DÒNG NƯỚC NÀO NUÔI CON LỚN LÊN?

04/07/2018

Chia sẻ bài viết:

Dòng nước nào nuôi con lớn lên?

Trong bao nhiêu tác phẩm văn chương, tôi bắt gặp nhiều nhân vật luôn trăn trở đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi lớn của đời mình. Đó là Nhĩ (Bến quê- Nguyễn Minh Châu)- người từng đi không sót một xó xỉnh nào trên thế giới mà lại chưa một lần đặt chân tới bãi bồi bên kia sông mà anh có thể nhìn thấy từ cánh cửa sổ nhà mình. Tôi cũng gặp nhân vật ông giáo Bảy trong “Ánh sáng trong đêm cồn cát” (Nguyễn Ngọc Thuần) dành tuổi thanh xuân để chạy trốn cái vùng đất đầy cát và gió nhưng đến già rồi chỉ muốn được quay về nơi thừa nắng thiếu mưa đó mà thôi.

Tôi cũng luôn tự hỏi mình: Tôi có quên bài học nào trong quá trình trưởng thành hay không? 25 tuổi, tôi đã xách balo đi tới những vùng đất mơi, gặp bao nhiêu con người với rất nhiều cuộc đời. Vùng đất nào cũng để lại trong tôi thật nhiều kỷ niệm khó phai. Nhưng tôi sẽ chẳng bao giờ quên được khoảnh khắc thấy trái tim mình được chạm thật khẽ khi nhìn thấy nụ cười đầy tự hào của đồng bào Thái ở bản Hiêu (Pù Luông- Thanh Hóa) khi đứng ở đầu nguồn con suối, ngọn thác của họ để giới thiệu cho mọi người biết nơi đó là nơi chứa đựng cả linh hồn của bản. Nụ cười lấp lánh ấy tôi được gặp lại trên môi của một người phụ nữ người miền Tây sống ở một dòng nước trên sông Hậu ở khu chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) khi nói về tình yêu và sự gắn bó chẳng thể tách rời của họ với dòng nước quê hương. Khi nghe họ nói về dòng nước với tất cả sự trân trọng và yêu thương như thế, tôi lại nhớ về nguồn nước trong lòng tôi: đó là những dòng nước yên bình của vùng châu thổ sông Hồng đầy phù sa ôi chảy qua những con kênh, con mương, san sẻ nguồn nước mát lành khắp các cánh đồng nuôi cây lúa trĩu bông. Đó cũng chính là dòng nước mẹ dùng gàu múc lên từ miệng giếng trong ở gần vườn, dưới gốc cây bưởi bên hông nhà cho tôi tắm mát những trưa hè.

12

Mới thoáng thôi mà tôi đã xa cái tuổi thơ bên mẹ, xa cánh đồng làng mười mấy năm trời rồi. Phải chăng, trưởng thành chính là học được cách yêu dòng nước quê mình. Tôi giống như một con cá nhỏ, muốn bơi ra khỏi vùng nước an toàn của mình, muốn vượt lên sự thân thuộc của dòng nước sông Hồng để bơi xa nữa. Thế nên, tôi chọn cách đi nhiều và khám phá nhiều. Mà ba mẹ tôi vẫn chẳng bao giờ quen được việc mỗi lần gọi điện thoại, lại thấy tôi nói tới một địa danh nào đó xa lạ lắm với cả hai người. Trên những cuộc hành trình đó, tôi thường nhăn mày khi nhìn thấy trên màn hình điện thoại của mình là số điện thoại của ba tôi, mẹ tôi. Bởi vì tôi biết, mẹ thường hỏi ngay rằng: “Con đang ở đâu? Con ăn cơm chưa? Nhớ cẩn thận!”. Lâu dần, tôi tự cho mình cái quyền cứ đi đi và chẳng báo gì cho ba mẹ biết. Hoặc có khi ba mẹ hỏi thì sẽ nói rằng con đang ở thành phố cho ba mẹ yên lòng. Tôi từng sung sướng với suy nghĩ làm thế thì sẽ không bị ba mẹ “làm phiền”.

Cho đến khi tôi lần đầu đặt chân ra nước ngoài, ở sân bay bỗng thấy mình ngơ ngác. Bởi vì khi đó, bố mẹ tôi vẫn chỉ dùng điện thoại đen trắng, không hề biết về những cuộc gọi quốc tế, cũng xa lạ với facebook, messeger, zalo hay một tỉ thứ thiết bị thông minh khác để liên lạc với tôi. Tôi chẳng hề nhận được cuộc gọi hỏi thăm nào của ba mẹ cả. Khi ấy nỗi tủi thân dâng lên trong lòng khiến tôi khóc ngay tại chỗ. Thì ra, có những thứ bình dị quen thuộc mà chính ta phải trải qua thử thách rồi mới hiểu được ý nghĩa thiêng liêng của nó. Cảm ơn một chuyến đi dài để tôi có cơ hội hiểu mình hơn, trưởng thành hơn để trân trọng gia đình và những gì mình đang có. Tôi phải rảo bước chân đi cả thời tuổi trẻ mong muốn khám phá thật nhiều các vùng đất xa xôi, cũng phải mất chừng ấy thời gian tôi mới vượt lên được một thói quen rất nhỏ. Đó là khi đến những vùng đất lạ, ngay khoảnh khắc đưa tay ra đón những dòng nước mới để tưới táp lên mặt và thử nếm vị nước ở đó, tôi lại rồi lại thầm đưa ra một so sánh: nước ở đây không ngọt như nước ở nhà; nước ở đây không thơm như nước ở nhà; nước ở đây không mát như nước ở nhà….

Nhưng rồi, tôi mới nhận ra rằng trưởng thành là khi trái tim đủ sức yêu thương và trân trọng tất cả những dòng nước mà tôi có duyên gặp được trên đường đời. Tôi không chỉ nhận được sự yêu thương của dòng nước mà tôi còn nhận được cả tình cảm yêu thương của những con người ở những vùng quê đó. Khi tôi đặt dòng nước của tôi giữa dòng nước của bao người, thấy trái tim mình mát lành và dạt dào thương mến. Dòng nước quê nhà chính là ngọn nguồn đầu tiên, để nhắc tôi dù đi xa vẫn nhớ đường trở về nhà: với mẹ, với cha, với bao người ta yêu thương ở đó. Biết cơi nới trái tim mình, biết hướng tới những tình yêu lớn hơn chính là bài học mà những dòng nước dạy tôi. Tôi thấy mình giống như một con cá nhỏ, khao khát được được quẫy mình giữa biển lớn bao la. Để rồi, khi đã gặp muôn vàn dòng nước lớn, tôi mới hiểu mình và học được những bài học để trưởng thành.

Người dự thi: Nguyễn Thị Ngân

Thay lõi đúng hạn, bảo vệ gia đình bạn

Nước sạch trọn đời, máy bền bỉ hơn

Lõi lọc thô (đến 12 tháng), Màng RO (từ 24-36 tháng), Lõi lọc chức năng (từ 12 tháng)

*Lưu ý: Các sản phẩm lõi lọc sau khi thay nên được xả đúng nơi quy định, thùng rác dành cho nhựa tái sinh.