TRƯỞNG THÀNH là khi lo được cho con cái, cha mẹ

24/05/2018

Chia sẻ bài viết:

Ngay khi thấy cái que chỉ hai vạch, trong niềm sung sướng đến lịm tim, mình nắn nót ngồi viết thư cho mẹ. Ngoài chia sẻ với mẹ niềm vui, mình có một “dự báo” ngầm”: Mẹ ơi, ở bên này con tích lũy được nhiều kiến thức lắm. Nên con muốn được nuôi dạy con theo cách của con. Mẹ đồng ý nhé!

phan-ho-diep2

Rồi thư trả lời, chỉ là lời chúc mừng chứ không đề cập đến điều mình muốn nhắn gửi cả. 

Nam hơn 1 tuổi thì mẹ sang ở cùng. Ban đầu bà cũng hơi ngạc nhiên vì cách mình cho Nam ăn, cũng có đôi lần mẹ tỏ ra sốt ruột khi thấy con cho vào miệng thì ít mà cho ra ngoài thì nhiều nhưng vẫn vui vẻ. 

Rồi Nam cũng đến tuổi “khủng hoảng”. Một hôm khi đang chơi, tự nhiên Nam xông vào cắn mẹ một cái. Đau điếng. Vết cắn rướm máu. 

Mình hét lên: Đau quá! Rồi phát nhẹ vào mông Nam. 

Nam khóc òa, ra chân cầu thang ngồi. Một lát sau, khi mình đang lúi húi dọn dẹp, Nam lại chạy ra, cắn thêm một nhát nữa sang tay bên kia. 

Trời ơi, mình điếng hồn. Lúc đó chỉ nghĩ, sao nó đang hiền lành thế mà giờ lại dữ dằn thế này.

Mình quát con (loạn nhà). Và mình dỗi bỏ vào phòng ngồi.

Mẹ khi ấy đang nhặt rau, tiến đến chỗ Nam và hỏi: Bà ôm Nam nhé! 

Nam im lặng. 

Bà hỏi tiếp: Cháu có muốn bà lấy cho cái ô tô đồ chơi không? 

Chắc là Nam gật gật đầu. 

Có cái đồ chơi trong tay, bà nói giọng cười cười: Nam cho bà xem khuôn mặt giận dữ nào? Ôi sợ thế! Thế bà cháu mình đi vùi tay vào cát cho đỡ tức giận nhé. Xong hai bà cháu ra đống cát (nhà mình lúc nào cũng có chậu cát trong nhà) vùi tay vào và nói: Bực mình này, chạy đi này, cắn mẹ này…

Một lúc sau bà thì thầm gì đó, rồi Nam chạy vào ôm mẹ, thơm lên vết vừa cắn. Mình ôm con vào lòng mà ứa nước mắt. Không chỉ cảm động vì việc Nam làm mà bởi, mình đã được một bài học về “phương pháp” từ mẹ. 

phan-ho-diep

Kể từ hôm đó, rất âm thầm, mình học theo cách của mẹ. Mỗi khi Nam cáu giận: 

1. Hỏi xem con có cần được ôm, được vỗ về hoặc đơn giản là im lặng ngồi cạnh con. 

2. Hỏi con một số lựa chọn: Con có muốn đồ chơi? Con có muốn ăn một chút kẹo? Con có muốn uống nước? Con có muốn gãi lưng? 

3. Hướng dẫn con cách thể hiện cảm xúc về sự tức giận và tìm ra nguồn để “trút giận” (về sau này mình có mua cái gối đấm tức giận). 

4. Giảm nhẹ âm lượng dù rất khó. Khi con tức giận mà bạn nói to càng đẩy cho cơn tức giận lên cao. Nên ngồi xuống và thì thầm. 

5. Đừng tiết kiệm lời khen khi trẻ đã bình tĩnh trở lại: Con làm được rồi đó. Con đã bớt tức giận rồi. 

6. Hãy kể lại cảm xúc của CHÍNH BẠN khi việc đã xảy ra để trẻ có thể hiểu về hành vi: Khi con cắn mẹ, mẹ đã rất đau. Mẹ đã rất giận con. Mẹ đã rất sợ…

Những điều đó, mẹ mình, dù không học qua trường lớp sách vở nhưng bằng sự mẫn cảm trong trái tim người mẹ đã truyền dạy cho mình một cách tự nhiên. 

Nên sau này, dù không được ở gần mẹ, mỗi lần có chuyện gì buồn phiền, mình luôn ngồi và tự hỏi: Nếu là mẹ, mình sẽ làm gì? 

Mình cũng luôn thấy trong bóng dáng hình hài của Nam có bóng dáng của những người mình thương yêu: Cái gáy hơi u lên của bố; nụ cười hiền hiền của ông ngoại, vầng trán cao của ông nội… Và mình soi thấy trong Nam cả những lơ đãng, viển vông, hấp tấp, vụng về của chính mình… Điều đó làm mình vừa thấy lạ lùng vừa thấy ấm áp, cận gần. 

Nên khi nuôi con, ngoài một lòng đau đáu cho con mong con TRƯỞNG THÀNH mình cũng mong muốn được để lòng lắng lại dành sự biết ơn cho những người mình thương yêu. 

Dẫu nhiều lúc cũng quan điểm nọ kia, trái nhau ầm ầm, tức giận ầm ầm. Dẫu có khi những lời không đáng nói thì lại nói ra, những lời cần nói lại giữ mãi trong lòng. 

Nhưng vẫn yêu lắm. 

Bây giờ mình hiểu, “TRƯỞNG THÀNH” là lo được cho con nhưng cũng đừng quên những chăm sóc tủn mủn, chi li, bé bỏng dành cho cha mẹ. 

Để cái mầm cây tình yêu cứ nối dài và vươn xanh. 

Trên khắp thế gian này….

Người dự thi: Phan Hồ Điệp

Thay lõi đúng hạn, bảo vệ gia đình bạn

Nước sạch trọn đời, máy bền bỉ hơn

Lõi lọc thô (đến 12 tháng), Màng RO (từ 24-36 tháng), Lõi lọc chức năng (từ 12 tháng)

*Lưu ý: Các sản phẩm lõi lọc sau khi thay nên được xả đúng nơi quy định, thùng rác dành cho nhựa tái sinh.