Hãy khóc thay vì rơi nước mắt
Hãy khóc thay vì rơi nước mắt
Với tôi khóc và rơi nước mắt là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Khi một người khóc, nước mắt họ sẽ rơi nhưng khi nước mắt một người rơi không có nghĩa rằng họ đang khóc. Tôi không phải là một người giỏi trong việc phân tích chuyên sâu một vấn đề, tôi cũng không phải là người có thể đưa ra những điều trừu tượng và tất nhiên tôi cũng chẳng thể giải thích được những điều trừu tượng. Chỉ đơn giản với tôi, “rơi nước mắt không có nghĩa là khóc”.
Tôi nhớ mình của năm mười tám tuổi, cứ lang thang xe buýt cho đến tối mịt mới chịu về nhà sau những giờ tan học cũng chỉ vì mơ hồ không biết mình nên đi đâu về đâu giữa một thành phố xa lạ. Ngày đó tôi đã rơi nước mắt. Hai mươi tuổi mới vào được ngôi trường đại học mà mình mơ ước sau hai lần thi trượt. Tôi đã rơi nước mắt.
Cũng năm hai mươi tuổi, tỏ tình thất bại. Tôi rơi nước mắt. Hai mươi ba tuổi, trầy trật mãi cũng chẳng ra được trường cho đúng hạn vì nợ tiếng Anh, những đêm trằn trọc chẳng thể nào chợp mắt được. Những nghĩ suy cứ thế dồn dập khiến tôi đôi khi đến cả thở cũng thấy khó khăn. Tôi đã rơi nước mắt. Năm hai mươi ba tuổi, nghĩ về tương lai thấy con đường mình đi sao mờ mịt đến vô chừng. Rồi lại rơi nước mắt. Năm hai mươi ba, vẫn bấp bênh với những công việc bán thời gian trong khi bạn bè cùng trang lứa đã có việc làm ổn định.
Những hôm yếu lòng, tinh thần sa sút, đổ bệnh, gọi về mẹ bảo “Bệnh thì nghỉ, mệt quá thì đừng đi làm nữa!”. “Mẹ nuôi con hả?” “Ừ thì đó giờ mẹ vẫn nuôi con được mà”. Tự dưng tắt máy, nước mắt rơi. Một buổi chiều của năm hai mươi ba nơi dãy trọ không người, ngồi ngẩn ngơ nhớ lại những tháng ngày thơ trẻ. Ngày tròn đầy tháng, mẹ đã phải vất vả ra chợ bán vịt kiếm ít tiền xoay sở, mười bốn tháng tuổi mẹ để tôi lại cho bà rồi cùng cha lênh đênh trên chiếc ghe chừng chục tấn bôn ba khắp miền sông nước. Mẹ nói “Ai mà chẳng thương con, nhưng ráng bóp bụng mà chịu, sau này có con rồi con mới hiểu”.
Ngày đầu tiên đi học, người dắt tay đến trường cũng không phải mẹ, ngoài cửa lớp cũng chẳng có ai đứng đợi đón về. Trong trí nhớ mơ hồ, thấp thoáng trong tôi là một người phụ nữ trung niên với gương mặt gầy gò, đen nhẻm trong chiếc áo rộng thùng thình với mùi dầu nhớt đặc trưng của những con người lênh đênh sông nước, ghe là nhà và những bến sông là chiến hữu. Con người ấy đã lần đầu tiên xuất hiện trước cổng trường tôi trong suốt 5 năm Tiểu học, mùi bánh bao, mùi của mẹ vẽ màu cho cả tuổi thơ. Lúc này nước mắt cũng tự nhiên rơi. Được dịp hồi tưởng quá khứ, nhớ ngày rời quê đến một miền đất xa lạ, năm ấy khốn cùng đến mức trong nhà chẳng có được hai trăm đồng. Nhớ lúc mẹ cha lặn lội trên những cánh đồng lúa nắng rát lưng hay những cơn mưa tầm tả rồi những cơn khát khô cổ khi đạp xe hơn 60 cây số để bắt từng con ốc ma. Vậy là nước mắt lại rơi. Mẹ chở trên xe đạp năm hai mươi bốn tuổi, lưng mẹ gầy cong, tiếng mẹ hòa trong tiếng lá xào xạc ven đường, đôi chân cố cho nhanh hơn những ngọn gió. Bàn tay chai sần của mẹ kéo cái nón lá sờn rách che đi một phần gương mặt gầy gò đen nhẻm, chiếc khăn trùm đầu lệch một bên, tóc chẳng còn là màu pha sương hay điểm bạc mà nay đã trắng cả mái đầu.
Tối đó về nhà, mẹ nằm nghe những khúc tình ca du dương phía võng nơi thềm ba rồi ngân nga câu hát, giọng mẹ hân hoan kể con nghe về việc mẹ đã thấy tự hào về con như thế nào. Tiếng mẹ luồng qua khe cửa, từng mái ton, từng tấm vách gỗ còn sơ sài của căn nhà nhỏ bé nhưng ấm áp tình thương của gia đình mình, tất cả như muốn lưu giữ lại niềm hân hoan của mẹ để lúc đến tai con chẳng thể nghe rõ được gì ngoài tiếng nấc nghẹn nơi trái tim mình. Đêm hôm ấy tôi đã khóc. Nước mắt có thể rơi bất cứ lúc nào nhưng đến khi nhận ra mình chẳng thể thắng nỗi những bước chân của thời gian, khi đó bạn sẽ khóc. Một mối tình không có cái kết như bạn mong muốn, những lần chênh vênh không biết tương lai mình đi về đâu, ngôi trường Đại học không cho bạn cơ hội như bạn hằng đêm vẫn mơ ước, tuổi thơ mà với bạn nó cơ cực, đầy rẫy những khó khăn…
Có hàng tỷ tỷ thứ khiến bạn rơi nước mắt nhưng tất cả có là gì đâu khi bất chợt bạn nhận ra không phải thời gian là thứ duy nhất cướp đi mái tóc xanh, làn da hồng hào, gương mặt thanh thoát, đôi vai dẻo dai và đôi bàn tay ngọc ngà của mẹ. Và ngay chính lúc này đây trong bạn lại dâng lên một nỗi uất nghẹn chẳng thốt nên lời, đôi tay này quá nhỏ bé để có thể níu giữ những lớn lao ngoài kia và bạn nhận ra mình bất lực trước một hiện thực ngỡ vô hình nhưng hiển nhiên lại vô cùng tàn khốc. Thay vì rơi nước mắt, hãy để mình khóc một lần. Với tôi, trưởng thành chính là khi tôi khóc.
Người dự thi: Hà Thị Mộng Bình