Trưởng thành từ những điều bé nhỏ!
Trưởng thành – nghe tưởng chừng như ai rồi cũng trải qua. Nhưng thật sự là một khái niệm khó chạm tới
TRƯỞNG THÀNH TỪ NHỮNG ĐIỀU BÉ NHỎ!
Dạo này tôi hay suy nghĩ về cái gọi là sự trưởng thành. Tôi của năm 18 tuổi đã từng nghĩ là mình trưởng thành khi nhận tấm vé vào cánh cửa một ngôi trường ở rất xa xa với thành phố biển quê hương tôi. Nhưng sự hào hứng ấy không kéo dài quá lâu, tôi chợt nhận ra lòng mình chùng xuống vào một buổi chiều đứng ngoài ban công dãy phòng trọ, nhìn vào dòng người hối hả chạy xe qua lại. Rồi những giọt nước mắt cứ thế chảy xuống lúc nào không hay. Tôi nhớ bữa cơm của mẹ, cái xoa đầu của ba mỗi khi ba đi làm về. Những kỉ niệm cứ thế ùa về và lúc đó tôi nhận ra mình vẫn chỉ là một đứa trẻ.
Trưởng thành – nghe tưởng chừng như ai rồi cũng trải qua. Nhưng thật sự là một khái niệm khó chạm tới.
Tôi của tuổi 18, đã bao lần ngắt điện thoại giữa chừng, rồi giận dỗi với mẹ cả tuần lễ chỉ vì một lí do cỏn con nào đó. Cái đứa tôi ngày ấy nghĩ mình đã lớn, được thoải mái tự do mà tung cánh, nên tôi không vui với sự bảo bọc quá mức của mẹ tôi. Tôi dùng cái sự trẻ con của mình để đấu trí với mẹ tôi. Để xem ai sẽ là người giận lâu hơn, ai sẽ phải gọi một cuộc điện thoại trước. Tôi ngông cuồng trong tuổi trẻ say mê của mình. Sau vài năm sống, học tập và làm việc ở Sài Gòn, thành phố này đã không còn quá xa lạ với tôi, nhưng tôi cũng ngỡ như tôi chưa từng quen. Tôi của 25 trở nên trầm tính và tự nhận thấy mình đã hiểu chuyện hơn. Tôi học được cách nhận ra nỗi buồn của mẹ và mặc dù ba mẹ đã cố giấu tôi, chỉ vì sợ tôi lo lắng ở phương xa. Tôi học được cách vùi giọt nước mắt đằng sau những khoảng lặng của cuộc điện thoại. Gia đình tôi vốn chẳng êm đềm như người ngoài nghĩ. Ba mẹ tôi dù đã ở lứa tuổi xế chiều nhưng vẫn phải bận lòng vì con cháu, vì những cuộc cãi vã không tên trong nhà. Tôi ở xa nhà, tôi ở ngoài những sự căng thẳng đó. Vì thế ba mẹ giấu tôi rất rất nhiều, nhưng trưởng thành đủ giúp tôi nhận ra. Thỉnh thoảng thấy ngột ngạt với thành phố rộng lớn này. Tôi bắt một chuyến tàu và về nhà. Sáng dậy là cả một vùng trời bình yên hiện ra trước mắt. Là ba hoặc mẹ đứng trên sân ga vẫy tay với tôi từ xa xa nhưng tôi vẫn nhận ra hình bóng thân thuộc ấy. Nhà với tôi chỉ cần có ba có mẹ là đủ. Tôi của tuổi 25 đã không còn thấy phiền vì những cuộc gọi hỏi thăm hằng ngày của mẹ. Tôi của tuổi 25 luôn là người gọi điện thoại làm lành nếu lỡ hai mẹ con có giận nhau vì điều gì. Tôi của tuổi 25 đã biết cảm nhận nỗi buồn của mẹ cha. Tôi của tuổi 25 chỉ mong ba mẹ thật mạnh khỏe thêm nhiều nhiều năm nữa. Tôi của tuổi 25 đã không còn vỗ ngực tự nhận mình đã lớn, nhưng dẫu vẫn là một đứa trẻ nhỏ của gia đình, dù trong tâm thức tôi biết mình đã trưởng thành hơn cái tôi của tuổi 18 rất nhiều. Tôi của tuổi 25 đã ngoan cường hơn nhưng lại trở nên mít ướt khi đọc một tin nhắn thật dài ba gửi để an ủi tôi. Tôi của tuổi 25 những khi gặp khó khăn đã luôn ao ước mình được trở lại là một cô bé như ngày xưa, có thể thật sự khóc thật sự cười thật hồn nhiên. Nhưng tôi lại luôn cảm ơn tôi của ngày hôm nay, cảm ơn ba mẹ đã nuôi dưỡng tôi thật tốt. Để tôi có thể trưởng thành một cách tự tin và mạnh mẽ và có thể thấu hiểu nỗi lòng của đấng sinh thành. Tôi vẫn thường hay đùa vui với mẹ rằng bây giờ tôi bỏ việc về quê để mẹ nuôi nhé. Mẹ nói ừ về rau cháo mà ăn.
Trưởng thành – chưa bao giờ là điều dễ dàng. “Có những ngày chỉ muốn trở về quê Nằm nghe gió rít qua hàng song cửa Nói với mẹ: Con không đi làm nữa Mẹ nuôi con đọc sách hết đời, nghe?” (Thơ Nguyễn Thiên Ngân).
Người dự thi: Nguyễn Thùy Trang