Bạn sẽ trưởng thành khi bạn muốn, thực sự muốn
Bạn sẽ trưởng thành khi bạn muốn, thực sự muốn
Trưởng thành không phải một cột mốc, mà là một quá trình. Muốn thay đổi thế giới, trước hết phải thay đổi bản thân.
1. Không phụ thuộc.
Đừng để bất cứ ai phải chịu trách nhiệm về bạn. “Phải” chịu trách nhiệm tức là đáng ra người khác có thể mặc kệ, nhưng vì liên kết tình thương gì đó, họ phải lo lắng cho bạn. Đó là những ai, theo thứ tự quan trọng và tần suất xuất hiện: bố mẹ, anh chị em, bạn bè, xã hội. Và thường thì những người chúng ta lợi dụng, làm phiền, làm khổ, làm tổn thương nhiều nhất là những người yêu thương chúng ta nhiều nhất. Tôi tin rằng chẳng mấy bậc cha mẹ muốn con cái thành đạt để lo cho họ về già, họ muốn con mình tự lo tốt cho bản thân. Tôi từng mộng mơ sẽ đưa ba mẹ đến sống trong ngôi nhà mơ ước, cho con cái được hưởng chế độ giáo dục vẹn toàn, cho anh chị em một nghề nghiệp cuộc sống ổn định.
Trưởng thành lên một chút, tôi nhận ra tôi chẳng thể làm gì ngoài việc tự lo cho bản thân cho tốt đủ mức không để người khác lo lắng. Như vậy đã đủ cho gia đình, bạn bè, xã hội xung quanh rồi, ít nhất tôi không là gánh nặng cho bất cứ ai. Để không ai phải lo cho cuộc sống là điều vô cùng khó. Tôi không thể thức dậy nếu không có chuông báo thức, mà kể cả có tôi cũng chưa chắc dậy được, bố mẹ thì luôn lo lắng phải gọi tôi dậy, tức là tôi chưa đủ trách nhiệm và ý thức được tầm quan trọng của việc đúng giờ, tức sinh hoạt cá nhân nề nếp, lâu dài cho sức khỏe, kinh tế là điều không dễ dàng. Giữa ở nhà một mình, chọn một bát mì tôm cho nhanh gọn hoặc ăn cơm hàng, với nấu cơm rửa nồi rửa bát, bạn sẽ chọn cái nào. Tôi không thể làm việc tôi không thích, mỗi khi tôi thích gì là tôi bỏ quên mọi thứ xung quanh.
Tôi thích thể hiện, hay cãi lại, hay chống đối, người ta bảo đó là giai đoạn ngỗ nghịch mới lớn, tôi nghĩ đó là đúng. Người lớn thì khác, họ phải cố gắng vì yếu tố như gia đình, sự nghiệp, tuổi già. Họ phải làm đủ thứ trên đời, việc không thích, ép buộc nhiều hơn hẳn việc thích. Chẳng ai buồn cãi lại tôi, chẳng ai buồn thanh minh về họ, họ và tôi chỉ cãi nhau vì những việc liên quan đến tôi. Đó là biểu hiện của suy nghĩ chưa trưởng thành.
Tôi không thể kiếm tiền, ít nhất là hiện tại. Điều đó khiến cuộc sống của tôi phụ thuộc dù bố mẹ tôn trọng sự tự do của tôi. Ngày lớp 11 tôi nói tôi muốn tự mình đi Hà Nội hay bay ra Hồ Chí Minh, không cần xin tiền bố mẹ, bố mẹ vẫn kịch liệt phản đối vì đống lí do hay nhắc trên báo, lúc đó tôi mới hiểu ra bố mẹ nghĩ tôi non nớt và lo lắng thế nào.
Người ta thường nói, trưởng thành là lúc làm cha mẹ, là lúc báo hiếu bố mẹ, là lúc nhận ra điều này điều kia. Thực ra đó mới chỉ là bước đầu nhận thức trách nhiệm thôi, chứ với tất cả ngộ nhận trên, bạn không có tiền và vẫn phụ thuộc để làm điều ấy, có ý nghĩa gì chứ. Đôi khi cha mẹ đột ngột già đi, đột ngột bị bệnh, bạn nhận ra bạn chẳng thể làm gì cho họ giờ phút trọng đại vì trong tay bạn chẳng có gì, ngoài làm những việc mà bạn thường làm, sống cho tốt để bố mẹ yên tâm nhắm mắt. Chẳng ai cần tiền của bạn, bạn cũng chẳng hạnh phúc hơn khi có tiền, Freeeconomy không cần tiền vẫn hạnh phúc, vì họ biết họ đang làm gì, còn bạn vẫn phải biết cách kiếm nó, hoặc sống không phụ thuộc vào nó. Chỉ khi kiếm tiền, bạn mới biết mình đang ở đâu trong thế giới này. Mới hiểu được công sức lao động và sự vất vả của người xung quanh. Và chỉ khi không còn phụ thuộc vào tiền, bạn mới đủ lớn để lo cho bất cứ ai hay kể hết những điều trên. Tóm lại thì, tuổi trẻ thường mơ mộng những thứ xa xôi, nhưng để bạn trưởng thành trong mắt người khác, thì ít nhất, bạn phải chăm sóc sức khỏe bản thân, biết đối nhân xử thế, biết sống tử tế gọn gàng, và biết kiếm tiền.
2. Quan trọng là hành động.
Cuộc sống của tôi hiện tại là một nhà tù, tôi phải đến trường học dù tôi thấy chẳng hứng thú gì lắm, tôi phải giao tiếp với bạn bè dù không phải ai tôi cũng quý mến, tôi phải sống trong nhà cùng bố mẹ ông bà thúc ép tôi lập gia đình hay nữ công gia chánh gì đó. Tôi bất mãn, nhưng tôi ngồi đấy, tự đóng băng bản thân, đọc sách hay khát khao ra thế giới ngoài kia. Nhìn lại 18 năm cuộc đời, tôi đã lãng phí quá nhiều thời gian, ảo tưởng quá nhiều về bản thân.
Đôi khi đọc một cuốn sách thay đổi tư duy, đạt được thành tích gì đó ở trường, giúp đỡ người nào đó, tóm lại là làm gì đó hay ho, cảm giác cuộc đời bỗng dưng trơn tru sáng lạn, tôi tưởng tôi đã trưởng thành. Thật ra không phải vậy, nói nhẹ nhàng thì may mắn bản thân đã trưởng thành hơn một chút, nói thẳng ra thì tôi vẫn chỉ là đứa thiếu trải đời, có vài việc cỏn con mà làm như to tát lắm, chưa làm được gì cho gia đình, ra xã hội ba hoa tưởng mình đã thấu hiểu gần như mọi việc. Trong lúc tôi ngồi, có những cô gái đi tìm việc làm thêm, có những người thử kiếm tiền trên mạng, họ ra xã hội, ra cuộc sống, học từ trường đời, họ tự kiếm tiền để đi những nơi họ muốn. So với họ, tôi có chút chung suy nghĩ, nhưng hai cách phản ứng thì khác nhau, tôi nằm dài chán đời, còn họ ra ngoài để tạo lập cuộc sống riêng. Đến lúc biết rồi thì tôi cũng chẳng làm được ngay, vì việc đó là cả quá trình thời gian trau dồi, không thuộc về những kẻ ăn sẵn đến thời điểm đó như tôi.
Trong khi tôi đang nói mồm về tương lai khi tôi trưởng thành, thì họ đã trưởng thành hơn tôi rất nhiều. Cái tương lai cao vời vợi ấy, người khác nhìn vào những gì bạn đã làm được để thể hiện sự cố gắng và khát khao của bạn, không phải đống suy nghĩ có vẻ hàn lâm mà ai biết dùng Google cũng có thể có được. Muốn chứng minh bản thân, hãy cho người khác xem bạn đã làm được những gì đã. Nếu chưa có gì, thì làm đã, rồi hãy chứng minh sau. Mà thật ra việc chứng minh chẳng quan trọng lắm, vì bạn chỉ cần là chính bạn, đã đủ là dẫn chứng sinh động rồi. Tầm quan trọng của sự im lặng, chiều sâu và tính chủ động.
3.Kết luận
Trưởng thành không phải một cột mốc, mà là một quá trình cố gắng độc lập. Bước đầu tiên, độc lập về tài chính, chịu trách nhiệm với chính bản thân bạn, tiếp đó độc lập về suy nghĩ, sống theo cách bạn chọn, chứng minh cuộc sống của bạn tốt cả về vật chất lẫn tinh thần. Nói bước một hai không phải để chia rành rọt từng giai đoạn, chúng có thể đôi khi lồng ghép, đôi khi đảo ngược, hay thêm nhiều bước nữa, tùy bạn, miễn là bạn hiểu khi ai đó nói bạn trẻ con, tức là hoặc bạn phụ thuộc tài chính, hoặc bạn ảo tưởng về sự to lớn về bản thân, hoặc bạn chẳng có chính kiến hay hiểu biết gì về xung quanh bạn cả.
Bạn sẽ trưởng thành khi bạn muốn, thực sự muốn. Mà để đạt được điều thực sự ấy, bạn phải trưởng thành.
Người dự thi: Phạm Nguyễn hằng Vân