Và rồi ai cũng sẽ lớn lên, cũng sẽ trưởng thành

20/06/2018

Chia sẻ bài viết:

Và rồi ai cũng sẽ lớn lên, cũng sẽ trưởng thành

Thời gian trôi quá nhanh và tôi cảm thấy mình không thể nào trưởng thành kịp với số tuổi tăng dần hằng năm. Tôi ngỡ vẫn là tôi, cô gái 20 tuổi, sống lạc điệu chắp vá trong hình hài và cuộc đời của một người phụ nữ 30. Tôi đã biết sợ những con đường gập ghềnh nhưng cái tôi vẫn còn quá lớn để giữ mình khỏi những mâu thuẫn không đáng có trong công việc. Tôi đã đánh vật đến mệt mỏi với nỗi cô đơn nhưng lại chưa đủ can đảm, tình yêu và sự bao dung để gắn bó với một người đàn ông bằng hôn thú. Tôi vẫn yêu bố mẹ tôi bằng tất cả thứ cảm xúc trẻ con ngày thơ bé, vẫn bật khóc nức nở khi nghĩ đến một ngày bỗng dưng không còn họ. Vậy mà những dịp nghỉ lễ, đáng lý ra phải về nhà thì tôi vẫn trung thành với chủ nghĩa xê dịch cá nhân, miệt mải rong ruổi trên những hành trình mà tôi gọi đó là đặc ân của tuổi trẻ. Tôi là đứa trẻ không bao giờ lớn, vẫn mãi luôn là bé 30 của mẹ. Bởi tôi sợ trách nhiệm và sự mất mát. Vì tôi đã từng là một người rất giàu có. Tôi có một gia đình đầy đủ bố mẹ và anh chị em quây quần.

Tôi có những bữa cơm không thiếu một ai, những chiều nắng đẹp cùng nhau đi chợ đầu mối, những tối rảnh rỗi ra hàng quán để bố mẹ nhậu bia, con nhậu mồi. Những điều đó bình dị giản đơn và lặp lại đến đơn điệu tới nỗi tôi chưa từng gán cho nó một cái tên. Tôi đã không biết đó chính là hạnh phúc cho mãi đến khi tôi sống xa nhà. Tôi đã có những ngày tháng vô âu vô lo. Hồi đó tôi hay cười, thậm chí đến những câu chuyện thêm cả tấn muối còn nhạt vẫn khiến tôi cười. Tôi sống đơn giản đến mức phải tập cho vờ như sâu sắc, tôi cố nghĩ đến chuyện đời chuyện người, cố nặn ra vài cảm tưởng có chiều sâu nhưng chỉ một câu hỏi hiện lên trong đầu “Sao cuộc sống của mình dễ dàng đến tẻ nhạt?”.

Tôi đã có rất nhiều bạn bè, đều là những người bạn thực sự, học hành, ăn chơi, đi đâu cũng có nhau. Chúng tôi chăm lo cho nhau như anh chị em trong nhà và hưởng ứng những cảm hứng bất chợt có phần điên cuồng của nhau một cách vô điều kiện. Chỉ cần một tin nhắn thì dù đó là 11h khuya hay trưa đứng bóng, chúng tôi vẫn phi xe đến gặp nhau. Ngày ấy chúng tôi không có khái niệm “đời tao” hay “đời mày”, tất cả phải là “đời chúng ta”. Chuyện ngã rẽ hay bước ngoặt cuộc đời chỉ có trong phim ảnh, còn chúng tôi chỉ có một con đường chung duy nhất. Niềm vô tư ấy lớn đến mức, đã không ai trong chúng tôi nghĩ được rằng mọi thứ đều có điểm kết thúc.

Và tôi cũng từng có một tình yêu thành thật được nuôi dưỡng bằng tất cả những cung bậc cảm xúc. Dù chưa một lần dám ngộ nhận đó là yêu, tôi vẫn bắt gặp mình cười như gàn dở khi viết tên người đó trên giấy, hay bói tình yêu online được 95%, hay nhịn quà sáng cả tuần trời mới đủ tiền mua tặng người đó cuốn truyện vừa ra. Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác điện giật lâng lâng khi được nắm tay lần đầu tiên, hay cái lạnh co ro mà quá đỗi ấm áp khi nấp sau lưng người đó trong cơn mưa mùa đông tầm tã. Tôi cũng nhớ mỗi khi tôi khóc chỉ vì quá thương quá yêu và quá hạnh phúc với người đó. Khi 20, tôi đã nghĩ, cuộc đời tôi chỉ cần thế thôi. Hạnh phúc với tôi khi đó, là một điều hiển nhiên. Vậy mà, càng lớn tôi càng nghèo. Những thứ tôi có từng chút một rơi rớt không sao cứu vãn được. Cát trôi qua tay cũng chỉ nhanh đến thế mà thôi. Tôi bắt đầu đi làm xa nhà, anh tôi lấy vợ rồi cũng ra riêng. Căn nhà thơ ấu ngày xưa giờ chỉ còn bố mẹ, rồi họ cũng phải nuôi thêm chó con để bớt trống trải. Kỷ niệm chỉ còn là một thứ hoang hoải, càng nhớ lại càng nhớ. Một bữa cơm đông đủ trở thành xa xỉ và đong đếm được bằng tiền. Đó là tiền vé máy bay, tiền taxi, tiền quà cáp mỗi khi trở về nhà.

Từ bao giờ đường về đã trở nên dài dẵng và đắt đỏ? Và cho dù có quây quần lần nữa, cảm giác cũng chẳng còn như xưa. Mọi thứ bỗng dưng vội vã. Mẹ vội vã nấu thật nhiều món ngon, bố vội vã hỏi thăm con về công việc, con vội vã ăn vội vã trả lời để còn kịp giờ ra sân bay về lại thành phố. Tôi không dám hỏi bố mẹ ở nhà có buồn có nhớ con không. Tôi sợ phải nghe câu trả lời lấp liếm vụng về để rồi khi trở về phòng riêng, khi cánh cửa sập lại, ai cũng lặng lẽ khóc. Là người lớn thì phải buồn đến thế sao? Và tôi bắt gặp mình không thể cười vô tư như ngày xưa. Giờ đến cả xem một bộ phim hài, tôi vẫn thấy mình loay hoay tìm ra những điểm lố bịch vô lý để chỉ trích hơn là cố gằn lấy một nụ cười vật lý. Ngày xưa, tôi cố học làm người sâu sắc. Bây giờ, tôi ước mình chỉ là một người nông cạn với đời sống tâm lý giản đơn. Rồi tôi dần nuôi cả lòng ích kỷ.

Tôi chỉ mong ước có một cuộc sống đơn giản, bình dị

Sau mỗi một ngày dài mệt nhoài chốn công sở, tôi rụt mình vào vỏ ốc để được trần trụi và cô lập chính bản thân. Ăn một mình, đi dạo một mình, lướt mạng xã hội một cách âm thầm và nhìn bạn bè lần lượt lập gia đình rồi sinh con 1, sinh con 2. Thời gian càng trôi đi, bức tường ngăn cách tôi và những người bạn cũ càng cao càng dày. Những lần hỏi thăm qua quýt nhạt dần rồi mất tín hiệu. Ai cũng bận với chuyện vợ chồng con cái, còn tôi bận bịu chăm sóc nỗi buồn và lòng kiêu hãnh của riêng tôi. Đâu vì mình không hỏi thăm mà chúng nó bớt sống tốt đi được, phải không? Và cứ như thế, tôi nghèo dần. Không gia đình, không bạn bè tôi vẫn sống tốt, thì tình yêu có là gì? Hơn nữa, tình yêu tiêu tốn quá nhiều tiền bạc, thời gian và năng lượng. Mà thời buổi bây giờ ai cũng yêu bản thân mình nhất, đâu cần phải đem lòng yêu nhau? Những buổi gặp gỡ hẹn họ rồi cũng chỉ xoay quanh công việc, quan điểm sống và định hướng gia đình có phù hợp nhau không.

Tôi không thích công việc của tôi đến thế, tôi không có quan điểm mục đích sống rõ ràng, tôi không có kế hoạch cho gia đình tương lai, tôi chỉ tìm kiếm những cảm xúc giữa hai người, những thứ không thuộc về thông tin thị trường chứng khoán, hay chiến lược marketing, hay dự án sát nhập triệu đô… thì có được yêu không? Tôi sợ những ánh mắt dò xét và đưa đãi, sợ những tiếng yêu vồ vập thành lời.

Khi tôi 30, tôi không viết tên một ai lên giấy. Tôi nỗ lực chống chọi từng ngày để mình không lớn lên và bất lực vì không cưỡng lại được sự mất mát. Phải chăng tôi đã sai khi gọi đó là sự mất mát? Có chăng tôi nên chấp nhận chuyện được mất chỉ mang tính tương đối và tất cả đều là một phần của đời người? Một đứa trẻ không muốn đánh mất tuổi thơ thì không nên suy nghĩ như người lớn, một người lớn muốn sống có trách nhiệm thì không thể hành động như trẻ con. Một cánh chim còn biết rời tổ khi trưởng thành, tại sao tôi lại sợ ra khơi mà cố buộc mình vào ký ức? Rồi một ngày, những kỷ niệm tươi đẹp thời thơ ấu không còn làm tôi đau khi nghĩ về. Đó là ngày tôi chung sống hoà thuận với nỗi cô đơn và san sẻ với gia đình, bạn bè mà không còn lặng lẽ gặm nhấm nó một mình.

Tôi không còn muốn khóc đằng sau cánh cửa, ai bảo yếu đuối chỉ là đặc quyền của con trẻ? Là ngày mà tôi không cố níu giữ tất cả những người bạn năm xưa, chỉ thực sự gắn kết với một vài người luôn quan trọng dù họ đã là ai và đang ở đâu. Là ngày tôi học cách phân loại các mối quan hệ và mỉm cười chấp nhận khi đó chưa phải là một tình yêu mà tôi có thể viết thành tên. Là ngày tôi mạnh mẽ ngay cả khi thất bại và kiêu hãnh không giấu giếm những đổ vỡ. Dù tôi có trốn tránh trách nhiệm, liệu sẽ có ai thay tôi sống cuộc đời của mình? Và đó là khi, tôi biết mình đã trưởng thành.

Người dự thi: Nguyễn Quang Minh Nguyệt

Thay lõi đúng hạn, bảo vệ gia đình bạn

Nước sạch trọn đời, máy bền bỉ hơn

Lõi lọc thô (đến 12 tháng), Màng RO (từ 24-36 tháng), Lõi lọc chức năng (từ 12 tháng)

*Lưu ý: Các sản phẩm lõi lọc sau khi thay nên được xả đúng nơi quy định, thùng rác dành cho nhựa tái sinh.