TRƯỞNG THÀNH LÀ HÀNH TRÌNH CHẠM ĐẾN YÊU THƯƠNG
TRƯỞNG THÀNH LÀ HÀNH TRÌNH CHẠM ĐẾN YÊU THƯƠNG
Trưởng thành chưa bao giờ là vấn đề của tuổi tác. Có chăng, thời gian cho chúng ta cơ hội để trải nghiệm nhiều biến cố trong cuộc đời, dù muốn hay không muốn, vẫn cứ xảy ra. Tôi không tin trưởng thành đến từ vị ngọt của sự dễ dàng, êm đẹp. Trưởng thành phải đến từ vị đắng ngắt của thử thách, khó khăn, từ vị mặn chát của giọt mồ hôi hay giọt nước mắt rơi. Để rồi qua những lần cơn lũ cuộc đời cuốn chúng ta đi, qua cái cách mà người ta đứng dậy và nhìn lại từ nơi mình mắc sai lầm, có một điều gì đó, như là nhận thức, lớn lên bên trong. Tôi gọi đó là trưởng thành.
Trưởng thành thực sự, là vấn đề của nội tâm, của tầm nhận thức, của trí tuệ. Năm tháng đời người trôi theo dòng chảy bất tận của thời gian. Dung mạo bên ngoài không kháng cự lại được sức mạnh tàn phá của thời gian, cứ hư hao dần như chiếc lá xanh đến ngày vàng úa. Duy chỉ có trưởng thành, là đi cùng con người ta đến tận cùng thời gian, đến tận cùng không gian, trước bão giông cuộc đời lại càng như ngọn đuốc sáng, mỗi người tự thắp lên để chỉ đường dẫn lối cho chính bản thân mình. Tôi nhớ lời của ai đó, đại ý rằng, khi những biến cố trong cuộc đời ập đến, làm bạn tan nát, đau khổ, tuyệt vọng đến mức không thể chấp nhận được mà sa ngã, đánh mất bản thân mình, là vì vốn dĩ bên trong bạn cũng yếu ớt, mong manh và dễ tan vỡ như thủy tinh. Vì vậy, hành trình của trưởng thành, là hành trình biến đổi bên trong bạn – nội tâm, tinh thần, ý chí, trí tuệ – ngày càng hoàn thiện, chín chắn và thành thục hơn – nhằm ứng biến với cuộc đời vốn nhiều thay đổi này. Song tôi chẳng muốn so sánh hành trình trưởng thành với hành trình luyện tâm từ thủy tinh dễ vỡ trở thành kim cương cứng cỏi, bén nhọn. Ngược lại, để chọn một hình ảnh mang tính biểu tượng, nội tâm trưởng thành sẽ tựa như nước.
Không có gì quý giá đối với sự sống của hết thảy sinh vật trên trái đất hơn nước, và trưởng thành cũng vậy. Nếu một cái cây không đâm chồi nảy lộc, không thẫm xanh, không đơm hoa kết trái – tức là không sinh trưởng để trưởng thành - phỏng sự tồn tại của cái cây trên cuộc đời có nghĩa lý gì? Nếu một người ngưng khát khao vươn lên để hoàn thiện mình mỗi ngày, sáng trong hơn, cao đẹp hơn, đó là sống hay chỉ là tồn tại? Thiếu nước, mọi sinh vật sẽ lụi tàn – ngưng phát triển và trưởng thành, tâm hồn sẽ héo khô, cạn kiệt. Sự khốn khổ ấy chẳng khác nào phải đối diện với cái chết. Trưởng thành là nội tâm trong vắt và thấu suốt như nước.
Trong trưởng thành không thể thiếu sự chín chắn, thông suốt của trí tuệ để nhìn rõ mọi sự trên đời như bản chất chân thật của nó vốn thế. Khi chưa trưởng thành, tâm trí thường lao xao rối nhiễu, tựa như hồ nước mờ đục không thể nhìn được thấy đáy. Không có sự sáng suốt của trưởng thành, con người rất dễ sa ngã, rất dễ đưa ra những quyết định sai lầm, mà hậu quả là phải lãnh đủ, trả giá là điều đương nhiên, và hối hận cũng đã không còn kịp nữa. Trưởng thành là nội tâm ôn hòa, nhu thuận mà mạnh mẽ, kiên cường không gì bằng nước. Thật khó có thể tưởng tượng có điều gì tồn tại trên cuộc đời, thật lạ lùng, lại mang trong mình hai thái cực đối lập ấy, ngoài nước. Nước có thể là cơn mưa mát lành, thanh khiết, lọc rửa những bụi bẩn và xoa dịu cơn khát của vạn vật. Nhưng nước cũng có thể là cơn lũ sẵn sàng cuốn phăng mọi trở ngại trên con đường mình đi, là đại dương sâu thẳm, mênh mông, nguy hiểm mà hấp dẫn, kì bí và khó đoán.
Thuở còn trẻ dại, người ta có thể ham tranh đoạt, giành giật, đấu đá, thị phi, nhưng khi nội tâm trưởng thành, sẽ dần hiểu ra, sống trên đời càng nên học đức tính hiền hòa, khiêm nhường mà bao dung của nước. “Biển có thể thu nạp trăm sông, dung chứa được nên mới thành ra to lớn.”. Khoan dung cho quá khứ của mình, khoan dung cho lỗi lầm của người khác, chính là cách tốt nhất để nới rộng tâm hồn mình. Bởi sau cùng, mọi sự vui buồn, thành bại, được mất đều qua đi, không để lại dấu vết, chỉ còn lại ta với một tâm hồn khoáng đạt như biển rộng trời cao, an vui với phút giây hiện tại. Đó mới chính là điều quan trọng nhất.
Cuối cùng, hết thảy nước trong cuộc đời này, đều tuân theo một quy luật: chỉ chảy từ nơi cao hơn xuống nơi thấp hơn. Nhưng kỳ lạ thay, có lẽ vì thế mà nước băng qua được mọi địa hình, dù hiểm trở hay ngặt nghèo thế nào. Dù là đi bao xa, đi bao lâu, hay đi con đường nào, nước cũng biết cách để đổ được ra sông, để tìm về với biển cả bao la rộng lớn, kì vĩ đầy sức mạnh – cũng chính là cội nguồn của nước. Và tôi suy ngẫm về hành trình trưởng thành của con người cũng vậy.
Trưởng thành, thoạt nhìn, tưởng là làm cho cái tôi cao cao tại thượng của mình lớn lên, mạnh mẽ hơn, nhưng thật ra, trưởng thành là làm cái tôi cá nhân ích kỷ, phù phiếm ấy của mình “lớn xuống”, để nội tâm được ôn hòa, mát lành. Chỉ khi mang trong mình cái tôi khiêm nhường, một tâm hồn dịu mát, bạn mới có khả năng chữa lành mọi đau khổ mà mình từng trải qua, để hàn gắn lại những mảnh vỡ làm xước xát cả tâm hồn mình, để đứng trước mọi thăng trầm trong cuộc đời với một thái độ ung dung, bình thản và từ đó đưa ra được lựa chọn cùng hành động sáng suốt. Và quan trọng hơn, trưởng thành là để khoan dung và yêu thương hết thảy mọi thứ xung quanh, từ những điều bình dị nhất, để thấy sự sống này là đáng trân trọng và cuộc đời này dẫu có thế nào vẫn tươi đẹp và đáng sống biết bao. Giây phút trái tim ta nở hoa cùng muôn ngàn cành lá ngát xanh, ta nhận ra trưởng thành là hành trình chạm đến yêu thương, còn ta như vừa chạm đến ngọn nguồn sức mạnh tự nhiên của chính mình. Dù thế nào, trưởng thành cũng là một loại yêu cầu, là lẽ sống tất yếu của cuộc đời mỗi con người.
Chúng ta đến với cuộc đời, để học về cuộc đời. Học về cuộc đời, để trưởng thành. Trưởng thành, để dùng chính tâm hồn trưởng thành của chúng ta, trong trẻo và mát lành như giọt sương sớm mai, mà đối xử với cuộc đời và yêu thương cuộc đời. Vì cuộc đời, chắc chắn, sẽ mỉm cười lại với bạn.
Người dự thi: Phạm Thị Ngọc Anh