tìm kiếm, học hỏi rồi ta thử. Ta thất bại nhưng không nản chi, ta điều chỉnh cho tới ngày có kết quả. Ta có thể trăn trở về tình yêu đích thực nhưng ta cứ liên tục thất tình. Ta lại học hỏi, lại trải nghiệm rồi một ngày nào đó ta lên xe hoa. Ta trăn trở cách đối nhân xử thế cho hợp lòng người, bởi kẻ trưởng thành như ta đã bao lần áy náy vì hành xử không phải phép.
Rồi một ngày đẹp trời, ta thức dậy với bao yêu thương đong đầy, ta tinh tế hơn, nhẹ nhàng hơn xưa. Ta liên tục trăn trở về sứ mệnh bản thân, ta tự hỏi ý nghĩa sự tồn tại của chính mình. Nhưng ta lại hứng thú hết điều này tới điều khác. Đôi khi tới ngày nhắm mắt, ta mới biết là mình cống hiến nhầm nơi, đi sai đường và giá như được làm lại. Người trưởng thành không phải là người sẽ làm được tất cả nhưng nếu “lỡ may” một ngày nào đó chúng ta ghé được điểm dừng thành công trên con đường trưởng thành đó, ta sẽ làm gì? Cái ngày mà ta có trong tay tiền bạc, địa vị, các mối quan hệ và niềm tin sắt đá vào sứ mệnh bản thân, ta sẽ làm gì? Khi ấy người đời thường đi hai con đường: một là tiếp tục trăn trở, đi xa hơn nữa trên con đường trưởng thành đó, hai là ngừng trăn trở và mọi thứ dần lụn bại.
Ít nhiều trong chúng ta biết một ai đó đã lên tới đỉnh cao của danh vọng và tiền bạc, nhưng rồi họ trượt dốc, họ quên đi thuở cơ hàn, họ lao vào ăn chơi mà không trui rèn bản thân. Họ ngừng trăn trở và hóa trẻ con. Con người từng trưởng thành đó trở nên thất thường, họ không còn tinh tế nhận ra đâu là đúng sai trong giao tiếp với người đối diện. Họ sa lầy và mọi thứ dần thui trột, đầu óc bị xâm chiếm bởi những điều trụy lạc, trí tuệ dần teo tóp lại khi không được mở mang trước cuộc đời luôn thay đổi. Cái ngày đáng sợ nhất không phải là ngày ta đối diện với những thử thách cam go mà là cái ngày ta đang chạy xe và khạc nhổ trên đường rồi xem đó là chuyện bình thường.
Cuộc sống luôn vận động, hoặc là chúng ta phát triển hoặc là là thụt lùi, không có chuyện ta đứng yên một chổ. Khi ta ngừng trăn trở, dù ta đang ở đâu, ta cũng sẽ rơi rất nhanh ra khỏi tiến trình “làm người trưởng thành” đó. Cuộc chơi của người trưởng thành là cuộc chơi khắc nghiệt nhưng đầy thú vị, đòi hỏi mỗi cá nhân không ngừng học tập và làm mới bản thân, bởi trưởng thành là một con đường đi mãi, một con đường của sống, học tập, yêu thương và cống hiến. Cầu chúc cho tất cả!
Người dự thi: Nguyễn Duy