BAO GIỜ TA TRƯỞNG THÀNH?

09/07/2018

Chia sẻ bài viết:

BAO GIỜ TA TRƯỞNG THÀNH?

Ngày tôi khai giảng lớp một, mẹ chở tôi trên chiếc xe đạp lạch cạch lạch cà. Hai tay tôi cố với, ôm lấy hông mẹ, dáng mẹ che cả tầm nhìn. Đoạn lên dốc cầu, cái cong lưng của mẹ làm tôi nghĩ lưng mẹ cong bao nhiêu thì cái cầu cũng cong bấy nhiêu. Tháng chín, cái nóng vẫn còn phản phất mùa hè dù đã chuyển sang thu. Lúc mẹ gác chân chống, chiếc xe nghiêng lom khom như bà già, xiêu vẹo. Tôi ngước thấy mồ hôi rơi trên áo mẹ, lem nhem. Mẹ dắt tôi giữa dòng người cao thấp. Khi ấy, tôi thích nắm chặt ngón út của mẹ để không lạc, và cũng để thấy mình còn nhỏ đến dường nào. Mẹ cúi xuống, vén tóc tôi, bảo: “Con lớn rồi, đi học ngoan, làm gương cho em nhé! Mẹ về, nhớ nghe lời cô.” Dù bịn rịn trong lòng, nhưng được lấy làm gương cho nhỏ em, tôi thích lắm, bèn “Dạ!”. Rồi mẹ vội vàng quay đi. Tôi muốn bước theo ngón tay út thân thuộc ấy. Nhưng hứa rồi, muốn khóc òa lên, vẫn phải nén lại. Tôi đoán, lúc đó mặt tôi hẳn phải méo xẹo, mêu mếu chứ không hớn hở như khi vừa ra khỏi nhà. Từ khoảnh khắc ấy, tôi thấy mình đã lớn và phải lớn. Đi đâu, tôi cũng quan sát người lớn làm gì, như thế nào mà bắt chước theo.

Vào cuối những năm 1990, nhà tôi còn dùng bếp củi. Từ khi vào tiểu học, tôi bắt đầu phụ mẹ nhặt những nhành trứng cá khô, phơi từng miếng vỏ dừa, đun củi vào lò nấu nước uống mỗi ngày. Khói vấy đen một mảng bếp, có khi thổi lửa không khéo, chúng xòa vào mắt, vào mũi, cay xé. Thế nên, tôi không thích công việc ấy chút nào. Tôi thích vọc nước hơn. Tôi thích cho tay vào lu nước trước hiên nhà. Cục phèn chua có sức mạnh lạ kỳ. Nước sông chảy qua đường ống vào lu có màu ngà ngà đục đục. Vậy mà chỉ cần dùng tay cầm cục phèn khuấy năm ba phút, nước lại trong veo, ngọt lành, chớ không lơ lớ nữa. Nước đó được dùng để nấu uống.

Có lần, tôi nghịch. Tôi thấy tô nước cơm mẹ chắt đã nguội để trơ trọi trong bếp. Tôi lẻn lấy cục phèn cho vào, lắc nhẹ cái tô rồi đứng chờ cho nước trong lại, khoái chí hình dung mình sẽ như một nhà khoa học nhí. Nhưng kết cục là tôi phải lén đổ cả tô đi. Vì nước vẫn màu trắng đục. Khi đưa lưỡi nếm thử, tôi thấy vị ọe kinh khủng. Hóa ra, cục phèn không thần kỳ như tôi nghĩ. Tôi đoán ai cũng có một tuổi thơ ngớ ngẩn như thế trước khi trưởng thành. Chắc vậy.

Bước chân vào đại học, một mình ngơ ngác trên chốn Sài Gòn phồn thịnh, tôi thèm được bé lại, được mẹ dìu dắt. Ở phố thị, người người lướt qua nhau. Quá đông để có thể bất chợt gặp ai đó quen biết, nếu có. Tôi ở nhờ nhà một người cô họ xa lắc xa lơ, chưa một lần biết mặt. Lần đầu được dắt vào trung tâm thương mại, mắt tôi ắt phải trông lấp lánh ngạc nhiên lắm. Người ta bật đèn điện sáng như ban ngày. Khác hẳn với ở nhà, chúng tôi phải tiết kiệm từng ký điện. Tôi sẽ bị mẹ nhắc ngay, nếu ra khỏi bếp mà quên tắt đèn.

Tôi gọi về, kể với mẹ rằng màn hình chiếu phim ở đây to hơn chục lần cái bên nhà cô Bảy, người ta xây trung tâm cao ngất, cao hơn cả cơ sở kinh doanh thuốc trừ sâu của chú Lâm nổ nứt vách,…Lần nào trước khi cúp máy, mẹ cũng căn dặn nhớ giữ gìn sức khỏe nghen con. “Con lớn rồi, con biết”, tôi đáp. Nhưng thật sự, tôi chỉ mong mẹ hiểu được là tôi vẫn còn nhỏ bé lắm so với cái thế giới lúc ấy. Tôi thèm được nằm xoa xoa bụng mẹ, nhổ những sợi tóc sâu khó ưa. Tôi lại kể cho mẹ nghe về nhỏ Hương cận vụng về, thằng Bảo hay mách lẻo với cô chủ nhiệm hay những chuyện tôi gặp mỗi đoạn tan tầm về nhà. Tôi chỉ muốn ở mãi bên cạnh mẹ, chỉ vậy thôi.

Cai-lu-cu

Nhưng ai rồi cũng phải lớn, đặc biệt là một đứa con cả như tôi càng phải lớn nhanh hơn. Điều này chẳng dễ dàng chút nào. Mất hai năm đầu tôi mới dần thích nghi với cuộc sống ở trường đại học, tham gia vào những hoạt động khác nhau, đi làm thêm nhưng vẫn về nhà mỗi khi có thể. Bây giờ, tôi không sống chung với gia đình nữa. Vì vậy, càng trân trọng hơn mỗi phút giây trở về nhà bên những người thân thương. Nhà tôi thuộc diện quy hoạch, được đền bù một căn trong khu đô thị mới. Chiếc xe đạp ngày nào, mẹ đã cho đứa em họ để nó đi học. Mấy tháng lương đầu, tôi dành dụm sắm bếp ga trong nhà. Cuộc sống tân tiến hơn, người ta cho đường nước máy vào tận từng hộ. Thấy mẹ vất vả mỗi ngày, năm ngoái, tôi trang bị luôn máy lọc nước thay cho bình đun siêu tốc. Tất nhiên, để đảm bảo an toàn cháy nổ của khu, chúng tôi không dùng bếp củi nữa. Nhắc đến đây, tôi lại nhớ đến trò nghịch dại thưở nào. Buồn cười.

Tuần trước, tôi về nhà. Lúc đi, mẹ lại dặn đừng bật quạt gió suốt cả đêm, chớ tắm khuya nữa, rồi gói cẩn thận mấy quả cam để trong giỏ, dặn tôi vắt uống mỗi trưa để giải cảm. Tôi lại suýt mít ướt nhưng nén lại: “Con lớn rồi. Mẹ đừng lo quá. Con tự lo được mà.” Mẹ lại bảo: “Con lớn với ai, chứ với mẹ, con luôn là một đứa trẻ.”. Mẹ xoa đầu tôi, cười hiển. Tôi nhớ lúc tôi bước lên xe trở lại Sài Gòn, loáng thoáng tôi nghe tiếng mẹ nói vọng vào trong nhà: “Như, tranh thủ đi tắm rồi ăn cơm. Lớn rồi, tự giác đi chứ.” Tôi thoáng cười, mơ hồ về khái niệm “Trưởng thành”. Với tôi, bây giờ, trưởng thành chỉ là một định nghĩa về cảm giác, không thể trả lời cho câu hỏi với ai, khi nào và như thế nào.

Người dự thi: Lê Thị Thanh Thúy

Thay lõi đúng hạn, bảo vệ gia đình bạn

Nước sạch trọn đời, máy bền bỉ hơn

Lõi lọc thô (đến 12 tháng), Màng RO (từ 24-36 tháng), Lõi lọc chức năng (từ 12 tháng)

*Lưu ý: Các sản phẩm lõi lọc sau khi thay nên được xả đúng nơi quy định, thùng rác dành cho nhựa tái sinh.