Chồng tôi đã trưởng thành

21/06/2018

Chia sẻ bài viết:

Sau khi kết hôn, những tưởng cuộc sống hạnh phúc đang chờ đợi phía trước nhưng không ngờ đó lại là chuỗi ngày sống trong mệt mỏi và lo âu.

Chồng tôi đã trưởng thành

Sau khi kết hôn, những tưởng cuộc sống hạnh phúc đang chờ đợi phía trước nhưng không ngờ đó lại là chuỗi ngày sống trong mệt mỏi và lo âu.

Khi chưa có con, tôi chăm chồng không khác gì chăm một đứa trẻ. Ở nhà, ngoài việc nằm chơi game hoặc xem phim trên máy tính và ăn ra, anh chẳng bao giờ mó tay vào một việc nào.

Nhưng đến khi mang bầu, tôi vô cùng mệt mỏi. Tôi bị nghén nặng, người gầy và xanh xao. Khi đó anh ríu rít hỏi han tôi thích ăn gì để anh mua. Khi ấy tôi rất cảm động và nhận thấy sự thay đổi từng ngày của chồng.

Tất cả những lần tôi đi khám thai, anh đều đưa đi, ngồi bên cạnh, mắt nhìn lên màn hình siêu âm, chăm chú nghe từng lời của bác sĩ. Anh nâng niu cẩn thận những tấm ảnh chụp em bé trong bụng. Khi tôi bắt đầu cần quần áo rộng hơn, kể cả đồ lót, cũng là chồng đưa đi. Tôi luôn nghĩ việc một người đàn ông đứng chờ vợ một cách thoải mái trong một cửa hàng đồ lót phụ nữ là một hành động dũng cảm. Khi tôi đi mua váy bầu thì chồng đứng xem và cho ý kiến, nếu tôi ngần ngừ tiếc tiền không dám mua thì anh khuyến khích: “cứ mạnh dạn mà đầu tư đi”.

Trong suốt cả quá trình mang bầu, tôi luôn có chồng bên cạnh, cùng tôi đón chờ sự ra đời của con. Khi tôi trở dạ, anh không rời nửa bước. Sau này tôi hỏi lúc đấy cảm xúc của anh thế nào, thì chồng bảo: “thấy em đau quá chảy nước mắt anh thương lắm, chỉ mong đẻ ra nhanh để cho đỡ đau.”

Sinh xong rồi, cả nhà chuyển sang phòng hậu sản, chỉ có một cái giường đơn bé và một cái ghế. Tôi bảo chồng về nhà mà nghỉ ngơi, nhưng sợ tôi ở lại một mình còn đau không xoay sở được với con, anh khăng khăng là mình sẽ ngủ ngồi trên ghế (mặc dù trước đó cũng thức trắng đêm cùng tôi). Tôi lăn ra ngủ vì quá mệt. Con cứ ọ ẹ là bố bật dậy như lò xo, ra sức vỗ về.

Anh tham gia vào tất cả các khâu chăm sóc con, chỉ duy nhất việc cho con bú là không làm được. Con cần ăn thêm sữa bột và mẹ cần hút sữa liên tục, thì bố cũng rửa bình, luộc bình, cho con ti bình.

Cho đến bây giờ, anh vẫn làm tất cả việc nhà, từ đi chợ, nấu cơm, giặt quần áo, rửa bát. Đưa con đi tiêm, anh luôn giành bế con để ôm cho chặt. Đi mua quần áo cho con, anh cũng xông xáo chọn chọn nhặt nhặt. Chồng nấu những món cầu kì hơn bình thường để tôi có nhiều sữa. Đêm tôi dậy cho con bú, cần uống nước hay cần lấy gì, gọi một cái là chồng bật dậy, lật đật đi lấy, rồi trước khi nằm xuống ngủ tiếp còn bảo “Cần hỗ trợ gì thì cứ bảo anh nhé”.

Tôi hỏi anh cảm thấy thế nào khi có con. Chồng bảo chứng kiến từng bước phát triển của con, từng thay đổi nho nhỏ, mỗi ngày lại thấy con khác hơn một tí, vui lắm. Từ một em bé nhỏ xíu chỉ biết khóc, cho đến một ngày mở mắt ra buổi sáng, thấy bố nằm cạnh, cười một cái rồi nhắm mắt yên tâm ngủ tiếp, làm bố xúc động lắm, cảm thấy mình là thành lũy vững chắc canh giấc ngủ cho con.

Thời gian ở bên con thật ra không nhiều. Hai tuổi là con bắt đầu đi học, sẽ ở trường nhiều hơn ở nhà. Năm đầu đời thì kì diệu, có bao nhiêu biến đổi xảy ra. Tôi luôn nghĩ mình có thể nói chuyện nhiều với con là vì có chồng cũng lắng nghe, chứ một mình cả ngày độc thoại với một em bé thì dù có quyết tâm mấy cũng khó làm được. Có người để rối rít gọi vào những “lần đầu tiên”, khi con nở nụ cười đầu tiên, khi con ngủ được 5 tiếng liên tục đầu tiên, khi con tự mút tay để lăn ra ngủ đầu tiên, khi con lật người lần đầu tiên, khiến những chuỗi ngày quanh quẩn trong nhà chăm con trở nên dễ chịu hơn nhiều.

Các em bé thường đến tầm 7, 8 tháng tuổi mới biết mình là một cơ thể tách ra khỏi mẹ. Riêng con thì nghĩ cả ba người chúng tôi là một. Những lúc bố đi vắng, con bồn chồn và không chịu để mẹ rời nửa bước. Nhưng quan trọng hơn, con sẽ lớn lên và không bị kìm kẹp bởi những khuôn mẫu về giới. Con sẽ thấy bố nấu ăn, và nhiều món còn ngon hơn mẹ. Con sẽ luôn được bố cưng nựng, và thấy một người đàn ông cũng có thể chăm sóc em bé.

Có lần tôi đi nghe buổi nói chuyện, chia sẻ từ những cậu con trai. Lặp đi lặp lại trong những câu chuyện là nỗi dằn vặt về khoảng cách không thể nào lấp đầy giữa bố và con, giữa bố và những người còn lại trong gia đình. Tôi thấy những định kiến giới khiến đàn ông thật khổ, không được phép rồi quên mất cách thể hiện cảm xúc của mình, kể cả tình yêu với con. Con sẽ không bao giờ cảm thấy bố thật xa lạ, bố chỉ biết đi làm kiếm tiền, hay bố là người có quyền lực tối thượng trong gia đình. Con sẽ nhiều lần thấy bố là người đàn ông duy nhất ở những nơi có nhiều trẻ con, vì các bạn khác chỉ được mẹ đưa đến.

Lớn hơn nữa, con sẽ được chứng kiến bố mẹ cùng bàn bạc khi đưa ra những quyết định liên quan đến gia đình, nhưng hoàn toàn tôn trọng nhau những quyết định cá nhân.

Con sẽ lớn lên và không tặc lưỡi thỏa hiệp với những người đàn ông không trân trọng mình. Con sẽ không cho rằng việc của đàn bà là bếp núc, chăm con, việc của đàn ông là kiếm tiền, quảng giao xã hội. Con sẽ không bao giờ được mẹ dạy (như bà ngoại vẫn dạy mẹ): “một điều nhịn là chín điều lành”. Nếu sau này con lấy chồng, ít nhất con đã có hình dung về một người chồng tốt là như thế nào, và sẽ không lấy một người yêu mình ít hơn bố đã yêu mẹ.

Ở khía cạnh này, con là một em bé may mắn vô cùng, khi có một ông bố thực sự trưởng thành.

giadinh

Người dự thi: Lê Hải Nhung

Thay lõi đúng hạn, bảo vệ gia đình bạn

Nước sạch trọn đời, máy bền bỉ hơn

Lõi lọc thô (đến 12 tháng), Màng RO (từ 24-36 tháng), Lõi lọc chức năng (từ 12 tháng)

*Lưu ý: Các sản phẩm lõi lọc sau khi thay nên được xả đúng nơi quy định, thùng rác dành cho nhựa tái sinh.