Bước ra khỏi vùng an toàn
Bước ra khỏi vùng an toàn
BƯỚC RA KHỎI VÙNG AN TOÀN
Tôi từng là một người rất sợ độ cao. Chỉ cần đứng trên ban công tầng hai của một tòa nhà, tôi đã cảm giác như mình sắp sửa rơi bịch xuống đất. Vì thế, tôi nói không với tất cả các trò chơi trượt ống trong công viên nước, bởi nếu muốn tham gia trò này, tôi phải leo lên một cầu thang ngoằn ngoèo cao đến cả chục mét. Tôi nói không với cả những cây cầu vượt thỉnh thoảng bắt gặp ở Sài Gòn. Bước lên một cây cầu vắt ngang con sông không hề có tay vịn lại càng là điều đáng sợ mà tôi không dám nghĩ tới. Nhưng tôi đã làm được.
Là vào một dịp tôi về Long An, về quê ngoại của một đứa bạn. Giữa trời trưa, nắng đổ gắt gao xuống con đường đất đỏ, bốn năm đứa chúng tôi rủ nhau dạo quanh một vòng khu xóm. Chúng tôi dừng lại ở một cánh đồng lau rất đẹp. Trắng muốt, có xen màu xanh của cành lá, nhè nhẹ lả lướt. Cạnh đó có một cây cầu. Sừng sững và khác lạ. Nó không như những cây cầu tôi hay thấy ở Sài Gòn, với đủ bóng đèn trang trí, thiết kế bắt mắt. Nó không có tay vịn, chỉ đơn thuần là một khối xi măng hình hộp chữ nhật khổng lồ kéo dài từ đầu sông bên này đến đầu sông bên kia. Nó làm tôi rợn người.
Một đứa chợt reo lên như thể vừa tìm thấy một điều gì hay ho:" Lên kia chụp hình đi!". Nó chỉ tay lên cây cầu phía trên cao kia. Tôi rùng mình. Cả bọn hào hứng đồng tình, nhanh nhảu bước lên cầu thang để lên cầu. Tôi đứng lại, chắc vẻ mặt hoảng sợ lúc ấy của tôi khó coi lắm. Bọn nó quá liều lĩnh. Tôi không thể nào.
Nhưng biết làm gì bây giờ, nếu không nhập hội? Biết làm gì bây giờ, liệu tôi có thể một lần thử điều chưa từng thử không? Liệu rằng cả đời tôi cũng không thể sao? Hay tôi muốn bứt phá? Điều gì đó thôi thúc tôi mạnh mẽ, đột nhiên tôi muốn làm việc liều lĩnh này.
Tim đập thình thịch, chân hơi run rẩy, tôi nắm chặt lấy tay của một đứa bạn, dùng hết cả sự gan góc và lì lợm từ thuở bé đến bây giờ, chỉ để biết được cảm giác đứng trên một cây cầu đồ sộ. Tôi cảm nhận được từng cơn gió đang ồ ập "tấn công" mình. Tôi thực sự sợ. Tôi tưởng rằng mình có thể bị xô ngã bởi những cơn gió thô bạo ấy bất cứ lúc nào.
Nhưng ở ngay cái khoảnh khắc tôi đặt đôi chân của mình vững chãi trên cây cầu, tôi nhận ra sự liều lĩnh của tôi là rất thỏa đáng. Tôi sững người, không tin vào khung cảnh quá đỗi đẹp đẽ đang ở ngay trước mắt mình. Rõ ràng đó cũng chỉ là con đường quê khi nãy chúng tôi đi qua, là con sông vừa mới ngắm nhìn, nhưng mọi thứ, ở trên đây, ngay lúc này, thật khác. Giống như là một thế giới mới. Một thế giới quan chỉ có thể cảm nhận và hiểu sâu sắc nếu như không ngại đặt mình vào vị trí ấy.
Đến tận bây giờ, tôi vẫn không hiểu vì sao, ngày hôm ấy, tôi lại cả gan làm liều như thế. Có thể đối với người khác, đặt chân lên một cây cầu, nếu gọi là thử thách thì quả là buồn cười và trẻ con. Nhưng đối với tôi, nó là một bước chuyển mình.
Về sau này, mỗi khi đứng trước một cơ hội mới mẻ, tôi luôn nhớ về ngày hôm ấy. Tôi cố gắng đón nhận và dành tâm lực nhiều nhất có thể cho nó, thay vì từ chối và chấp nhận an phận. Tôi nói "tôi sẽ làm" nhiều hơn nói " tôi không thể". Tôi nhận ra, an phận là một điều tồi tệ. Ý nghĩ về một cuộc sống quẩn quanh những thứ quen thuộc và dễ dàng khiến tôi thấy thoải mái. Nhưng tôi nhận ra, cảm giác thoải mái có thể giết chết khả năng của tôi. Tôi sẽ chẳng bao giờ khám phá được giới hạn thực sự của bản thân mình.
Tôi từng là một con người mang trong mình quá nhiều nỗi sợ hãi.
Tôi sợ tham gia vào các hoạt động tập thể. Tôi sợ khi tham gia vào một cuộc thi có tầm cỡ. Nhưng tôi buộc mình phải tham gia. Tôi đăng ký phỏng vấn vào câu lạc bộ Báo chí ở trường. Tôi thử sức mình ở nhiều sân chơi viết lách trong quá trình học. Tôi làm được điều tôi chưa từng làm, và đã đạt được những điều tôi chưa từng tưởng tượng. Chính vì tham gia câu lạc bộ, tôi tham gia được nhiều buổi workshop nghề Báo, và những cuộc gặp gỡ đưa đẩy tôi đến công việc cộng tác viên cho một tờ báo tuổi teen như hiện tại, ngay khi còn là một học sinh cấp Ba. Chính vì ép mình phải viết thật nhiều để luyện tập, tôi đã có được vài giải thưởng nho nhỏ trong bộ môn Ngữ Văn.
Điều tôi muốn nói, là bạn phải đặt mình vào những tình cảnh bắt buộc. Không làm thì không được. Nếu không leo lên cây cầu, bạn sẽ không có ai để chơi cùng. Nếu không tham gia câu lạc bộ, bạn sẽ không thể mở rộng mối quan hệ, không có một tờ giấy chứng nhận kèm vào học bạ. Nếu không cọ xát trong các cuộc thi, quãng đời học sinh sẽ kết thúc mà bạn không có được trải nghiệm quá trình vắt kiệt sức, hồi hộp, vượt qua một cuộc thi.
Đừng lãng phí tuổi trẻ. Đừng từ chối lời đề nghị thử làm một công việc mới. Đừng để mọi thứ vụt qua ngay trước mắt bạn, ngay trong tầm với của bạn. Đừng nghĩ rằng bạn không có khả năng. Đừng tự an phận. Hãy bứt phá. Hãy tự có lấy cho mình những trải nghiệm.
Hãy bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình.
Người dự thi: Trần Lê Phúc Hà