Trưởng thành là khi tôi nhận ra mình biết chấp nhận sự thật mà tạo hóa đã ban
Trưởng thành là khi tôi nhận ra mình biết chấp nhận sự thật mà tạo hóa đã ban
Ngày mẹ sinh tôi ra trời làm cơn mưa nặng hạt, như khóc thay cho cảnh nghèo trái ngang của cả gia đình. Có lẽ trong tháng năm khốn khó ấy, tôi chào đời vừa là niềm vui, cũng vừa là nỗi lo và gánh nặng của cả cha lẫn mẹ. Tôi lớn lên trong sự vất vả của cha, trong những giọt mồ hôi nhỏ dài trán mẹ, và cũng trong sự kì vọng ước mơ thoát nghèo của cả gia đình, bởi cái nghèo đã bám lấy chúng tôi lâu lắm rồi. Tôi là đứa con đầu và cũng là duy nhất, có lẽ đó là lí do mà cha mẹ muốn tôi được hưởng trọn vẹn nhất những điều tốt đẹp chen lẫn cái khó khăn.
Ngày bé, tôi hay tự tưởng tượng ra cho mình một tương lai khác, một cuộc sống khác mà ở đó tôi được đủ đầy về cả vật chất lẫn tinh thần. Ở đó tôi có tất cả những thứ tôi muốn. Ở thế giới đó cha mẹ tôi không cần phải đẫm mồ hồ vì từng đồng tiền chắt chiu dành dụm. Và ở thế giới đó, tôi không bị người ta cười giễu cợt rằng "tôi là con nhà nghèo". Mặc cho cha tôi sớm hôm nhọc nhằn, mặc cho mẹ tôi làm tất cả mọi nghề dù là thấp hèn nhất để có được đồng tiền cho tôi đến trường. Vậy mà ngày ấy tôi chưa bao giờ chấp nhận mình là “con nhà nghèo”. Ba từ đó nói như dễ dàng nhưng nó làm trái tim non nớt của tôi tổn thương vô cùng. Vì tôi ghét những ánh mắt cứ đổ dồn về tôi mỗi khi ai đó hỏi tôi về cái danh phận ấy.
Nhiều lúc tôi đành liều mà hỏi mẹ “Tại sao nhà mình cứ nghèo mãi?” Mẹ cười trong xót xa mà nói với tôi rằng chẳng ai trên đời này có quyền lựa chọn nơi mình sinh ra cả. Nghèo, giàu âu cũng là số phận buộc ta phải chấp nhận. Tôi ước rằng những con người nhà giàu kia có thể hiểu được điều này, nhưng mà có lẽ khi người ta đang trong cảnh sung túc, họ xem những điều thấp hèn khác hóa hư không. Giá mà có một điều ước ngay lúc đó, tôi sẽ ước tôi chưa bao giờ được sinh ra thì mọi thứ đã khác hơn rất nhiều.
Năm tôi 18 tuổi, tôi đỗ vào một trường đại học, thế là tôi ôm trong mình một khát khao cháy bỏng đến một thành phố rộng lớn mang tên Sài Gòn. Tôi đi trong sự lo âu của cha, trong nỗi phập phồng của mẹ bởi đây là lần đầu tiên tôi xa nhà. Sài Gòn ngày đó với tôi là một cái gì đó lạ lẫm vô cùng.Tháng ngày đầu nơi đất khách, đã có lúc tôi muốn bỏ cuộc mà quay về. Đã có lúc tôi muốn buông xuôi tất cả, tôi mệt mõi, tôi nhớ nhà. Khó khăn cách mấy cũng xoay quanh chữ "tiền". Thử thách đầu tiên là tôi phải tìm cho mình một công việc để đỡ phần nào cho mẹ, rồi phải tự cân bằng giữa việc học và việc làm. Mọi thứ nghe tưởng chừng dễ dàng nhưng thật sự chưa bao giờ là dễ.
Những lúc như thế tôi lại càng ghét cái thân phận mình hơn bao giờ hết. Tại sao tôi lại được sinh ra trong sự nghèo khó? Tại sao tôi không được như chúng bạn? Tại sao và tại sao? Đã hàng ngàn lần tôi hỏi chính mình về những câu hỏi tại sao ấy. Nhìn chúng bạn đủ đầy ngập trong xa hoa, trong những cuộc vui không biết đầu biết cuối. Tôi bắt đầu đổ lỗi cho số phận, cho ông Trời không công bằng. Thay vì cố gắng, tôi chọn cách thu mình lại giữa một Sài Gòn nhộn nhịp và xa hoa. Đó là lần thứ hai tôi ước giá mà mình không có mặt trên cuộc đời này..
Rồi năm tôi 20 tuổi, tôi quen dần với khó khăn nơi này và cũng thôi không còn mềm yếu. Vì những lần mẹ gọi lên thăm, những lần mẹ khóc vì nhớ, vì thương, những lần mẹ động viên tôi cố gắng, tất cả như làm tôi bừng tỉnh. Tôi cũng thay đổi mình ít nhiều, tôi thích ngồi một mình để ngẫm lại cuộc đời hơn là chuyện sánh so với những đứa con nhà giàu khác. Suy nghĩ về tất cả những gì đã qua và tôi cũng chợt nhận ra, dường như bao lâu nay tôi quá ích kỉ, tôi chỉ nghĩ cho riêng mình mà chẳng màng đến những vết chân chim in hằn trên đôi mắt mẹ, đã đổi lấy những điều tốt đẹp nhất cho tôi của bây giờ.
Bấy lâu nay tôi chưa từng đặt mình vào hoàn cảnh của cha, tôi chưa từng thấu hiểu và cảm thương cho sự tảo tần mà ông đã hi sinh một đời trai trẻ vì tôi. Tôi chưa từng đặt mình vào mẹ mà thấu hiểu rằng mẹ tôi cũng có vui sướng gì với cái danh phận mà người đời gán cho mình. Nhưng mà cái số nó đã vậy rồi, mẹ biết phải làm sao.. Tôi của năm 20 tuổi đã rất nhiều lần bật khóc. Tôi không còn khóc cho sự ích kỉ của riêng mình, tôi khóc vì bao lâu nay tôi đã làm cha mẹ phiền lòng. Tôi khóc vì sự yếu hèn của mình mà không dám đương đầu với số phận.
Ở Sài Gòn càng lâu tôi càng nhận ra rằng người Sài Gòn họ không quan trọng tôi xuất thân từ một gia đình quyền quý hay từ một gia đình thấp hèn trong xã hội. Cái họ cần là sự cố gắng và nỗ lực của tôi trong mọi hoàn cảnh, trong mọi khó khăn dù là ngặt nghèo nhất, đó mới là thước đo để đánh giá một con người. Tôi không còn ước giá như mình đừng có mặt trên đời này nữa, bởi tôi chào đời là niềm hạnh phúc của mẹ, là động lực cố gắng của cha để chống chọi với cái nghèo dai dẳn.
Vậy còn điều gì để tôi ước mình mất đi? Trưởng thành không phải khi ta già thêm một tuổi vào mỗi dịp Tết đến xuân sang. Cũng không phải khi ta cao lớn hơn với hình hài ngày bé mà trái tim và lí trí ta chỉ mãi như đứa trẻ thơ. Với tôi, trưởng thành là khi tôi nhận ra mình biết chấp nhận sự thật mà tạo hóa đã ban, dù là nghiệt ngã hay éo le. Chấp nhận để biết mình là ai và mình cần phải làm gì để thay đổi. Trưởng thành là khi ta biết dẹp đi sự ích kỉ, biết đặt mình vào từng hoàn cảnh từng số phận mà phấn đấu. Và tôi chưa thật sự trưởng thành khi tôi chưa 20! Giá mà có điều ước, cho tôi xin ước tuổi 20 này mãi mãi ở lại đừng trôi đi!
Người dự thi: Tăng Mỹ Ngân