Trưởng thành là khi sẵn sàng dùng cả cuộc đời mình để đổi lấy nửa đời còn lại của cha mẹ

27/06/2018

Chia sẻ bài viết:

Trưởng thành là khi sẵn sàng dùng cả cuộc đời mình để đổi lấy nửa đời còn lại của cha mẹ

Trưởng thành là khi sẵn sàng dùng cả cuộc đời mình để đổi lấy nửa đời còn lại của cha mẹ

sach-hay-ve-me

Tôi là một sinh viên mới ra trường, với những mập mờ về tương lai không xác định. Sau khi tốt nghiệp tôi đã về quê phụ giúp gia đình, trong thời điểm đó là lúc tôi suy nghĩ nhiều nhất về bản thân. Mọi người xung quanh đều hỏi: “Con làm gì”,”Con học ngành gì”, ”Có việc làm chưa”, “Học xong rồi kiếm việc mà làm”. Rất nhiều câu hỏi đặt ra, mà tôi không có cách nào trả lời, nhưng tôi biết rằng người không biết trả lời người khác như thế nào là cha mẹ. Họ không có cách nào để trả lời: ”Con ông, bà giờ làm gì rồi”.

Ở quê thường có suy nghĩ cho con vào làm trong nhà nước để có thể nhàn hạ, không cực nhọc. Cha mẹ tôi cũng thế, họ muốn mọi thứ tốt đẹp nhất trên đời sẽ đến với tôi, sống thoải mái không lo âu hay áp lực, nên chạy khắp nơi nhờ người khác giúp đỡ để tôi có thể xin vào làm trong nhà nước, mặc dù đồng lương ít ỏi. Lúc đó tôi nghĩ, lương nhà nước thấp nếu tôi làm không đủ chi tiêu, chắc cha mẹ không ngần ngại cho tôi tiền tiêu mà không hề đắn đo suy nghĩ.

Để nhờ được người khác giúp đỡ, cha tôi phải mời người ta ăn, nhậu, mặc dù ông ấy trong người có bệnh không thể uống rượu, mà mỗi lần uống vào là khó chịu cả ngày, ói đến không còn gì trong bụng. Lúc đó tôi rất khó chịu, tôi không muốn cha mẹ vì tôi mà đi năn nỉ hay phải bỏ tiền ra nhờ người khác giúp. Tôi không thể ngồi ì ra đó mà không làm gì, việc của mình, phải tự đứng lên.

Suy nghĩ là làm ngay, tôi quyết định trở lại thành phố để xin việc. Nhưng lúc đó tôi không có tiền để đi, mà cũng không dám xin cha mẹ, bởi vì đã tốt nghiệp không thể xin tiền nữa. Với ý nghĩ ấy, tôi xin làm công nhân ở gần nhà. Trong lúc làm công nhân, tuy thời gian không lâu nhưng tôi đã nghiệm ra rất nhiều điều, mọi người trong xóm đều bất ngờ, họ nghĩ đi học đã rồi về làm công nhân. Trong công ty thì cứ một chút là lại bị chửi, do tôi không quen việc. Người buồn nhất lúc đó không phải tôi mà là cha mẹ. Một lần nữa tôi lại làm cho họ buồn. Nhưng tôi tự nói với bản thân, mọi chuyện chỉ là tạm thời thôi, qua rồi sẽ ổn. Tôi còn cảm thấy  mình rất may mắn vì được đi học, có cơ hội để vươn lên trong xã hội. Sau ba tháng đi làm tôi được hơn 10 triệu đồng, tôi dùng số tiền đó để lên thành phố tìm một công việc phù hợp với ngành học của mình. 

Tôi xin vào làm phóng viên cho một tờ báo, với mức lương chỉ được 2 triệu, tôi gọi điện về cho cha mẹ, họ rất mừng. Lương thấp vậy mà họ không hề quan tâm tới việc tôi có đủ chi tiêu không? Hay phải  nhờ sự viện trợ từ họ. Cha nói: “công việc mới dô làm lương thấp, khi nào làm lâu người ta tăng lương, chỉ cần con thích, theo đuổi cứ từ từ, đừng gấp”.Tôi nói làm phóng viên đi rất nhiều, phải chụp ảnh, có xe để chạy. Tôi không ngờ mình vô tình nói thế mà họ lại sẵn sàng mua cho tôi một cái điện thoại, một chiếc xe. Người khác thì mong con mình có thể đi làm kiếm tiền đem về cho họ, riêng cha mẹ thì mong tôi được yên ổn, làm việc mà tôi thích, chưa từng nghĩ sẽ nhận từ tôi bất cứ thứ gì.

Tôi nợ họ cả đời này, không biết có thể trả lại hay không?. Vào lúc  không biết làm gì nhất, nản lòng nhất tôi vì họ mà đứng lên. Còn cha mẹ vì tôi mà bỏ ra rất nhiều, họ nghĩ tôi là niềm hi vọng, sự tự hào khi được đi học đến nơi đến chốn. Vì ngày trước cha mẹ không được như thế, gia đình nghèo không có tiền cho họ đi học. Cha tôi không biết chữ, mẹ tôi chỉ học tới lớp năm. Nhưng họ nuôi tôi đến đại học. Khi lấy nhau ra ở riêng cha mẹ không có tài sản gì, vậy mà bây giờ có thể lo cho anh em tôi đầy đủ. Đối với tôi đó là sự nể phục, niềm tự hào.

Tôi nhớ có một lần đưa tôi ra bến xe  đi thành phố. Cha tôi không biết chữ nên không biết chiếc xe có để bảng: “Bến xe Miền Tây”.Người lơ xe nói: “Xe có để chữ đi Bến xe Miền Tây đó, không biết đọc hả”. Lúc đó, tôi rất ghét người lơ xe, tôi thề rằng, tôi sẽ làm cho người đàn ông không biết chữ này tự hào, và ông ấy sẽ cảm thấy không biết chữ cũng không sao, miễn là con ông có thể thành tài, thì so với người khác ông còn vĩ đại hơn nhiều.

Nhà tôi làm công việc buôn bán nên hàng ngày cha tôi phải chạy giao hàng, trong lúc về quê phụ gia đình tôi mới có cơ hội chứng kiến những cực nhọc trong cuộc đời của các bậc làm cha, làm mẹ. Do con đường nhà tôi đang làm, trời mưa đường ngập chạy xe rất trơn, bùn văng khắp người, cha tôi một mình chở theo mấy bao hàng, bươn lên mà chạy. Còn trời nắng thì nóng rát da tay, đến nỗi da của cha tôi bây giờ đen như người Châu Phi. Khi ông ấy về đến nhà thì vừa thở vừa cười. Còn tôi thì vừa cười và vừa khóc – khóc trong lòng không dám để nước mắt chảy ra ngoài. Cha con tôi rất giống nhau, không bao giờ yếu đuối, thể hiện tình cảm ra bên ngoài, nhưng tận sâu bên trong luôn thấu hiểu mọi điều. Nhưng nghĩ lại ông ấy gì cái gì mà cố gắng? Lại là vì anh em chúng tôi.

Tôi ở thành phố một mình kiếm việc, ngày đầu tiên được giao nhiệm vụ đi làm, tôi vừa tới đã bị một ông bác chửi tới tấp, không cho tôi lấy tin về viết bài. Lần đầu tiên tôi bị người khác chửi, đuổi đi. Tôi bước xuống dốc cầu thang rất nặng nề, nhưng cuối cùng tôi vẫn phải  quay trở lại để xin bác ấy cho vào lấy tin. Vì nếu bây giờ quay về tôi sẽ không có bài để viết. Lúc đó tôi rất sợ, nhưng tôi nghĩ mình không phải vì mình mà làm thế, mình đang làm vì cha mẹ, những thứ mình chịu bây giờ không bằng một phần ngàn của họ. Vậy nên, không bao giờ sợ cứ bước đi và đi.

Bạn bè xung quanh tôi lần lượt đều lập gia đình, tôi nghĩ một ngày nào đó sẽ đến lượt mình. Nhưng khi nghĩ lại nếu lập gia đình tôi sẽ không thể nào toàn tâm lo cho cha mẹ. Nếu tôi sống hạnh phúc họ sẽ rất vui, nhưng nếu khổ đau họ sẽ rất buồn. Lúc đó tôi sẽ làm họ nhọc nhằn thêm nữa. Tôi nghĩ bây giờ mình độc thân nhưng rất vui, vì có cha mẹ, bạn bè bên cạnh, không thấy cuộc sống này buồn bã vì không lập gia đình. Nhưng nếu khi có gia đình tâm trạng sẽ bị chi phối rất nhiều, lúc đó người buồn cùng mình lại là cha mẹ. Nên đối với tôi cuộc sống chỉ cần mình vui và thấy đủ là được, không cần phải theo quy luật tự nhiên, con gái phải lấy chồng, sinh con.

Tôi muốn dùng cuộc đời mình để khi nào cha mẹ đến lúc tuổi già tôi sẽ có mặt bất cứ lúc nào họ muốn. Vì cái tôi nợ họ không chỉ là vật chất mà còn cả một trời tình thương. Tôi đã có một tình yêu vĩ đại nhất, hi sinh cho tôi mọi thứ, và có một điều chắc chắn họ sẽ không bao giờ làm tôi buồn, thì không việc gì phải tìm kiếm một người khác. Một người có thể mang đến hạnh phúc lẫn khổ đau cho mình.

Người dự thi: Huyền My

Thay lõi đúng hạn, bảo vệ gia đình bạn

Nước sạch trọn đời, máy bền bỉ hơn

Lõi lọc thô (đến 12 tháng), Màng RO (từ 24-36 tháng), Lõi lọc chức năng (từ 12 tháng)

*Lưu ý: Các sản phẩm lõi lọc sau khi thay nên được xả đúng nơi quy định, thùng rác dành cho nhựa tái sinh.