Trưởng thành trên chính đôi bàn tay, trên đôi chân của chính mình
Trưởng thành trên chính đôi chân của mìnhTrưởng thành trên chính đôi bàn tay, trên đôi chân của chính mình
“Trưởng thành trên chính đôi bàn tay, trên đôi chân của chính mình!”
Căn phòng của tôi sáng lên rồi lại vụt tối, đen ngầu tối om rồi lại bừng sáng, nghi ngút tràn ngập mùi khói nến, ngón tay cái dần chai đỏ vì bánh xe của chiếc bật lửa.
Tôi đã thức trọn vẹn một đêm để liên tục thắp rồi dập tắt ngọn nến rồi lại thắp cứ vậy khi đầu óc quay cuồng trong suy nghĩ mình nên đi tiếp hay dừng chân để bắt đầu làm lại.
Ngày ấy, khi tôi 18 đứng trước ngã ba đầu tiên của cuộc đời, khi mà số điểm thi đại học của tôi lần ấy không như mong đợi để có thể đỗ vào ngành y, khi mà tôi lựa chọn tiếp tục ở nhà một năm tạm thời dừng chân và bắt đầu lại để nổ máy vận hành chiếc xe thời gian cho tương lai cho dù tôi có khởi đầu châm và muộn hơn so với bạn bè của mình. Trước áp lực của bố mẹ là muốn tôi xuống thủ đô học luôn một trường đại học khi mà ngày ấy số điểm thi khối A của tôi đủ và nhận được giấy gọi nhập học của một số trường. Tôi biết bố mẹ tôi sẽ rất ngại và khó nói chuyện với mọi người về tôi, khi mà thời gian ấy mọi người thân trong gia đình, rồi họ hàng rồi hàng xóm rồi đến cả đồng nghiệp của bố mẹ tôi rất quan tâm đến việc thi đại học của tôi mà thực ra là họ quan tâm đến kết quả là tôi có đỗ vào trường đại học nào hay không, có đi học đại học hay không và duy nhất là có hơn con họ hay không! Nếu khi mà tôi đưa ra lựa chọn ở nhà một năm và không theo học bất kỳ một trường đại học nào cả, trong khi tất cả bạn bè của tôi dù đỗ hay không cũng tự chọn cho mình một trường hoặc là đại học hoặc là cao đẳng hay thậm chí là trung cấp để được đi học để không phải ở nhà trong vòng một năm tới. Thật ra khi mà tôi quyết định như vậy bản thân tôi cũng thấy có gì đó hơi gượng gạo và nói hẳn ra là tôi ngại và không muốn tiếp xúc với bất kỳ một ai cả. Người duy nhất tôi có thể chia sẻ tâm sự và đặc biệt là ủng hộ tôi lúc ấy là cô giáo mà tôi theo học toán suốt ba năm cấp ba.
Thật là khó để bắt đầu ngay vào việc tiếp tục ôn thi để chuẩn bị cho kì thi đại học vào năm tiếp theo khi mà bạn vừa trai qua cái thời gian ôn và thi mệt mỏi kéo dài đằng đẵng ấy. Thế nên tôi tự cho phép mình nghỉ ngơi một thời gian mặc kệ những ánh mắt dèm pha và những lời nói không mấy tích cực của những vị hàng xóm vô cùng “kiệm lời”.
Quay trở lại những năm tháng trước khi tôi chưa 18, khi mà tôi vẫn còn miệt mài sáng trưa chiều tối thậm chí là đêm xoay quay một công việc là “con chỉ cần học thôi, cơm nước cứ để bố mẹ lo”. Và giờ tôi nhận ra rằng đi chợ nấu cơm chưa bao giờ là dễ dàng thậm chí với những người rảnh rỗi như tôi cả ngày luôn chỉ nghĩ bưa tiếp nấu gì mà còn khó khăn, huống chi là đối với những người bận rộn đi làm, trưa về tranh thủ cắm vội nồi cơm nấu dăm ba món đơn giản, ăn vội bát cơm, nghỉ lưng năm ba phút để chiều tiếp tục với guồng quay công việc đến chiều tối muộn mới về như bố mẹ tôi chẳng hạn, thì chắc hẳn để có một bữa cơm tươm tất vào buổi tối cho cả gia đình qua một ngay dài học tập và làm việc mệt mỏi thì quả là một sự cố gắng, một sự chu toàn đến vô cùng khi mà thời gian dành cho bản thân đang còn là một điều quá đỗi xa xỉ.
Tôi 18, khi mà tôi nhận ra rằng giá của thịt lợn còn “biến động” nhanh hơn cả thị trường chứng khoán khi hôm trước mẹ tôi với 30 nghìn, bà hàng thịt đon đả bán cho 3 lạng thịt lợn, thì hôm sau con của bà cầm 30 nghìn vẫn y nguyên hàng bán ấy bà bán thịt cao ngạo “thịt tăng giá rồi nhá, 30 nghìn chỉ mua được hai lạng thôi nhá”.
Khi tôi chưa 18 với bao nhiêu sắc hồng trong đầu rằng “kiếm tiền đâu có khó” từ những đàn anh đàn chị rỉ tai tôi: “không học được đại học thì bán quần áo cả tháng chục triệu chứ ít gì, còn không bán trà đá buổi tối thôi mỗi ngày cũng lời được vài trăm”. Còn giờ tôi lên 18 thực tế tát vào mặt tôi một cái thật mạnh rằng “đời không như là mơ, kiếm tiền không dễ dàng thế đâu” khi tôi bắt đầu công việc đầu đời có tên là “luồn chun quần” tại xưởng may do chị họ đứa hàng xóm quản lý.
Tiếng ù ù của quạt thông gió, căn xưởng chật kín người với bao la công việc từ nhặt chỉ quần, luồn chun, là ủi hay cắt đo…tất cả đều rất miệt mài. Tôi có chút gì đó gọi là hào hứng, nhưng cái hào hứng ấy vụt tắt khi tôi luồn chun đến cái quần thứ ba. Tay tôi chai đỏ mỏi nhừ, cái thước dùng để hỗ trợ luồn nát tươm và chia luôn thành hai chiếc riêng biệt, tôi bắt đầu bất lực chán nản khi 3 tiếng đồng hồ mà chưa luồn xong 3 chiếc quần thì đến giờ cơm trưa. Có lẽ tôi đã được sống trong môi trường và điều kiện đến giờ tôi mới thấy là vô cùng tốt do bố mẹ tôi tạo ra đủ để tôi nhận ra được cơm trong suất ăn của tôi không ngon và trắng bằng cơm tôi vẫn được hay ăn thường ngày kèm theo hai, ba miếng thịt luộc sơ sài và điều làm tôi bất ngờ nhất là dưới đáy khay canh của tôi có không ít là những hạt cơm không hiểu từ bao giờ bắt đầu xuất hiện hay sẵn mà có. Tôi nuốt vội miếng thịt và vài ba miếng cơm để cho qua bữa vì không muốn bỏ thừa thức ăn. Để rồi chiều tối khi tan ca làm, tôi đạp xe phóng cật lực về nhà tôi lôi hết những gì có trong tủ lạnh và đồ ăn còn từ trưa ra ăn không khác gì một đứa đã bị bỏ đói vài ngày. Và tôi nhận ra rằng những món mà tôi vẫn hay ngúng nguẩy nói không thích ăn và giận ra mặt đòi bỏ bữa khi mẹ hay bố tôi nấu giờ đây ngon như cao lương mỹ vị. Thật đúng “không đâu bằng cơm nhà”.
Khi tôi chưa 18, trong suốt 17 năm cuộc đời tôi chưa lần nào từng phải suy nghĩ, chưa lần nào cần phải lo lắng cho một cái gì, đặc biệt chưa lần nào nghĩ quá xa về tương lai của mình. Khi đó thứ xa nhất tôi phải suy nghĩ là khoảng cách từ thứ 7 tuần này đến sáng thứ 2 tuần sau mình phải làm gì để tận hưởng trọn vẹn nhất. Nhưng, khi tôi 18 tôi bắt đầu suy nghĩ xa hơn một chút, xa hơn giới hạn từ thứ 7 tuần này đến sáng thứ 2 tuần sau. Tôi bắt đầu suy nghĩ sang năm sau mình sẽ như thế nào, hay liệu trong suốt quãng thời gian sinh viên tôi có thể làm gì để đỡ được chi phí hỗ trợ từ bố mẹ tôi hay không? Và vẫn ôm một giấc mơ màu hồng là tôi có thể có được một ngôi nhà của riêng mình bằng chính sự nỗ lực, chính bằng đôi bàn tay của bản thân, trưởng thành trên chính đôi chân của mình…
Người dự thi: Trần Thị Thảo Anh