Tôi chẳng bao giờ thực sự trưởng thành!
Tôi chẳng bao giờ thực sự trưởng thành!
Tôi chẳng bao giờ thực sự trưởng thành!
Tôi thực sự rất băn khoăn, đời người có cột mốc nào là chính xác để đánh dấu sự “trưởng thành”?! Với người này, trưởng thành là khi ta thấm thía giá trị của tình thân và biết yêu thương nhiều hơn, với người khác, trưởng thành là khi ta thấu hiểu sự khắc nghiệt của cuộc sống, với ai đó nữa, trưởng thành là lúc người ta cảm giác như thể đã hiểu rõ hoàn toàn chính bản ngã và góc khuất trong con người mình. Với tôi, trưởng thành không phải một cột mốc, một thời điểm, một lằn ranh giữa thời thơ ngây và thời chín chắn, nó là một hành trình, một hành trình gần như vô hạn, bởi con người ta có thể thấu tỏ và sành sõi trong một lĩnh vực nào đó nhưng lại ngờ nghệch và non kém trong những lĩnh vực khác là điều rất đỗi bình thường. Nếu định nghĩa trưởng thành là thời điểm ta đạt đến độ “chín” của nhận thức thì tôi không thể không nghĩ: tôi chẳng bao giờ thực sự trưởng thành.
Tôi thích viết từ nhỏ, và viết gần như là việc duy nhất tôi cho rằng bản thân làm tốt, nhưng kể từ năm 14 tuổi, tôi đã biết mình không thể theo nghiệp viết. Tôi chọn khoa học tự nhiên, bất chấp tôi tự hiểu bản thân gần như đang “cố đấm ăn xôi”, nhưng tôi nghĩ con đường này có thể giúp tôi có một công việc ổn định, một cuộc sống ổn định để còn làm tròn trách nhiệm với ba mẹ. Tôi những tưởng mình đã trưởng thành ở thời khắc quyết định điều đó.
Tôi những tưởng mình đã có thể gọi là “trưởng thành” vào năm 15, khi tận hưởng vị ngọt đắng lẫn lộn của số tiền lần đầu tiên kiếm được. Thế nào nhỉ, tôi nhận được khoảng một triệu cho việc dịch hơn 50 trang truyện, xen lẫn với cảm giác hân hoan của lần đầu tiên nhận được thù lao cho công sức mình bỏ ra là sự đắng nghét lởn vởn của một nhận thức hốt nhiên rõ ràng, rằng tiền kiếm được không hề dễ dàng. Tôi trở nên chi li hơn, bắt đầu hạn chế những thú giải trí cá nhân tôi từng cho là tất yếu. Những suy nghĩ về “tiền” xuất hiện trong tâm trí tôi thường xuyên hơn, khiến tôi ngột ngạt, nhưng cũng khơi dậy trong tôi chút hào hứng, cho tôi thứ cảm giác gọi là “trách nhiệm”, gọi là “người lớn”.
Tôi những tưởng mình đã trưởng thành vào năm 17, khi bản thân dần học được cách chấp nhận và buông bỏ. Nhiều năm trước, tôi từng phải lòng một cậu bạn cùng lớp. Chẳng ai thừa nhận gì cả, nhưng bạn bè không ai không biết hai đứa thân thiết hơn hai chữ bạn bè. Cậu ấy của hiện tại đã có một cô bạn gái xinh đẹp, tôi thì vẫn thi thoảng nhấm nháp chút ngòn ngọt rỉ sét của những kí ức tươi đẹp ngày xưa - những kí ức giờ đây cậu không còn nhớ rõ. Chuyện buồn cười chính là, tôi và cậu vẫn thỉnh thoảng nhắn tin hỏi thăm nhau, nói chuyện học hành, chuyện cuộc sống, và chuyện bạn gái cậu ấy. Cậu ấy gọi tôi là người bạn cậu tin tưởng nhất, từ trước đến giờ. Cậu không hề biết tôi đã đặt tên cho tình bạn hiện tại của chúng tôi là “sự thân thiện hoàn toàn lí trí”. Tôi hiểu rằng người tôi thích là cậu năm 14 tuổi, điều tôi nhung nhớ không nguôi là những đẹp tươi của một thời quá vãng. Thời gian không thể ngừng trôi, nhưng kí ức phải chăng vẫn có thể neo lại đó như một đặc ân diệu kì.
Và, tôi có cảm giác mình đã trưởng thành rõ rệt trong đêm trắng đầu tiên của cuộc đời - đêm bà nội tôi mất. Một thời gian dài tôi cảm thấy mọi thứ đều đã đổi khác sau ngày hôm ấy, tôi trở nên nhạy cảm hơn, tôi nhìn cuộc sống và những khổ đau cũng quy luật tàn nhẫn của nó rõ hơn. Có những lúc ngồi một mình, tôi bất thần lạnh toát sống lưng nghĩ đến cái khoảnh khắc mình rời bỏ thế gian này. Nỗi sợ lớn đến mức trong một tích tắc tôi tưởng như mình đang nhìn đời dưới con mắt của một cụ bà tóc bạc đang nhẩm đếm những ngày cuối cùng. Mất khá lâu để tôi cân bằng lại bản thân, để tôi chấp nhận, dù đau đớn và sợ hãi, cái quy luật tàn nhẫn bất biến của thời gian. Tôi càng sợ, tôi càng biết ơn một sự kì diệu nào đó đã để tôi sinh ra trên đời này và còn sống đến ngày hôm nay.
Và còn gì nữa, tôi cảm giác mình đã trưởng thành khi vẫy tay chào gia đình rời khỏi đất nước nơi tôi được bảo bọc suốt 18 năm đầu đời. Không biết tự nấu ăn, vụng về, thậm chí còn không thể chăm sóc tốt bản thân, tôi gọi quyết định của mình là liều lĩnh. Người ta nói khi còn trẻ thì hãy cứ liều một chút, khi ta có can đảm để đánh cuộc một điều gì đó lớn lao, chính là dấu hiệu ta đã trưởng thành.
Nhưng, sau tất thảy những thời khắc tôi ngỡ bản thân đã đạt đến cột mốc gọi là “trưởng thành” ấy, tôi lại bất thần phát hiện rất nhiều thiết sót, rất nhiều vấn đề bản thân vẫn còn quá non kém. Tôi có thể nói nhiều trước mắt người khác, tôi có thể diễn giải những triết lí nghe có - vẻ - đúng và khiến mọi người gật gù tấm tắc. Nhưng rồi, rất nhiều thời khắc ngồi tĩnh tâm lại, tôi cảm giác bản thân vẫn chỉ là đứa trẻ chưa lớn, non nớt và ngờ nghệch đến lạ kì. Tôi nhận ra, đối với tôi, còn có thứ để học, còn có thứ để khiến mình cảm thấy bản thân ngờ nghệch và non dại thì chưa được gọi là trưởng thành.
Ai đó nói rằng người trưởng thành thường quên mất họ từng là trẻ con, và thi thoảng khao khát được trở lại làm trẻ con. Tôi chưa từng quên! Tôi vẫn luôn khao khát được làm trẻ con, tôi khao khát trì hoãn thời gian, tôi khao khát những điều không tưởng. Dù tôi có lớn lên, già đi, tôi nhìn tâm hồn tôi vẫn cứ như đứa trẻ, vẫn còn nhiều điều muốn học, nhiều ước mơ muốn hoàn thành, nhiều điều viển vông để mơ mộng. Vậy phải chăng càng đồng nghĩa với việc tôi vẫn chưa trưởng thành?!
Ai đó nói rằng trong mỗi người lớn đều có một đứa trẻ, đó là cái phần thẳm sâu trong trái tim luôn hồn nhiên và bồng bột, là cái phần có đôi chút ích kỉ nhưng cũng rất thật thà. Tôi không thể không thừa nhận phần trẻ con trong tôi vẫn còn mạnh mẽ lắm. Tôi vẫn ham chơi dù lí trí buộc phải ngồi vào bàn làm việc và học tập, tôi vẫn sà vào lòng mẹ và ôm mẹ ngủ mỗi khi về nhà, tôi vẫn thơm má đứa em gái chùn chụt mỗi khi có cơ hội như thể nó và tôi vẫn còn là hai đứa nhóc tiểu học thuở còn mê búp bê và đồ hàng. Thế nên, tôi vẫn chưa trưởng thành đâu, phải không?!
Ai đó nói rằng “Hạnh phúc không phải là điểm đến, mà là hành trình chúng ta đang đi”. Về phương diện này, tôi cảm thấy trưởng thành và hạnh phúc không khác nhau. Nếu lấy trưởng thành là một cột mốc, vậy sau khi qua cột mốc ấy rồi con người ta sẽ như thế nào? Sẽ cảm thấy trách nhiệm trên vai nặng hơn, sẽ cảm thấy cuộc sống này đẹp hơn hay mệt mỏi hơn, sẽ càng yêu mến hay chán ghét thế giới này hơn? Nhưng nếu trưởng thành là một con đường, vậy ta cứ tiến bước thôi, đến khi nào cuộc đời ngừng lại, đến khi nào ta chẳng còn gì để học hỏi, thế chẳng phải tốt hơn ư?!
Tôi của hôm nay vẫn là tôi, nhưng tôi của hôm nay đã chẳng còn là tôi của hôm qua hay chẳng phải tôi của ngày mai. Mỗi một ngày qua đi, mỗi một kiến thức thu nhặt, mỗi một vấp váp, mỗi một con người một sự việc tôi đối mặt đều hằn những dấu chân đậm nhạt tùy lúc trên con đường bất tận tôi gọi tên “trưởng thành”.