Làm người lớn như thế nào nhỉ?
04/07/2018
Làm người lớn như thế nào nhỉ?
- Tôi đã thắc mắc điều này trong suốt tuổi thơ của mình vì dù có hỏi rất nhiều người lớn khác, nhưng những câu trả lời tôi nhận được đều không thỏa mãn thắc mắc của tôi. Cho đến khi tôi bất ngờ được một đứa trẻ nhờ giải quyết tranh cãi giữa chúng về người thắng cuộc của trò kéo-búa bao do chúng nghĩ lời "người lớn" đáng tin hơn, cũng là lúc tôi tìm được câu trả lời cho câu hỏi tôi vẫn luôn thắc mắc suốt 18 năm nay. Bài viết "Làm người lớn" của tôi, chính là những cảm nhận của một người trẻ lần đầu nhận ra mình đã là người lớn và bị khủng hoảng bởi việc đó trong bối cảnh trên một chuyến xe buýt đơn độc giữa phố thị lúc hoàng hôn.
Làm Người Lớn
Hồi bé, tôi vẫn thường hay thắc mắc “Làm người lớn thế nào nhỉ?”, “Khi lớn rồi người ta sẽ làm gì?”. Những thắc mắc ấy vẫn luôn theo tôi suốt cả thời thơ ấu bởi vì tôi chưa bao giờ nhận được một câu trả lời cụ thể cho chúng. Cho đến một ngày, khi người k hác bắt đầu nói với tôi: “Lớn rồi, tự lập đi, tự làm một mình đi, tự giải quyết những vấn đề của mình đi”. À thì ra, đây là chính là thế nào là làm người lớn ư? Đây chính là điều tôi luôn mong chờ một câu trả lời suốt 18 năm ư? – Làm người lớn.
Làm người lớn thích thật nhỉ, không có ai gò bó, không có ai bảo phải làm gì, không có ai thắc mắc lí do của mọi việc mình làm. Làm người lớn thì tự do bộc lộ quan điểm của mình, tự do mua bất cứ thứ gì mình thích, tự do yêu bất kì ai. Chẳng phải rất tuyệt khi làm người lớn sao! Làm người lớn thật tự do và thoải mái.
Làm người lớn thật “quyền năng”, đặc biệt là trước lũ trẻ. Chúng bắt đầu cúi chào tôi mỗi khi gặp mặt, trầm trồ kể mỗi khi tôi kể một câu chuyện cổ tích thú vị nào đó, và lặng im những khi tôi “lên lớp” về những hành vi đúng – sai trong cuộc sống . Bọn trẻ trong xóm cũng bắt đầu nhờ tôi làm giúp những món đồ chơi cho chúng ngay khi tôi được gọi là “người lớn”. Đứa em út trong nhà đã đòi tôi chở đi chơi loanh quanh vì tôi là “người lớn” mà. Làm người lớn cũng vui chứ, bỗng dưng được bọn trẻ quan tâm đến lạ, được chúng nhao nhao nhờ góp ý cho những tranh cãi ngốc xít về người thắng cuộc của trò kéo-búa-bao. Tự nhiên hai chữ “người lớn” khiến mình được nể trọng, làm người lớn thích thật nhỉ.
Nhưng sao, làm người lớn cô đơn quá. Một khi đồng hồ điểm hết giờ làm, giờ học người lớn lại quay về cuộc sống cô đơn của mình. Tôi lại quay về nhịp sống buồn tẻ của mình. Một mình tôi đi trên con đường vàng nắng, một mình tôi cố gắng tìm niềm vui trong những cuốn sách cũ của một tiệm sách nhỏ nào đó, vẫn mình tôi ấy lang thang trong thành phố nhộn nhịp này nhằm tìm lấy cho mình một nơi chốn riêng. Đi đi, về về trong những tiếng còi xe inh ỏi và những ánh đèn sáng choang của các cửa tiệm, có lẽ, chưa bao giờ tôi thấy làm người lớn lại tẻ nhạt như vậy. Tôi lạc lối ở chính những con đường mình đã quen thuộc, giữa nơi mỗi bận giờ tan làm là lại kẹt kín những dòng xe; tôi lạc trong chính tôi, lạc trong chính sự quen thuộc đến buồn tẻ. Tôi thắc mắc: Trưởng thành là như vậy hay sao? Trưởng thành là khi ta bị cuốn theo những vòng xoáy của cạnh tranh trong công việc, của vất vả kiếm tiền, của căng thẳng từng phút giây để rồi nhận ra ta chợt đánh mất mình trong hành trình tìm ý nghĩa cuộc sống và lạc đến xứ sở của nỗi cô đơn.
Người lớn cũng thật ẩm ương, phức tạp, lúc nào cũng buồn phiền nhiều điều. Có những khi, tôi buồn vì dù cố hết khả năng bản thân nhưng kết quả nhận lại không xứng đáng vì những mối quan hệ xã hội mà tôi không lí giải được. Có những lúc, tôi cảm thấy trống trải đến lạ khi thấy biết bao người lớn khác tìm thấy được tình yêu của mình trong khi bản thân tôi lại một mình nhìn quanh. Có những lần, tôi cười dù trong lòng không cảm thấy vui, cốt chỉ để giữ hòa khí cho một mối quan hệ xã hội nào đó. Và có những ngày, tôi buồn vì trời buồn, buồn khi nhìn thấy những đám mây cô đơn trôi qua, buồn khi nhớ về ai đó.
Nếu làm người lớn khó khăn như vậy, phải chăng tôi nên quay ngược về hồi bé? Phải chăng tôi nên hi sinh sự tự do, “quyền năng” của một người lớn để tôi quay về hồi thơ bé ấy một lần nữa. Về lại nơi mà tôi có thể ngắm những cánh diều bay cao, cao mãi trong bầu trời hoàng hôn, nơi mà tôi có thể nghe tiếng bà mắng cho những lần tôi phạm lỗi, tiếng ông dỗ nín khóc bằng những viên kẹo tí ti đủ màu . Về lại nơi mà tôi sẽ không đôi khi lạc lối gữa những tòa nhà cao chọc trời của phố thị nhộn nhịp này, nơi mà tôi sẽ có lũ trẻ gọi tên rủ nhau ra bãi đất trống cạnh nhà, xây những tòa lâu đài mộng mơ và vẽ nên cả đại dương sâu thẳm. Dẫu như có điều này xảy ra, dẫu như có thể quay về hồi thơ bé ấy một lần nữa mà từ bỏ đi cuộc sống của một người trưởng thành thì tôi sẽ chọn: Từ chối.
Làm người lớn vất vả thật đấy, đôi khi muốn nổ tung bởi những căng thẳng bủa vây nhưng thật khó để quên đi những khả năng vô tận của việc làm người lớn. Khi trở thành người lớn, ta được hiện thực hóa những ước mơ hồi bé của mình dẫu có khó khăn, bởi, từ chính những khó khăn ấy mà người lớn học được nhận bài học quý báu. Khi trở thành người lớn, ta phải buồn, phải khóc cho nhiều chuyện nhưng từ đó mà người lớn mới nhận biết được ai là người thật lòng, cái gì là mục tiêu nên tập trung thực hiện, đâu chính là con người thật của bản thân. Nếu là trẻ con thì vô tư, hồn nhiên, không phải lo lắng cho bất cứ gì to tát, cứ sống mãi những cảm xúc vui tươi; song, nếu cứ đắm chìm trong hạnh phúc cá nhân, sống mãi một đời hồn nhiên trẻ con mà không chịu trưởng thành thì thật là ích kỷ. Hãy nghĩ, có bao lần, ta thấy mẹ chắt chiu từng đồng để mua một món đồ chơi nhằm khiến đứa con hạnh phúc, thấy cha bỏ lơi sức khỏe trên những bàn tiệc nhằm kí được một bản hợp đồng nhằm có tiền cho ta ăn ngon, mặt đẹp. Là con nít hưởng thụ thích thật, nhưng rồi ai cũng phải lớn, cũng phải trải qua những khó khăn để trưởng thành, cũng phải gánh lấy trách nhiệm thay cha, mẹ để cho họ có thể nghỉ ngơi, để cho họ có thời gian để sống lại những hoài bão đã bỏ quên khi sống cuộc đời bận rộn của người trưởng thành.
Tôi đã từng nghĩ làm người lớn thì phải làm điều gì to tát lắm, nào là phải trở thành ông này, bà nọ, nào là phải đi xe sang, ở nhà xịn. Nhưng, trưởng thành chỉ đơn giản là biết thấu hiểu cho mọi người, cho từng khoảnh khắc, từng tình huống, biết trân trọng, tôn trọng trách nhiệm của người khác cũng như của bản thân trong công việc, trong các mối quan hệ xã hội, và trong quá trình làm người. Chúng ta đôi khi cảm thấy làm người lớn thật tẻ nhạt, lúc nào cũng đối diện với những cảm xúc trống rỗng, cô đơn mặc dù đang đứng giữa tập thể. Tuy nhiên, hãy dừng lại những suy nghĩ tiêu cực, dang tay rộng mở đón lấy những người xung quanh, ở đâu đó luôn hiện hữu những tâm hồn đồng điệu sẵn sàng chia sẻ cùng ta, giúp ta vượt qua nỗi khủng hoảng của sự “trường thành”. Có lẽ, khi chúng ta chợt nhận ra mình đã già dặn đi một tí, thận trọng hơn một tí, nhận trách nhiệm nhiều hơn một tí đó là khi ta cũng nhận ra mình không còn nhỏ nữa. Song, chính trong mỗi người lớn như tôi và bạn, vẫn còn đó những cậu bé, cô bé luôn luôn háo hức với những lâu đài cát tuổi thơ, những đại dương xanh trong tưởng tượng, và những cánh diều mang ước mơ bay xa lên bầu trời cao. Đôi khi, chính chúng ta, những người lớn hãy mở cánh cửa tuổi thơ, cho đứa trẻ trong quá khứ được sống lại để tìm thấy tí vui riêng giữa cuộc sống bộn bề lo toan trong xã hội của những người lớn.
Tóm lại, trưởng thành là khi chúng ta biết lấp đầy bản thân trong những giây phút trống rỗng, biết chịu trách nhiệm với bản thân cũng như tất cả mối quan hệ xã hội, biết định hướng đúng đắn trong những lần lạc lối, và trên hết, biết giữ lấy tâm hồn trẻ con cũng như những cảm xúc tốt lành nhất để chúng là ánh sáng soi dẫn chúng ta. Viết những điều này trên chuyến xe buýt đang đi giữa phố thị nhộn nhịp. Nhìn qua cửa kính xe, màn đêm đã bắt đầu buông xuống, những tòa cao ốc bắt đầu lên đèn làm lu mờ đi những ánh sao, cô nhân viên văn phòng cũng tất tả chạy về đón con. Chiếc xe buýt vẫn cứ lăn bánh, chờ đón những vị khách từ ánh hoàng hôn.
TP. Hồ Chí Minh, 26/06/2018
P/s: Đang tìm những nguồn cảm hứng mới.
Người dự thi: Hoàng Kiến Phúc