Trưởng thành là khi, bạn nhận ra mình chưa bao giờ trưởng thành

11/07/2018

Chia sẻ bài viết:

Trưởng thành là khi, bạn nhận ra mình chưa bao giờ trưởng thành

Người tình của ba

….được viết theo câu chuyện có thật của một người con chưa bao giờ trưởng thành...

Ngày ba mẹ ly hôn, tôi tròn 10 tuổi, học lớp 5. Tôi vẫn nhớ như in đôi mắt đỏ hoe của mẹ lúc mẹ chào tạm biệt tôi để ra đi. Tôi gào thét tới khản cổ, lấy hết sức đập vào tay ba “Ba, ba giữ mẹ lại đi. Con không muốn mẹ đi đâu hết. Con không muốn…”. Nhưng ba vẫn cứ lặng thinh ngồi bên ô cửa sổ, mặc kệ những giọt nước mắt của cả hai mẹ con.

Ba tôi là giám đốc của một doanh nghiệp lớn, có chi nhánh ở cả miền Bắc và miền Nam. Gia đình chúng tôi vốn sống ở Hà Nội, nhưng sau khi phải vào Sài Gòn công tác nhiều quá, ba đã chuyển cả nhà vào thành phố Hồ Chí Minh. Mẹ tôi xin nghỉ vị trí nhân viên kinh doanh cho một công ty bảo hiểm. Rời xa thủ đô, không nhiều mối quan hệ, lại không có ai hỗ trợ chăm sóc tôi, mẹ đã quyết định ở nhà không đi làm nữa, toàn tâm toàn ý lo cho tôi ăn học. Lúc ấy tôi cũng không biết đó là hy sinh hay là một cái gì lớn lao, tôi chỉ thấy rất vui khi tan học luôn được mẹ đón về đúng giờ.

Mẹ tôi là một người phụ nữ dễ tính, vui vẻ, vô tư, đặc biệt là mẹ rất chiều chuộng tôi. Tôi thích ăn mì tôm lắm, mẹ mua cho tôi hẳn hai thùng mì chua cay dự trữ để ăn sáng dần. Cô hàng xóm có lần sang mắng mẹ sao cho trẻ con ăn nhiều mì tôm như thế, mẹ cười bảo vì con thích, đơn giản thế thôi. Có lần trong bữa tối, ba mở tủ lạnh và kêu lên vì trong tủ có quá trời những lon nước ngọt có ga. Đó là món khoái khẩu của tôi, sau mì tôm. Tôi đã nghĩ thầm trong bụng tại sao ba và cô hàng xóm phải làm quá lên như vậy, ước chi mọi người luôn tâm lý như mẹ, luôn mua cho tôi những gì tôi muốn.

Tôi cũng là đứa đầu tiên trong lớp được mua laptop để vào youtube xem các kênh giải trí. Tôi thấy oai quá chừng. Chỉ có một vài lần khi chẳng biết xem gì trên youtube nữa, tôi ước được mẹ ôm ấp, được kể chuyện ở trường với mẹ. Mẹ hay bận nói chuyện với những người bạn của mẹ qua điện thoại. Tuy không nói chuyện với mẹ nhiều, đối với tôi, mẹ vẫn là người yêu thương nhất. Bởi ba đi công việc suốt, ở bên cạnh tôi chỉ có mẹ. Mẹ đưa đi học, mẹ đón về. Mẹ nấu cơm, mẹ ăn cơm cùng. Cả khoảng trời tuổi thơ của tôi là ở bên mẹ.

Nhưng sau đó, những ngày tháng ảm đạm chợt ập tới. Ba về nhà nhiều hơn, nhưng những cãi vã cũng thường xuyên xảy ra. Tôi thấy ba hay to tiếng, mẹ cũng không nói gì nhiều, nhưng càng lúc càng thấy ba giận dữ hơn. Có lần đang học bài, tôi hé cửa lén nhìn ra, thấy mẹ đang khóc thút thít. Mẹ vốn rất vui vẻ, nếu phải khóc nghĩa là mẹ đang rất rất buồn. Tôi chạy ra ôm chầm lấy mẹ. Ba sững người rồi bảo: “Con vào phòng học tiếp còn đi ngủ sớm, ba mẹ xin lỗi vì nói chuyện to ảnh hưởng tới con”. Tôi lí nhí nói: “Con muốn mẹ vui, con không muốn thấy mẹ khóc”. Cuối cùng, ba mẹ vẫn quyết định ly hôn. Tôi được phân ở với ba. Ba tưởng tôi còn nhỏ không biết gì, ba bảo: “Mẹ con đi công chuyện một thời gian, rồi sẽ quay về với ba con mình.” Nhưng một đứa trẻ lớp 5 - như tôi - biết rằng, sẽ không còn là mẹ đưa đón khi đi học, sẽ không còn là mẹ nấu ăn và ăn cơm cùng. Ba bận như thế chắc sẽ thuê người giúp việc để làm những việc đó cho tôi thay mẹ. Nhớ hình bóng của mẹ, nụ cười của mẹ, tôi cứ khóc nức nở mãi không thôi.

Ấy thế mà mọi chuyện không tệ như tôi tưởng. Không có mẹ, ba tôi dường như ít bận việc ở công ty hơn. Hàng ngày, ba dậy sớm mua đồ ăn sáng và đưa tôi tới trường. Chiều chiều ba cũng đón tôi rất đúng giờ, còn hay đưa tôi đi chơi rồi mới về nhà nấu cơm. Có điều ba không thoải mái như mẹ. Ba không bao giờ cho tôi uống nước ngọt có ga, cũng rất ít khi mua mì tôm cho tôi ăn, ba giải thích những thứ đó không tốt cho sức khỏe. Mỗi lần như thế, tôi nghĩ ba không thương mình, lại nhớ mẹ mà òa khóc. Ba chẳng nói gì nhiều, vẫn lặng lẽ ngồi bên cửa sổ, ánh mắt đượm buồn.

Cuộc sống bên cạnh ba cứ thế chầm chậm trôi. Mẹ cũng ít gọi điện thoại nên tôi dần quen với việc không có mẹ ở bên. Hơn nữa, ở với ba cũng rất vui, thậm chí có lúc tôi đã nghĩ thầm trong bụng hình như được ba chăm sóc còn thích hơn mẹ nữa kia. Dù khắt khe và khó tính, ba nói chuyện với tôi nhiều hơn mẹ, kể với tôi nhiều thứ, dạy tôi nhiều điều. Có chuyện gì buồn ở trường, chỉ đợi tới lúc ba đón để chia sẻ là mọi nỗi buồn lại tan biến. Biết tôi không thích uống nước ở lớp vì sợ bẩn, ba còn cẩn thận tới mức mỗi sáng chuẩn bị cho tôi hai chai nước để mang theo. Ba cũng không cho tôi ngồi xem youtube quá lâu, cứ xem được 30’ là ba lại gọi ra tập thể dục cùng. Không phải người giúp việc, chính ba - một người trước kia rất bận rộn - giờ lại dành nhiều thời gian cho mình đến vậy, tôi cảm thấy cuộc sống không còn gì tuyệt vời hơn.

Một buổi chiều, hai ba con vừa về tới nhà thì có một cô gái xuất hiện. Ba giới thiệu với tôi đó là bạn ba. Cô ta ăn cơm bữa đó cùng chúng tôi. Thi thoảng, cô ta qua nhà mua cho tôi trái cây, quần áo mới rồi ở lại nấu ăn. Tôi không thấy thoải mái cho lắm nhưng ba dạy không được hỗn với người lớn nên tôi cũng vẫn chào hỏi đầy đủ, chỉ không nói chuyện nhiều. Cô ta trẻ hơn ba nhiều, khá đẹp, và tôi nhận thấy ba rất cảm mến cô ta.

- Bống, con nghĩ sao nếu gia đình mình có thêm thành viên mới?
- Con không thích.

Tôi lạnh lùng trả lời trước ánh mắt ngỡ ngàng của ba. Ba ngồi xuống, ôn tồn nói tiếp:

- Ba nghĩ là nếu có một người phụ giúp ba chăm sóc con thì sẽ tốt hơn. Công việc của ba bận nên thỉnh thoảng không đưa con đi chơi nhiều được. Có thể cô Lê sẽ giúp ba làm điều đó…

- Con lớn rồi, con tự làm được. Khi mẹ con chưa rời đi, ba chẳng ở nhà bao giờ. Có phải ba không ở nhà với mẹ con con để ở bên người phụ nữ kia không ba?

- Ba xin lỗi…

Tôi chạy vào phòng, ngồi sụp xuống. Nghĩ tới mẹ, lòng tôi đau quặn thắt. Ba chưa bao giờ ăn một bữa tối trọn vẹn cùng chúng tôi như cách ba làm với cô gái kia. Tôi bấm số gọi mẹ. Mẹ không nhấc máy. Nỗi cô đơn buồn tủi hòa trong những giọt nước mắt. Sau đó, thi thoảng cô Lê vẫn qua nhà tôi chơi nhưng có lẽ đó là lần duy nhất ba nhắc với tôi về chuyện đi thêm bước nữa. Cứ nghĩ tới mẹ, tôi lại không thể tình cảm với ba như trước. Tôi ít gọi ba hơn. Tôi hay nhắc tới mẹ hơn “Mẹ thường làm như thế này…”, “Nếu có mẹ ở đây thì…”. Mỗi khi ba định cùng làm gì, tôi lại nói: “Con lớn rồi, ba để con tự làm” rồi lén nhìn trộm ba. Ba vẫn vậy, vẫn lặng lẽ nhìn ra xa xăm.

Thời gian cứ thế trôi rất mau, rồi cũng tới ngày tôi chuẩn bị thi vào cấp 3. Bận học hành thi cử, tôi càng ngày càng nói chuyện với ba ít đi. Những bữa ngồi chung cùng ăn của hai ba con cũng thưa dần. Duy chỉ có một điều không đổi, tôi vẫn sợ uống nước dơ nên sáng nào ba cũng nhắc tôi mang theo hai chai nước ba chuẩn bị sẵn để uống ở trường. Trước ngày thi, tôi ngồi lục tung phòng cất đồ, kiếm mấy tấm ảnh 3x4 dán vào hồ sơ. Bỗng một quyển sổ nhỏ văng ra trước mắt, giấy tờ rơi vãi khắp sàn, tôi tò mò nhặt lên xem thử. Mặt nóng bừng, mồ hôi túa ra, tôi không tin vào mắt mình nữa. Tôi lần lượt xem hết ảnh, đọc cẩn thận từng dòng chữ trong những trang giấy. Một tờ giấy thông báo kết quả xét nghiệm ADN, có tên ba, và tôi. Một bản kết luận của bệnh viện về tình trạng không thể sinh con, có tên ba. Một vài tấm ảnh mẹ đang ôm ấp người đàn ông lạ mặt

Một vài dòng nhật ký của ba nhòe đi vì nước mắt “Ba là người đầu tiên bế con, nắm chặt bàn tay nhỏ xinh của con đó. Ngày biết rằng con không phải con ruột của mình, ba đau khổ tột cùng, con biết không? Nhưng tình yêu thương của ba không cho phép ba bỏ rơi con, hay trao con cho những người không thể chăm sóc con tốt. Xin lỗi con vì đã có những khoảng thời gian, ba không thể vượt qua ích kỷ cá nhân để mặc con ở nhà với người phụ nữ đó. Đời này có lẽ ba sẽ không thể có một đứa con, vì thế đừng vội lớn lên, hãy mãi là em bé nhỏ trong vòng tay ba, con nhé.”

36902159_1616087055185394_3070648436907835392_n%20(1)

Tôi gục đầu xuống sàn. Tôi đang khóc hay trái tim tôi đang khóc đây. Trong đầu chẳng nghĩ được gì nữa, tôi chạy vội xuống nhà, ôm chầm lấy ba.

- Ba ơi, chiều nay con đi chợ nấu cơm, ba rủ cô Lê sang nhà mình ăn một bữa thịnh soạn nha ba.

- Mai thi rồi, có sợ mệt quá không con?

Tôi lắc đầu không nói, bởi nếu nói chắc ba sẽ nhận ra là tôi đang khóc. Khóc vì thấy mình thật nhỏ bé trước ba vĩ đại.

Trưởng thành là khi, bạn hiểu rằng người luôn lo sốt vó khi bạn ngã, người luôn khắt khe không cho bạn ăn mì tôm, uống nước ngọt, ngồi dán mắt vào điện thoại máy tính để rảnh tay làm việc riêng, mới là người thương bạn nhất

Trưởng thành là khi, hàng ngày có thể mua trà sữa mua dừa tắc uống nhưng vẫn đều đặn đem hai chai nước ba chuẩn bị cho tới trường và uống hết sạch khi trở về

Trưởng thành là khi, mong muốn không bao giờ lớn lên - ba không bao giờ già đi, để mỗi ngày cứ được gọi “Ba ơi, ba ơi…”, để không phải nói câu “Con lớn rồi, ba để con tự làm” mãi mãi

Trưởng thành là khi, bạn đã cảm thấy sẵn sàng để gọi người tình của ba, là mẹ

Trưởng thành là khi, bạn nhận ra mình chưa bao giờ trưởng thành. Đối với ba, tôi mãi là em bé Bống nhỏ ba muốn chở che suốt cuộc đời mà chẳng chờ đợi một sự đền đáp nào.

Người dự thi: Đinh Thị Quỳnh Trang

Thay lõi đúng hạn, bảo vệ gia đình bạn

Nước sạch trọn đời, máy bền bỉ hơn

Lõi lọc thô (đến 12 tháng), Màng RO (từ 24-36 tháng), Lõi lọc chức năng (từ 12 tháng)

*Lưu ý: Các sản phẩm lõi lọc sau khi thay nên được xả đúng nơi quy định, thùng rác dành cho nhựa tái sinh.