Trưởng thành không phải là khi ta nói chuyện lớn lao mà là khi ta hiểu được những điều nhỏ bé
Trưởng thành không phải là khi ta nói chuyện lớn lao mà là khi ta hiểu được những điều nhỏ bé
Ba thân yêu của con.
Không biết giờ này ba đã đi làm về hay chưa, không biết dạo này sức khỏe của ba đã ổn hơn chưa, không biết tối nay ba đã ăn cơm chưa. Ba đừng tiết kiệm vì con quá mà hái vội bó rau lang ngoài vườn để chấm nước tương ăn mỗi ngày nữa nghe ba…
Ba biết không, khi nãy trời mưa to con nằm ngủ thì mơ thấy ba vẫn còn đang đi làm vất vả lắm, bị người ta chửi bới nhưng ba vẫn cam chịu, ba nói với người ta “Anh, chị thương tình tôi. Tôi còn phải nuôi hai đứa con ở nhà, không làm ở đây tôi cũng chẳng biết làm gì nữa”, không hiểu sao trước giờ xem trên phim con vẫn thấy những chi tiết này bình thường, nhưng nay con nằm mơ thấy người đó là ba, con ám ảnh lắm ba ạ. Con thấy chạnh lòng và thương ba nhiều hơn, thương người đàn ông đã bỏ hơn một nửa cuộc đời để đồng hành cùng con, thương cho một người mà lúc nào cũng nghĩ vì tụi con thôi, dù bất kì lí do gì đi chăng nữa.
Hồi đó, con chỉ có 13 tuổi, lúc mà chia tay cô bạn gái – một mối tình trong sáng thời cấp hai, con cũng kể cho ba nghe. Ba lại là một người bạn để sẻ chia cùng con. Con hỏi:”Ủa ba ơi, bộ con còn non lắm hay sao ba, trưởng thành là gì mà bọn con gái ai cũng thích hết vậy nhỉ”. Lúc đó, ba xoa đầu con, nhẹ nhàng húp một ngụm trà nóng rồi từ tốn khuyên con: “Con à, trưởng thành là khi con cảm nhận được rằng cô đơn và nỗi buồn luôn bủa vây quanh mình. Là khi buồn đến mức chỉ chực bật khóc cũng chẳng có lấy một người ở bên. Là chính cái lúc con nhận ra nên tự yêu lấy bản thân. Là tự thương mình những lúc cô đơn hoang hoải như thế.
Trưởng thành nó giống như một cái gai vậy - mỗi người trong chúng ta chắc chắn cũng phải bị đâm một lần. Nhưng khi còn trẻ thì vết thương nào cũng sẽ dễ lành hơn, nhiệt huyết sống cũng tràn đầy để con có thể đứng dậy đi tiếp, tuổi trẻ là thứ lửa cháy sáng nhất, hoang dại nhất và đẹp nhất. Và quan trọng hơn, trưởng thành - con người ta mất đi sự hồn nhiên, vô tư, có quá nhiều việc khiến chúng ta phải xử sự với cuộc đời, phải suy nghĩ đi kèm cả những sợ hãi và lo lắng." Con ghi nhớ hết thảy những lời ba dạy.
Lớn lên một chút, lúc này con 16 tuổi. Trưởng thành trong con là phải chiến đấu, là phải cháy rực ngọn lửa thanh xuân trong mình, là quãng thời gian mà con cố gắng nhất, không ngại khó khăn và gian khổ. Là lúc mà con thấy con cần phải có một tí trách nhiệm với gia đình, dù sao con cũng là con trai mà. Một ngày, con trở về đúng giờ sau bộn bề lo toan của việc học, con xắn tay áo lên và phụ ba sửa lại cái vòi nước đã rỉ từ tuần trước, con quây quần cùng mẹ để kịp cho mâm cỗ cúng tiễn ông bà, lấy vội nắm thóc rồi quăng ra đó cho mấy con gà mái tơ ăn. Lúc đó con thấy nụ cười của ba mẹ thật tươi, tiếng nói rộn rã trong nhà là những điều giá trị với con nhất. Con thấy những khi như vậy, cảm xúc trong con cứ lớn lên một tí, vẹn tròn đến lạ ba ạ.
Đến khi con 18 tuổi, con vẫn còn nhớ như in cái ngày ba dắt con đi thi Đại học ở Sài Gòn, cha con mình nghèo ở dưới tỉnh đi lên đây trên chiếc xe Dream trắng, ba lo cho con từng giấc ngủ, đi đâu ba cũng cho tiền để ăn cái này cái kia, ngồi ở phòng thi mà con thấy ba đứng giữa cái nắng gắt 38 độ đến cháy lòng, ba bồi hồi và lo âu cho con, ngồi ở phòng thi nhìn ra ngoài mà con thấy ba đứng ngồi không yên, mồ hôi cứ nhễ nhại lâu lâu ba lại quệt đi rồi tiếp tục nhìn vào xa xăm với ánh mắt tràn đầy hi vọng, hình ảnh đó cứ theo con mãi tới tận bây giờ ba ơi. Phải chăng, những lúc như thế này con mới thấu hiểu cảm giác của một người ba hóng hoải cho tương lai của con mình như thế nào.
Đến khi con trở thành sinh viên năm 1 của trường Đại học Tôn Đức Thắng bên Quận 7 (Nghe nói trường này của con nhà giàu đây) thì con lại lo, con lo là 4.5 năm nữa, ba lại tiếp tục vất vả, chiến đấu nhiều hơn nữa mới có đủ tiền cho con học, con lo là học phí cứ tăng nhưng sức lao động của ba giảm, con lo là khi con lớn lên một ít thì sức khỏe ba lại yếu lên, con lo lắm ba ạ. Bạn con nó nói, nó lên Sài Gòn xong nó chẳng muốn về quê, nó nói sao ba biết không: - Cái xứ gì mà ta nói nó buồn hiu buồn hắt, chiều gà mà lên chuồng là người ta cũng muốn lên giường. Ờ, mà cũng phải ba ha. Nứt mắt ra là bọn trẻ túm tụm lên Sài Gòn hết trơn hết trọi, tay xách nách mang, vơ vét mồ hôi nước mắt ở quê làm hành trang mang lên thành phố với ước mơ đổi đời đang hừng hực, rồi con người ta hẹn kiếm thiệt nhiều tiền sẽ về quê, mà con thấy có mấy ai trở về đâu, may mắn thì chẳng muốn về, vì về quê chán muốn chết, hổng có chỗ để xài tiền, còn thất bại thì lại không muốn về, vì về rồi thì lấy cái gì để trả nợ cho mồi hôi nước mắt cũ xưa, phải hông ba?
Rồi người ta giậm chân ngay đó, giậm ngay cái ranh giới giữa nhớ mong và trốn chạy, giữa hưởng thụ và áy náy lòng, để lại quê nhà yên ắng đến tủi ba ơi. Yên đến nỗi mà mấy ông bà già trưa nằm đu võng mà nghe rõ tiếng kêu mồn một của mấy con ong bầu ve ngoài giàn mướp, đêm nghe tiếng ho khan trái gió trở trời của nhà hàng xóm mà cứ tưởng ngay nhà mình… Nhưng rồi con cũng như họ, cũng về nhà thôi, dăm ba bữa, có người vì nhớ quá mà hổng dám về, về len lén, có người thì về xe cộ nghinh ngang, mà về cho đỡ áy náy lòng. Mà về dù vì cái gì, thì dăm ba bữa cũng lại đi, để lại quê nhà nỗi mòn mỏi trông chờ.
Thời gian bẵng cái mà giờ con cũng 21 tuổi rồi, tuần trước con về thăm nhà, con thấy mái tóc của ba mẹ đã lấm tấm bạc từ hồi nào, đôi mắt thì hằn thêm dấu chân chim, da thì lằn vết nhăn của sương gió. Lúc đó, con chỉ muốn quên hết những vướng bận trong cuộc sống để ngồi cạnh gia đình thật lâu, để vun đắp cho những tháng ngày khổ sở của ba mẹ, để yêu thương ba mẹ nhiều hơn có thể. Ba hãy cứ vững tin ở con, con được cuộc đời mài dũa cho con nhiều lắm, giờ con cũng trưởng thành hơn trong suy nghĩ rồi ba ạ, hồi đó cứ có chuyện gì không vừa tai thì con nổi nóng phản bác lại liền, có khi có ngày hung dữ còn đòi đánh đập người ta, giờ thì con cũng chẳng muốn hơn thua với ai nữa, con tập nghe nhiều hơn là nói, con tập cách quan sát mọi người, bao dung cho tất cả. Con biết tìm bạn, tìm những người anh chị tốt để con học hỏi, con biết tự kiếm tiền nữa.
À, thông báo cho ba nghe tin vui, con vừa mới nhận được vào làm ở khách sạn 5 sao ở vị trí lễ tân rồi, vậy là từ nay ba không cần phải lo tiền học cho con nữa rồi, vì thu nhập ở đây tốt và mọi người thương con lắm ba ạ. Thương ba lắm, rồi một ngày con sẽ có cuộc sống tốt hơn, ba cũng sẽ bớt khổ hơn, ba hãy chờ con nhé.
“Trưởng thành không phải là khi ta nói chuyện lớn lao mà là khi ta hiểu được những điều nhỏ bé”. Con trai của ba đã thật sự trưởng thành.
Con thương ba!
Sài Gòn đêm mưa, 06/07/18.
Người dự thi: Nguyên Hoàng Sơn