Trưởng thành chưa bao giờ là điều dễ dàng…
Trưởng thành chưa bao giờ là điều dễ dàng…
Trưởng thành chưa bao giờ là điều dễ dàng…
Cô bạn cùng phòng thường bảo cách nói chuyện của tôi rất ngây thơ, chưa trưởng thành nhiều. Tôi chỉ cười rồi ậm ự gật đầu. Tôi không biết với cô bạn ấy trưởng thành là như thế nào nhưng với tôi, trưởng thành chính là bỏ qua được cái tôi của mình, biết lắng nghe nhiều hơn thay vì nói và suy nghĩ nhiều hơn…
Trưởng thành là khi cầm tháng lương đầu tiên trên tay, bạn nghĩ đến gia đình đầu tiên. Bạn sẽ nghĩ đến việc mua cho ông bà hộp sữa, mua cho mẹ cái nồi cơm điện mới, mua cho ba đôi giày mới hay dành dụm một ít để tiết kiệm cho tương lai chứ không phải đi khao bạn bè, mua sắm quần áo mới cho bản thân.
Trưởng thành là khi bạn biết kiểm soát lời nói và cảm xúc của mình, không hành sự xốc nổi với người khác. Nếu lúc trước buồn là khóc, vui là cười thì bây giờ, những lúc đau đến tột cùng cũng cố gắng kìm nén mà mỉm cười cho qua. Trưởng thành là khi gây gỗ với người yêu, bạn không unfriend facebook anh ấy, không block, không chặn tin nhắn hay dồn hết “cục tức” qua status của mình. Lúc đó, bạn chỉ im lặng, đợi mọi chuyện lặng xuống rồi trút hết mọi nỗi buồn vào anh ấy. Khi trưởng thành, bạn cũng không mặn mà với việc khoe khoang, “check in” ở mọi nơi, mọi lúc hay chạy theo trào lưu cho bằng bạn bằng bè. Bạn quan tâm đến những chuyến đi hơn là tìm cách để “thu” về những tấm ảnh đẹp. Facebook, Instagram, Zalo, Skype... với bạn chỉ là những công cụ để làm việc, kết nối bạn bè, gia đình. Thay vì ngồi lướt facebook cả ngày, bạn dành thời gian đọc sách nhiều hơn, nói chuyện với bố mẹ nhiều hơn, mày mò tìm hiểu các lĩnh vực trong xã hội nhiều hơn.
Trưởng thành là lúc bạn bắt đầu quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn. Thời sinh viên, ngủ nướng tới trưa để không tốn tiền ăn sáng. Còn bây giờ, bạn thức dậy thật sớm, ăn bữa sáng ở nhà rồi mới đi làm. Bạn bắt đầu quan tâm đến việc tập thể dục, tìm kiếm các phòng tập gym và tìm hiểu về sức khỏe nhiều hơn. Trưởng thành cũng là lúc bạn nhận ra, không phải cứ kiếm thật nhiều tiền là được mà bạn còn phải biết sử dụng đồng tiền đó như thế nào cho hợp tình, hợp lý. Nhiều lúc bạn sẽ phải băn khoăn giữa việc nên cho ai mượn hay không cho ai mượn, nên giúp đỡ ai hay không giúp đỡ ai. Bạn sẽ phải đánh mất một vài mối quan hệ cũng vì tiền. Có nhiều tiền cũng khổ nhưng không có tiền lại càng khốn khổ hơn, ăn uống cần tiền, đi học cần tiền, khám bệnh cần tiền, mua sắm cần tiền… Tôi sợ không có tiền, sẽ không giúp đỡ được cho người thân của mình. Chỉ cần một biến cố xảy ra, nếu không có tiền, tôi sợ người thân yêu nhất rời xa mình. Trưởng thành là lúc bạn nhận ra bố mẹ đã già đi rất nhiều, tóc đã bạc, lưng đã còng, dọng nói cũng yếu đi so với lúc trước. Bạn biết quan tâm bố mẹ nhiều hơn. Lúc trước, mỗi lần gọi về nhà, bạn sẽ khóc nức vì luôn nghĩ bố mẹ chẳng bao giờ hiểu mình. Còn bây giờ, sau mỗi cuộc trò chuyện, bạn dặn dò bố mẹ ăn uống, bạn hỏi xem bố mẹ cần gì… Trưởng thành với tôi còn là sự đớn đau, tủi nhục khi bất lực trước bản thân mình. Dù chịu thua thiệt, ấm ức trong công việc, bạn cũng không thể vứt bỏ tất cả mà bỏ chạy nữa. Nếu ngày trước, chỉ cần bị sếp la vài câu thì hôm sau hờn dỗi, nộp đơn xin nghỉ việc. Bây giờ, sếp có nặng nhẹ gì cũng chỉ cười rồi phấn đấu để làm tốt nhiệm vụ được giao.
Với tôi trưởng thành chưa bao giờ là điều dễ dàng cả. Muốn có được sự trưởng thành, bạn phải trải qua nhiều lần ngốc nghếch, nhiều lần nông nổi, nhiều lần sai lầm, nhiều lần khóc nức, nhiều lần cô đơn… Và, đôi khi còn phải chịu một vài ấm ức, tủi hờn và cả sự phản bội, chia li mới nhận ra bản thân mình đã trưởng thành từng ngày. Tôi thích tôi của hiện tại, sẽ con nít khi tôi muốn và trưởng thành khi cần. Tôi cũng không thích sự gò bó về sự trưởng thành trong lối suy nghĩ của người trưởng thành. Mỗi người có cách trưởng thành của riêng họ. Cũng giống như khi bạn nhận xét tôi ngây thơ, thay vì bù lu bù loa giải thích về sự trưởng thành của mình, tôi chấp nhận và chỉ mỉm cười. Đó là cách hành xử của một người trưởng thành, theo tôi nghĩ là thế. Với tôi, trưởng thành chính là bỏ qua được cái tôi của mình, biết lắng nghe nhiều hơn thay vì nói và suy nghĩ nhiều hơn. Chỉ khi điều khiển được bản thân mình thì bạn mới thực sự hành xử theo cách của một người trưởng thành, một người có văn hóa.
Người dự thi: Nguyễn Thị Thu Trang