CON TRAI, CON ĐÃ TRƯỞNG THÀNH RỒI!
“ Con trai, con đã thật sự trưởng thành rồi!”
CON TRAI, CON ĐÃ TRƯỞNG THÀNH RỒI!
“ Con trai, con đã thật sự trưởng thành rồi!” Đó là câu mà ba nói với tôi lúc tôi bước sang tuổi 30, cái tuổi mà nhiều người nghĩ: lẽ ra đã phải nghe câu nói ấy từ lâu rồi. Nhưng tôi chỉ lớn lên theo thời gian, cho đến khi nhận ra những giá trị quý giá của cuộc sống, biết cách mỉm cười với thực tại…tôi mới nhận ra rằng: trưởng thành khiến con người ta cảm thấy thật dễ chịu!
Tôi từng nghĩ mình đủ khôn lớn khi luôn hướng về mẹ ruột, bảo vệ vị trí của người mẹ đã mất trong lòng ba, bất chấp mọi sự nổ lực yêu thương từ dì. Dù đôi lúc tôi cũng thấy thấp thoáng bóng dáng của mẹ trong hình ảnh của dì. Lần tôi hất đổ bát canh dì nấu, cái cách dì ngăn ba đánh tôi sao mà giống mẹ quá! Lần tôi trốn học đi tắm sông, dì đánh rồi đứng khóc trong góc nhà. Lần dì thảng thốt bất lực khi nghe tôi quát: con không được sinh ra từ bụng của dì nên mãi mãi dì sẽ không bao giờ là mẹ của con… Tôi đã nghĩ mình đủ trưởng thành khi biết vạch rõ ranh giới giữa yêu và ghét.
Khi tôi có con, tôi luôn dành cho con những yêu thương nhiều nhất có thể. Lúc không dạy con được, tôi nổi nóng đánh con thật đau rồi cố kìm lòng không rơi nước mắt. Lúc con ngang bướng, tôi nhói dạ xót xa… Giống như những thước phim quay chậm, tôi thấy lại hình ảnh của chính mình và dì ngày trước. “ Dì con không thể có con!”, tôi chợt nhớ ra điều mà ba từng nói. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không sao hình dung được dì đã đối mặt với sự mất mát ấy bằng cách nào. Tôi bắt đầu tin rằng: có thứ tình yêu không xuất phát từ ruột rà máu mủ. Dì không thể sinh tôi ra từ trong bụng, nhưng có thể sinh tôi ra từ trong trái tim của dì. Tôi phát hiện mình chưa từng trưởng thành như trước nay tôi vẫn nghĩ.
Ngày giỗ của mẹ, tôi về quê trước mấy ngày. Tôi đứng lặng ngoài cổng nhìn ba nằm võng bên mái hiên nhà. Dì thỉnh thoảng lại đưa chiếc quạt mo cau phe phẩy quạt cho ba. Tôi nghe tiếng dì bâng quơ: “Không biết thằng Linh có về nhà sớm được ngày nào không, hay lại về rồi đi ngay như mọi năm? Chắc nó còn giận….” Ba khúc khắc ho. Dì quày quả đi vào nhà, hình như là lấy thuốc cho ba. Giọt nước mắt rơi trên má tôi từ lúc nào cũng không rõ. Không có dì, có lẽ giờ này ba đang vò võ, cô đơn trong chính căn nhà của mình trong khi tôi vẫn đang mải mê theo đuổi sự nghiệp, mải mê chăm lo cho gia đình nhỏ của tôi. Bữa cơm cúng mẹ tôi, dì nấu rất tươm tất. Chưa khi nào tôi có dịp quan sát dì, hay nói đúng hơn là tôi luôn bỏ qua những dịp như vậy. Tôi cũng không lý giải được tại sao mình lại ghét dì đến thế. Cứ như là sợ mọi người cười vì mình có một gia đình chẳng giống ai. Hay bởi tôi đã ghim quá sâu vào lòng câu “ Mấy đời bánh đúc có xương - Mấy đời đời mẹ ghẻ mà thương con chồng” cũng không rõ nữa. Chỉ đến khi lòng tĩnh lại, tôi mới có cái nhìn khác về dì. Lần đầu tiên tôi ôm dì nói lời xin lỗi và cảm ơn sau đằng đẵng thời gian. Dì khóc. Ba cũng khóc. Bức tường vô hình phút chốc tan biến. Bàn tay gân guốc, xám xịt của ba nắm chặt lấy tay tôi: “ Con trai, con đã thật sự trưởng thành rồi!”
Vậy đấy, 30 tuổi tôi mới hiểu thế nào là yêu thương, mới biết nghĩ cho những người đã yêu thương mình, mới được ba tôi cấp cho cái “bằng cấp trưởng thành”. Thật ra thì sự trưởng thành của con người vốn dĩ không phụ thuộc vào tuổi tác. Tôi cố chấp luôn nghĩ mình đúng nên lần lượt mất đi cơ hội trưởng thành của chính mình. Con người ta khi trưởng thành sẽ kiểm soát được bản thân, đón nhận mọi điều bằng cái nhìn đa chiều, biết soi tấm gương phản chiếu cuộc sống từ nhiều góc độ khác nhau để đánh giá sự việc. Và vì vậy, tâm thái người trưởng thành trở nên ổn định, lời nói cũng không làm tổn thương người khác. Nó khác xa với cái cách mà tôi đã nói, đã đối xử với dì, với ba trong thời gian trước đây. Giá như ngày ấy tôi biết buông bỏ những gì cần buông và giữ lấy những gì nên quý trọng thì niềm hạnh phúc của mọi người và cả chính bản thân tôi sẽ trọn vẹn hơn rất nhiều. Bằng cái ôm siết và vỗ vai nhè nhẹ, tôi hiểu ba và dì vẫn luôn yêu tôi như ngày nào dù tôi đã nói, đã làm biết bao điều không phải. Có lẽ bởi hai con người đáng kính ấy đã trải qua nhiều va vấp, thương tổn, đủ trưởng thành để hiểu và khoan dung với lỗi lầm của người khác. Giống như cách mà “biển biết thu nạp trăm sông để thành ra to lớn” vậy. Nếu như ngày trước tôi luôn tự hào mình là người trưởng thành, thì bây giờ tôi nghĩ mình vẫn đang học cách để trưởng thành, học cách để trở thành một điểm tựa an yên cho ba, cho dì, cho gia đình nhỏ của tôi, cho những người xung quanh và cho cả chính bản thân mình nữa. Chỉ khi nhận ra mình chưa trưởng thành mới có thể đi tiếp trên con đường trưởng thành của chính mình. Và tôi vẫn đang bước đi trên con đường ấy!...
Người dự thi: Nguyễn Đình Linh