Có người hỏi tôi trưởng thành là khi nào?

05/07/2018

Chia sẻ bài viết:

Có người hỏi tôi trưởng thành là khi nào?

Tôi xin kể câu chuyện từ mẹ và bài học tôi học được.

Người miền trung có câu:

Gió lào thổi rạt bờ tre
Chỉ Qua tiếng nói mà nghe nhọc nhằn.

Nhà tôi ở miền trung. Nơi chó ăn đá gà ăn sỏi Từ nhỏ tôi thường hay theo mẹ dậy từ sáng tinh mơ, lục đục phụ mẹ chuẩn bị gánh hành rong buổi sáng rồi nhìn mẹ tất tả chạy đi cho kịp phiên chợ sớm. Hồi đó là khi ba tôi bị ung thư vừa mất. Tôi lên 10 tuổi, cái kí ức rõ mồn một ấy vẫn hằn trong tâm trí lúc khóc đưa tiễn ba tôi, những giọt nước mắt của sự ngây thơ ở độ tuổi chưa biết gì, nào có cảm nhận được sự mất mát, sự đau đớn, sự xót xa mà cơn giông tố cuộc đời đẩy ập lên đôi vai của mẹ. Ba mất, mẹ tôi một tay gà mái nuôi năm đứa con độ mới lớn, Chị đầu tôi học lớp 11, anh tôi lớp 9 đành bỏ học mưu sinh, tôi lớp 6, e trai lớp 4 và bé út thì mẫu giáo, gia đình tôi phải sống trong ngôi nhà với sự giúp đỡ của hàng xóm, của cha giúp xứ ở nhà thờ.

Ở cái vùng miền trung thiên tai hằng năm, tôi vẫn nhớ những ngày giông tố, mấy bao đất chồng trên nóc không đủ nặng để giữ những lá tôn, đành nhìn cơn gió xé giật mái nhà tan tác, mấy mẹ con phải ngồi co ro, mẹ dang tay ôm chúng tôi vào lòng, ngoài kia là những ngôi nhà với ánh đèn chắc chắn, còn ở đây, nhìn những cơn gió gào thét, hú rít qua mái hiên trong lo sợ, tôi mới thấm thía cái câu “ con không cha như nhà không nóc”. Kể từ ngày đó mẹ tôi phải bôn ba đầu tắp mặt tối, sáng tinh mơ đi gánh thức ăn thừa , tranh thủ nhặt vài bó khoai lang, vằm cho mấy con heo kịp giờ ăn, vì là nguồn sống của gia đình, rồi lại loay hoay đi chợ tranh thủ mua đậu, bí, mít, ngô.. mỗi thứ vài kí, bất kì loại nông sản gì của người ta, bán lại để kiếm mấy đồng, buổi trưa thì lại xách xe đạp lao đi trên những con đường tìm kiếm công việc để làm, để mưu sinh và nuôi sống những đứa con .

Những ngày hè, giữa cái nắng gắt của miền trung 40 độ, mẹ tôi vẫn in bóng trên vệt dài của con đường loang lỗ, những ngày mưa trong cái rét cắt thịt mẹ tôi vẫn lủi thủi đi đi, đau đớn, tủi nhục mẹ nuốt vào trong chỉ mong anh em tôi được nên người. Họ bảo mẹ tôi ngày xưa đẹp gái nhất làng. Vì vâng lời ông nên theo ba tôi đi làm dâu. Họ bảo ngày xưa mẹ hát hay, múa giỏi, văn nghệ trong ngoài đều có tiếng. Họ bảo ở độ tuổi của mẹ chưa bao giờ mẹ được sống trong bình an và hạnh phúc. Họ bảo mẹ thật kiên cường khi không đổ gục trước giông bão của cuộc đời. Họ bảo khó khăn là thế nhưng trách nhiệm của mẹ đối với mọi người, gia đình, xã hội, luôn chu toàn cách tốt nhất. Mẹ rất có hiếu, và luôn luôn nghĩ về nguồn cội. Cuộc đời đâu có êm đềm khi mà mẹ tôi một mình với năm đứa con, mẹ phải nhẫn nhục trước sự chửi bới của người ta, của sự khắc nghiệt và đen tối của những tháng năm đó, không chỉ mồ hôi mà máu của mẹ tôi cũng nhiều lần lăn dài trên sống mũi. Thế nhưng mẹ tôi chưa bao giờ gục ngã.

Khi tôi lớn hơn, đi học được bằng trợ cấp từ nhà thờ, lên sinh viên tôi cố gắng vừa đi học, vừa kiếm tiền để nộp học phí, đôi lúc ăn cơm với muối để đi học, đôi lúc nghỉ học vì xa, vì đói ,nên không đi nổi. Tôi lăn lê từ cà phê, bi da, quán nhậu, để học cách làm việc. Những lúc mệt mỏi tôi lại học mẹ tôi nuốt nước mắt và tủi nhục vào trong học cách làm một người đàn ông trưởng thành để có thể giúp gia đình, tôi được dạy từ người phụ nữ mang trong mình vừa là trọng trách của cha, vừa là trọng trách của mẹ đang dạy con cách để trưởng thành. Xã hội đối xử bất công với tôi thế nào mẹ tôi dạy tôi phải học cách đối xử ngược lại với xã hội như vậy. Bà luôn dặn anh em tôi, đói cho sạch rách cho thơm.

Thời gian trôi qua, tôi năm nay đã 25 tuổi. Có một công việc cũng tạm ổn. Nhưng đôi lúc bản thân chịu sự va đập của cuộc sống, những khó khăn, tình huống trớ trêu phải đối mặt, lựa chọn giữa sự mất mát và chấp nhận, từ những câu chuyện của mẹ,tôi biết rằng trưởng thành để đối mặt với mọi chuyện đâu dễ, đó là sự trưởng thành về một độ tuổi nhất định, trưởng thành cả về tâm lý, trưởng thành về sự thấu hiếu đối với xã hội, là khi phải đứng trước sóng gió của cuộc đời vẫn kiên cường, là khi bạn đối diện với vấn đề không còn phải chần chừ hay phân vân mà bình tâm phân tích sự việc, tìm cách giải quyết nó và quan trọng là hãy làm,hãy hành động như mẹ tôi đã làm và tin tưởng chứ đừng lo sợ.

Để trưởng thành cũng phải biết giữa nên và không nên, học được cách nhẫn nhục trước người khác, trước công việc, không phải là khom lưng cúi đầu, nhưng đôi khi con người ta phải học cách hi sinh , vì biết rằng mình còn những giá trị riêng cần che chở và bao bọc như gia đình. Và có một câu nói thế này “ Đàn ông luôn là kẻ viễn thị với con mắt chỉ nhìn được xa. Vươn cao đến những vùng hấp dẫn. Chỉ đến khi xảy ra biến cố, mới nhận ra thứ quý giá thật sự đang ở bên cạnh mình.! “ Dần dần tôi nhận ra con người ta khi lớn, họ thường mong hướng đến những giá trị thật to lớn mà quên mất những giá trị thật ở bên mình nên phải dùng những hành động cử chỉ nhỏ nhất để nhìn nhận ra những điều giá trị xung quanh, như mẹ tôi dù có vất vả cực nhọc bao nhiêu vẫn giành thời gian quan tâm chăm sóc cho xóm giềng, nếu chẵng may họ có việc không hay.

1(7)

Mẹ tôi cũng bảo rằng mọi việc đều có giá của nó. Trưởng thành cũng có cái giá của nó. Con người ai cũng thay đổi, sự việc bản thân nó cũng luôn thay đổi, nếu như không thể thay đổi được việc gì, cũng đừng dằn vặt, trách móc, vạn sự tuỳ duyên cứ để yên và tìm hướng đi khác đó là lúc con đã trưởng thành. Lúc ngồi viết câu chuyện này nước mắt của tôi cũng đã rơi, và tôi biết rằng khi trưởng thành cũng là lúc người ta không dễ dàng trải bày cảm xúc với người khác, bạn sẽ nhận ra rằng chẳng mấy người thật sự quan tâm bạn nghĩ gì và tự bản thân lúc này cũng không muốn để ai có thể nhìn thấy tâm trạng cảm xúc chính mình nữa.

Vậy nên trưởng thành cũng là lúc con người ta phải yêu thương bản thân mình sau những năm tháng nồng nhiệt dành tình cảm công việc,cuộc sống. Đến lúc này bạn sẽ tìm ra những giá trị sống và phải sống thật nhất, Đó là khi bạn không còn sống theo lời người khác, bạn nhận ra phải sống cho chính mình, chăm chút bản thân và sống theo trách nhiệm của mình, yêu thương giúp đỡ người khác một cách thực tế, lí trí và đúng nhất. Theo tôi đó là lúc bạn trưởng thành.

Người dự thi: Võ Đăng Bảo

Thay lõi đúng hạn, bảo vệ gia đình bạn

Nước sạch trọn đời, máy bền bỉ hơn

Lõi lọc thô (đến 12 tháng), Màng RO (từ 24-36 tháng), Lõi lọc chức năng (từ 12 tháng)

*Lưu ý: Các sản phẩm lõi lọc sau khi thay nên được xả đúng nơi quy định, thùng rác dành cho nhựa tái sinh.