Liệu 25 tuổi tôi đã thực sự trưởng thành?

11/07/2018

Chia sẻ bài viết:

Liệu 25 tuổi tôi đã thực sự trưởng thành?

Liệu 25 tuổi tôi đã thực sự trưởng thành?

Trên tầng năm, vén bức rèm nhìn dãy nhà qua ô cửa sổ, nhâm nhi cốc café lẫn cacao, tôi tự cười và tự hỏi “Liệu tôi – cô gái 25 tuổi đã trưởng thành chưa hay phải lớn thêm nữa mới thực sự trưởng thành?” Nhìn ánh đèn điện hắt ra từ ô cửa sổ, tôi chợt nghĩ “Có lẽ trưởng thành không phụ thuộc vào độ tuổi, trưởng thành thực sự dựa vào suy nghĩ, khi bản thân biết nghĩ đến người xung quanh nhiều hơn”

1(10)

25 tuổi - nhiều người trưởng thành hơn sẽ nhìn tôi và nói rằng tôi còn trẻ, còn non nớt cần học tập rất nhiều thứ để trưởng thành hơn. Đúng, điều này đúng vì tôi còn thiếu nhiều kinh nghiệm trong công việc, thiếu những “kỹ năng mềm” để tôi “lèo lái” cuộc sống đầy cạm bẫy. Thế nhưng, người ta đâu có biết rằng 25 năm nay tôi vẫn luôn là đứa con trưởng thành trong mắt gia đình tôi, trong suy nghĩ của những đứa em tôi và nhiều người khác nữa.

Bởi có lẽ trưởng thành không phụ thuộc vào độ tuổi, trưởng thành thực sự dựa vào suy nghĩ, khi bản thân biết nghĩ đến người xung quanh nhiều hơn.

Khi tôi còn bé, cô hàng xóm khen tôi đã lớn, biết giúp đỡ bố mẹ chuyện gia đình!

Đúng vậy, năm tôi 5 tuổi bắt đầu biết cầm chổi quét sân vườn vào mỗi chiều trước khi ba mẹ đi làm về, biết soạn mâm cơm, biết mời nước sau bữa cơm. Năm 10 tuổi, tôi biết nấu những món đơn giản cho gia đình, biết rửa bát cho mẹ sau bữa ăn. Tôi biết rằng tôi làm bởi thương ba mẹ đi làm nhiều mệt mỏi nhưng vẫn phải lo việc nhà. Những năm ấy tôi được cô hàng xóm khen tôi đã lớn, biết giúp đỡ bố mẹ chuyện nhà.

Ngẫm lại, chuyện tôi làm cũng quá bé đâu có trưởng thành bằng bé Lê Văn Chiến (SN 2001, học sinh lớp 5A, Trường tiểu học Ngọc Sơn, Thanh Chương) mới lên 10 đã biết mò cua, bắt ốc đỡ đần cho bà nội già yếu. Thương bà, Chiến nhịn đói nhường cháo cho bà khi nhà hết đồ ăn. Chiến biết trách nhiệm của mình khi ba mẹ Chiến bỏ lại hai bà cháu. Với tôi và nhiều người, Chiến thực sự đã trưởng thành trong suy nghĩ, trong tấm lòng hiếu thảo.

Khi còn ngồi ghế nhà trường, bạn bè ba mẹ tôi khen tôi càng lớn càng biết nghĩ cho ba mẹ!

Cách đây 2 năm khi tôi đi gia sư, tôi hiểu được rằng mục tiêu sống của bố mẹ là con cái. Con giỏi giang, thông minh, ngoan ngoãn là niềm tự hào, niềm hạnh phúc mà bất cứ gia đình nào cũng mong muốn. Hơn thế nữa, thấy con lớn trong bình an là niềm vui bất tận của bậc phụ huynh.

Cái độ tuổi “mài đũng quần” ghế nhà trường, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng sau những công việc nhà nhỏ nhặt, điều làm ba mẹ tôi vui là mỗi lần tôi khoe thành tích học tập. Điểm số ngày càng tốt và duy trì ở top đầu là điều tôi có thể làm lúc đấy.  Bởi mỗi tối khi tôi học bài, mẹ thường đưa nước uống và nói rằng: “Sống có mục tiêu, vượt lên bản thân mới thực sự thấy mình trưởng thành”. Điều ấy dường như là động lực vô hình, mỗi ngày tôi cố gắng đạt thành tích tốt hơn để đem lại niềm vui, đem lại động lực cho ba mẹ làm việc. Thành tích thực sự khi tôi cố gắng đỗ vào trường đại học Ngoại Thương. Đây niềm vui tôi dành tặng cho ba mẹ suốt 12 năm học hành. Bạn bè ba mẹ tôi bảo: “Chăm học, ngoan ngoãn là biết nghĩ cho ba mẹ mày, gái lớn rồi đấy”.

Tình yêu độ tuổi phượng đỏ đối với tôi thực sự là rất đẹp. Tôi cũng có chuyện tình thời học đường, cũng có sự ích kỷ khi yêu. Thế nhưng, nghĩ cho cùng nếu tôi hành sử thiếu suy nghĩ khi yêu một người chưa chắc đã đi hết cuộc đời với mình liệu có đáng. Người đi hết cuộc đời với mình là gia đình mình. Nếu tôi đánh ghen tàn bạo như các em lớp chín trong nhiều clip trên mạng xã hội liệu có đáng. Liệu có nên dại khờ kết thúc cuộc đời tươi đẹp của mình,... Tất cả đều không đáng, bởi cuộc sống bố mẹ đã khó khăn trao cuộc sống bình an đến cho mình. Hãy biết trân trọng và giữ sự bình an đấy! Đây là điều tôi nói với cô bé học sinh của tôi. 

Đại học và đi làm, tôi trưởng thành khi rời xa vòng tay ba mẹ tôi!


2(5)

Đại học là cả một chân trời mới mở ra trước mắt tôi, tôi run rẩy, bắt đầu bước đi trên chính đôi chân của mình. Vào những ngày tháng ấy, chị tôi bảo rằng “mày lớn rồi, 18 tuổi rồi tự kiếm tiền mà sống, thương ba mẹ đi chứ!” 

Chị tôi nói đúng, 18 tuổi theo pháp luật tôi đã đủ tuổi công dân. Bản thân có thể làm được nhiều thứ hơn so với việc tôi chỉ chăm chăm học. Công việc đầu tiên chính là gia sư. Đây là công việc dễ làm nhất với sinh viên mới vào trường. Thế nhưng không phải ai cũng may mắn để gặp ngay học sinh tốt, rất nhiều rủi ro xung quanh việc đi gia sư. Đúng vậy, kiếm tiền không dễ như tôi nghĩ: việc nhận lớp trung tâm (lừa bịp thì tìm cách trị lừa bịp), học sinh không ngoan, lười học (tìm giúp học sinh yêu và thích học hơn), phụ huynh khó tính (dạy tốt, làm học sinh yêu quý mình để tạo tin tưởng). “Bao giờ mày mới trưởng thành như chị? Vừa học tốt biết kiếm tiền đỡ đần bố mẹ” – Tôi tự cho đây là lời khen phụ huynh dành cho tôi. Hạnh phúc khi tôi trưởng thành trong mắt người lạ, hạnh phúc khi tôi có thể dõng dạc bảo với ba mẹ “Con tự lo tiền ăn rồi nhé, ba mẹ không cần gửi ra đâu nhé”. Cứ như thế, tôi tiếp tục nhiều công việc làm thêm khác để khám phá bản thân, để học hỏi cuộc sống, và hiểu được những khó khăn của ba mẹ tôi hơn.

Từ ngày đi học xa nhà cho đến ngày hôm nay đi làm, tôi nhận ra một điều rằng: tôi đã trưởng thành rất nhiều khi rời xa vòng tay của gia đình. Biết nói lời cảm ơn, lời xin lỗi. Biết tự chăm sóc, bảo vệ bản thân, biết nghĩ nhiều hơn cho mọi người xung quanh tôi. Biết ôm lấy bạn tôi khi vui khi buồn, sẵn sàng giúp đỡ người lạ khi tôi có thể giúp cho dù là việc nhỏ nhặt nhất. 

Và tôi không có nhiều thời gian để bận tâm đến lời người đàm tiếu. Tôi chỉ dành thời gian cho những việc giúp tôi tốt hơn, trưởng thành hơn dù đó là tốt hay xấu. Nhưng có một điều – cô gái 25 tuổi như tôi vẫn luôn canh cánh liệu mình thực sự đã trưởng thành để bảo vệ, che chở cho ba mẹ mình khi về già không? 

Sáu năm xa gia đình, đôi khi tôi nghĩ rằng mọi thứ thay đổi theo năm tháng không còn như xưa. Tôi xa ba mẹ hơn, cuộc sống khắc nghiệt hơn, mối quan hệ phức tạp hơn. Môi trường ôi nhiễm hơn, khí hậu khắc nhiệt hơn, ba mẹ già yếu hơn. Vậy liệu tôi sẽ là người ở bên ba mẹ mỗi lần trái gió trở trời, sẽ có thể mời nước sau mỗi bữa ăn, dọn vệ sinh bể chứa nước mỗi lần bẩn như xưa được?... Tôi lo lắng những thứ nhỏ nhặt và quá đỗi quen thuộc (từ ly nước đến ngọn rau sạch,…). Những điều nhỏ nhặt này là động lực giúp tôi cố gắng làm việc chăm chỉ, trưởng thành hơn, để tạo điều kiện tốt nhất cho ba mẹ tôi.

Với tôi, trưởng thành không nhất thiết phụ thuộc vào độ tuổi mà là suy nghĩ dành cho người xung quanh. Trưởng thành không cần làm những điều quá to lớn chỉ cần nhiều điều nhỏ đem niềm vui, an nhiên, hạnh phúc cho mọi người xung quanh tôi thế là đủ!

Người dự thi: Ngô Thị Kiều Anh

Thay lõi đúng hạn, bảo vệ gia đình bạn

Nước sạch trọn đời, máy bền bỉ hơn

Lõi lọc thô (đến 12 tháng), Màng RO (từ 24-36 tháng), Lõi lọc chức năng (từ 12 tháng)

*Lưu ý: Các sản phẩm lõi lọc sau khi thay nên được xả đúng nơi quy định, thùng rác dành cho nhựa tái sinh.