Trưởng thành là khi nào ?
Trưởng thành là khi nào ?
Trưởng thành là khi ….
- “Chị ơi, khi nào thì được gọi là trưởng thành? Có phải là lúc ta có thể kiếm ra tiền và thoải mái sử dụng số tiền đó?”
- “Cũng đúng, nhưng chưa đủ, em gái ạ”.
Cách đây 7 năm, có một cậu học sinh tính tình rất ngang bướng, học lực chẳng có gì nổi trội, đặc biệt là rất hay cãi lời giáo viên. Cậu luôn làm cho mẹ mình phiền lòng. Không biết bao nhiêu lần, mẹ cậu phải rơi nước mắt trong phòng giáo viên:
- Kết quả học tập của em Dũng ngày càng đi xuống, gần đây, em lại chơi cùng nhóm cá biệt của trường và mới tham gia vào một vụ ẩu đả. Chúng tôi đã nhiều lần kiểm điểm, nhưng tình hình có vẻ không khá hơn. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, nhà trường buộc phải đuổi học những học sinh cá biệt như em Dũng, để làm gương cho những học sinh khác.
- Vâng, mong thầy cô thông cảm, cháu mồ côi bố từ hồi rất nhỏ, nên chưa được dạy bảo cẩn thận, tôi sẽ nhắc nhở cháu nhiều hơn, xin thầy cô tạo điều kiện vì cháu đã học cuối cấp rồi – Những giọt nước mắt lặng lẽ rớt xuống từ đôi mắt người mẹ đã thấm khổ hơn nửa đời người, những giọt nước mắt thương cho số phận mình, thương con…
Sau những lần như vậy, không khí trong nhà luôn trở nên u ám hơn. Hàng giờ đồng hồ quỳ trước ảnh bố, chân như bị cứng lại, nhưng chỉ vài ngày sau, cậu lại quên mất lời hứa với mẹ.
- Con có bao giờ hiểu cho mẹ không? Có bao giờ thương cho sự thiệt thòi của mình, mà cố gắng hơn không?
- Con cũng chẳng làm gì ghê ghớm cả, tại chúng nó cậy lớn tuổi, bắt nạt người khác, nên con đòi lại công bằng cho bạn con thôi.
- Ừ, học xong đi, ra đời đi, rồi con sẽ hiểu.
Và thế là 3 năm cấp 3 cũng kết thúc, cậu về nhà, theo người bác trong nhà học nghề sửa chữa đồ điện. Rời khỏi ghế nhà trường mới biết, cuộc sống chẳng hề dễ dàng, có khi mất cả buổi sáng mới kiếm được 20 000. Hai năm vừa học, vừa làm, cuộc sống của cậu cứ thế trôi qua vô vị, tẻ nhạt. Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu hôm đó cậu không gây sự với đám người cho vay nặng lãi. Nguyên cớ là do người anh họ chót sa vào bài bạc, rồi thua nặng, và người chịu hậu quả chính là người bác của cậu. Vốn là một người nóng tính, lại bất bình thay cho bác, nên cậu đã xảy ra xô xát với đám người đòi nợ, và bị thương rất nặng. Suốt 4 tháng nằm viện, cậu chẳng thể đi đâu, làm gì với cái chân bị gãy. Người duy nhất ở bên cậu lúc này là mẹ. Những đêm cậu không ngủ được vì chân đau nhức cũng là những đêm mẹ đã thức trắng. Nhìn mẹ ngủ gục bên giường bệnh, cậu mới nhận ra rằng, mẹ thực sự đã già hơn rất nhiều so với hồi cậu còn bé. Mặt mẹ đã có nếp nhăn, phải chăng vì cậu đã gây ra những nỗi lo để rồi hằn lại thành nếp nhăn trên khuôn mặt mẹ. Rồi cả những lúc cậu tập đi lại, chân thực sự rất đau, rất muốn khụyu xuống, nhưng mẹ là người luôn động viên để cậu cố gắng. Mỗi lần ngã là cậu chỉ muốn ngồi luôn ở đó, vì đau,vì mệt, chính mẹ là người đã đỡ cậu dậy, rìu cậu đi khắp khuôn viên của bệnh viện để cậu sớm hồi phục. Những người mẹ khác chỉ dạy con tập đi 1 lần, còn mẹ cậu thì phải mất 2 lần để dạy cậu tập đi. Nước mắt cậu tự nhiên rớt xuống, lần đầu tiên cậu khóc vì hối hận, vì thương mẹ. Lúc này, cậu chỉ ước mình có thể khỏi thật nhanh để không làm mẹ vất vả thêm nữa. Suốt thời gian đó, cậu đã suy nghĩ rất nhiều, và cảm thấy thật uổng phí cho quãng thời gian 2 năm vừa qua. Từ trước tới giờ, cậu luôn nghĩ mọi chuyện đều có thể giải quyết bằng bạo lực, nhưng không phải như vậy. Cái tính nóng nảy của cậu đã gây ra không ít phiền toái cho bản thân và cho cả mẹ. “Giá như ngày đó, mình chăm chỉ học hành, thì giờ đã khác. Liệu có quá muộn để bắt đầu lại?”- Những suy nghĩ vẫn luôn quẩn quanh trong đầu cậu. Sau khi ra viện, cậu đã có quyết định mà không ai có thể ngờ tới. Cậu học trò ngang bướng trong mắt thầy cô, thực ra là một người rất coi trọng sự công bằng, chỉ là cách giải quyết vấn đề không giống người khác. Cậu chọn làm lại cuộc đời mình bằng cách trở thành một sinh viên ngành luật. Mọi thứ chẳng hề dễ dàng vì lỗ hổng kiến thức của cậu khá lớn, nhưng sự kiên trì và quyết tâm thay đổi đã giúp cậu vực dậy nhanh chóng. Suốt 1 năm vùi đầu vào sách vở, cuối cùng giấy báo nhập học của trường Đại học luật cũng đến tay cậu. Chưa bao giờ cậu cảm thấy quý trọng kiến thức của mình đến thế. Tuy nhiên, quãng đời sinh viên tiếp theo cũng không mấy suôn sẻ, cậu vừa học, vừa đi làm phụ mẹ đóng tiền học phí. Có những lúc mệt mỏi, định bỏ cuộc, nhưng nghĩ đến khoảng thời gian đã lãng phí, cậu lại cố gắng tiếp tục. Và rồi, 4 năm ngồi dưới giảng đường Đại học cũng kết thúc. Ngày nhận tấm bằng tốt nghiệp trên tay, cậu thực sự cảm thấy vui mừng, và người có nhiều cảm xúc hơn hết, chính là mẹ cậu. Bà đã khóc, nhưng lần này là những giọt nước mắt hạnh phúc. Bà mong chờ ngày này từ rất lâu rồi, cuối cùng thì đứa con trai duy nhất cũng chọn cho mình một hướng đi đúng đắn. Sau khi tốt nghiệp, nhờ có sự chăm chỉ học hỏi và tích lũy kinh nghiệm từ thời sinh viên, mà cậu đã trúng tuyển vào một công ty luật theo đúng ngành học của mình. Cậu còn nung nấu một ý định từ hồi chưa ra trường đó là thành lập một câu lạc bộ gồm những luật sư có niềm đam mê đi tìm công lí, để giúp đỡ người nghèo đòi lại lẽ phải. Cậu hi vọng đây còn là nơi giúp đỡ các bạn sinh viên ngành luật có cơ hội tích lũy kinh nghiệm thực tế.
Sau 6 năm ra trường, cậu quay lại thăm ngồi trường cấp ba với nhiều cảm xúc. Trường đã khác đi rất nhiều, đẹp hơn, khang trang hơn, và nhiều thầy cô giáo mới. Cậu tìm gặp thầy hiệu trưởng và cô giáo chủ nhiệm năm xưa. Sau vài phút ngỡ ngàng, thầy cô mới nhận ra cậu học trò cá biệt năm nào. Không ai có thể ngờ rằng trông cậu lại chững chạc đến thế. Cậu cúi chào lễ phép, tỏ vẻ biết ơn với những người đã dạy dỗ mình suốt 3 năm cấp 3. Cô chủ nhiệm cười tươi, và dẫn cậu đi xem một thứ. Đó là những bản kiểm điểm với nét mực đã nhòe đi trên giấy. Cô trò lại nhìn nhau bật cười, bao kỉ niệm ngày xưa ùa về……..
“Là như vậy đó em gái, trưởng thành không hẳn là sự già đi theo thời gian, cũng không hẳn là kiếm được nhiều tiền. Mà nó nằm ở cách ta nhìn nhận và giải quyết vấn đề như thế nào. Trưởng thành là lúc không còn những suy nghĩ nhất thời, không còn là những hành động theo cảm xúc. Thay vào đó, ta trở nên trầm lặng, suy tư hơn. Người trưởng thành, thay vì nói, họ sẽ nghe nhiều hơn, hành động nhiều hơn, và tìm cách để biến những hành động của mình trở thành điều có ý nghĩa. Chính vì vậy mà trong mỗi nấc thang của sự trưởng thành, đôi lúc ta cảm thấy thật trống trải giữa biển người ngoài kia. Một người được gọi là trưởng thành khi anh ta không chỉ nghĩ cho lợi ích cá nhân mà còn biết hiểu, lo lắng cho người khác. Đó là khi anh ta nhận ra rằng mái tóc của mẹ mình đã có thêm nhiều sợi bạc, và bỗng nhiên cảm thấy cay nơi sống mũi vì đã không dành nhiều thời gian bên mẹ. Xa hơn nữa, đó là dành sự đồng cảm cho những người xung quanh. Bởi lẽ, con người từ xưa tới nay, vốn sống trong một cộng đồng và không thể tách rời cộng đồng ấy. Người trưởng thành, họ sẽ không ngừng cố gắng, không ngừng đam mê vì họ biết thời gian luôn lặng lẽ trôi đi và không chờ đợi một ai, vì vậy, điều con người có thể làm là sống hết mình để không bỏ lỡ những phút giây quý báu trong cuộc đời………”
Người dự thi: Giang Giang