Về nhà thường xuyên hơn, để trưởng thành hơn!
Về nhà thường xuyên hơn, để trưởng thành hơn!
Trưởng thành là dù có đi thật xa, nhưng ta luôn có một nơi để tìm về, đó là gia đình. Với mọi bộn bề lo toan trong cuộc sống thường nhật, nào là học tập, làm việc, kết hôn, lập gia đình, đã bao giờ chúng ta ngồi lại và hỏi: Liệu mình đã trưởng thành hay chưa? Hồi còn thơ bé, có phải ta rất thích trưởng thành, những em bé gái với đôi môi chúm chím đỏ chót màu son của mẹ, các cậu bé với bộ comple và đôi giày tây trông rất chững chạc. Ấy vậy mà khi lớn ta lại muốn trở về thời ấu thơ, lại ngần ngại được làm người trưởng thành
Không ai định nghĩa được trưởng thành, bởi nó không phải là một thời điểm, mà nó là cả một quá trình thay đổi tiến lên về nhận thức và tư duy, hành vi và suy nghĩ, cảm xúc và khí chất con người. Trong cuộc sống, chúng ta luôn có những mốc son đánh dấu một sự tiến lên ấy: như lúc tự hào cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp, lúc có việc làm và tạo ra những đồng thu nhập đầu tiên từ chính công sức của mình, lúc kết hôn hay phút giây thiêng liêng trở thành mẹ, thành cha. Và sau mỗi dấu ấn ấy, chúng ta nhận thấy mình trưởng thành hơn.
Khi lớn khôn, chúng ta rời khỏi vòng tay gia đình, bước ra ngoài xã hội với đủ mọi thứ lo toan, với bộn bề bon chen, đấu đá, đủ mọi thắng thua được mất. Vòng quay cuộc sống, sự nghiệp cứ cuốn chúng ta qua hết ngày này đến ngày khác, hết năm này sang năm khác. Trong sự khắc nghiệt và tàn khốc ấy, chúng ta luôn có một nơi bình yên để tìm về, đó là gia đình. Đặc biệt là những người sinh sống và làm việc xa quê hương, phút giây về nhà, tìm về cội nguồn, về với vòng tay mẹ cha, về đoàn tụ bên bữa cơm gia đình mới nhiều cảm xúc biết bao. Tôi gọi tìm về nhà là trưởng thành, bởi con người suy cho cùng, chỉ có gia đình là nơi bình yên nhất, nơi mẹ cha luôn đợi chờ, người đã dành cả cuộc đời cho ta với tất cả những gì ấm áp và yêu thương. Ai cũng chỉ có một cội nguồn chôn rau cắt rốn, là nơi ta sinh ra lớn lên trong công lao sinh thành của mẹ, dưới sự dưỡng dục của cha, bằng những giọt nước ngọt lành đầu đời, trong tình yêu bao la vô bờ bến của anh chị em, những người thân trong gia đình. Và dù ngoài xã hội có là ông nọ bà kia, thì về nhà ta vẫn luôn là đứa con bé bỏng thơ dại ngày nào của cha mẹ, thấy con đau mẹ vẫn xót, cha vẫn nghiêm khắc chỉ dạy con những thứ đời thường. Dù là tiến sỹ hay giáo sư, dù giàu sang hay nghèo hèn, ta luôn được chào đón với tất cả nhưng gì thân thương nhất. Gia đình là nơi thiêng liêng, là nơi có ngọn lửa chứa chan tình máu mủ ruột rà, nơi có những người không bao giờ quay lưng lại với chúng ta, mà chỉ có một tình yêu thương vô điều kiện. Vậy mà mấy ai nhận ra nơi bình yên ấy, vẫn cứ mải miết bon chen, vật lộn hơn nửa đời người vẫn chưa trưởng thành, bỏ quên cảm xúc về gia đình nguồn cội. Dẫu là người có chức sắc hay giàu có đến đâu, thì vẫn chưa thể gọi là trưởng thành.
Dù có đi thật xa, thì hãy về thăm cha mẹ thường xuyên hơn, trò chuyện nhiều hơn và hãy thể hiện trách nhiệm phụng dưỡng đáng sinh thành. Chúng ta rồi cũng sẽ trở thành cha mẹ, còn cha mẹ chúng ta ngày càng một già yếu, thời gian không còn nhiều, không ai nằm ngoài quy luật sinh tử của vũ trụ, tìm về cội nguồn, về với cha mẹ để chăm sóc, báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục, báo ơn dòng nước ngọt lành nơi quê hương nuôi ta khôn lớn, cảm tạ tình yêu thuần khiết thiêng liêng nhất từ mẹ cha. Thế giới dù có rộng lớn đến đâu, cũng đừng quên trở về nhà. Về nhà thường xuyên hơn, để trưởng thành hơn!
Người dự thi: Phạm Thế Hùng