Trưởng thành khi tôi 18

21/06/2018

Chia sẻ bài viết:

Bước vào cánh cổng Đại học, một trang mới cuộc đời mở ra

 TRƯỞNG THÀNH KHI TÔI 18

Bước vào cánh cổng Đại học, một trang mới cuộc đời mở ra

Tuổi 18 là cái tuổi đẹp nhất của đời người biết bao ước mơ, hoài bão đang chờ đón, cũng là mốc thời gian đánh dấu trưởng thành của con người. Tuổi 18 bạn ước mơ gì, còn tôi ước mơ bước vào cánh cổng Đại học để chọn cho mình con đường lập nghiệp. Sau 12 năm ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, thì việc trở thành sinh viên là niềm mơ ước, khát khao của chính bản thân tôi cũng như biết bao bạn bè cùng trang lứa. 

  Screenshot_26

Áo trắng sân trường ngày lễ trưởng thành HS 12, ảnh tác giả chụp

Và cùng với các bạn trên con đường thực hiện ước mơ của mình, tôi đã chọn con đường lập nghiệp cho mình là nghề sư phạm. Có người hỏi tôi vì sao lập nghiệp bạn chọn nghề sư phạm? Tôi không ngần ngại trả lời vì tôi ước mơ sau này trở thành cô giáo như lời bài hát:

“Ước muốn ngày nào ôm ấp trong tim mai đây làm cô giáo 

Kìa đôi mắt tròn xoe, kìa đàn em thơ ngây, 

Hôm nay em đứng đây trong niềm mơ ước lớn 

Nghe tiếng trống thân thương dưới nắng sớm quê hương 

Rung trong bao tâm hồn đẹp khúc hát mùa xuân…” 

                                                              ( Ước mơ xanh, Nhạc và lời: Lê Giang )

Và ước mơ đó đã trở thành hiện thực. Tôi đỗ vào trường Đại học sư phạm Huế, nơi tôi có thể trau dồi kiến thức, kỹ năng để phục vụ cho cuộc sống, để khẳng định bản thân, sống có trách nhiệm với chính mình và hơn hết là để trở thành một người trí thức có ích cho gia đình và xã hội. 

Tuổi 18 tôi trưởng thành hơn khi tham gia các hoạt động tình nguyện, cộng đồng xã hội. 

Trong thời gian học đại học, tôi tham gia chiến dịch hè xanh tình nguyện. Lên miền núi tôi đăng ký dạy học tình nguyện đúng như ước mơ làm cô giáo của tôi. Một bước ngoặt trong cuộc đời kể từ đó. Nơi tôi đến là xã Ba Lòng, huyện Đakrông, một huyện miền núi phía tây của tỉnh Quảng Trị. Nơi đây cuộc sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều còn nghèo khó, thiếu thốn, điều kiện đi lại khó khăn, chính vì thế việc học tập của con em trong bản cũng trở nên gian nan, vất vả. Với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ “ Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, chúng tôi những người mang màu áo xanh tình nguyện  không ngại khó đã đến với những bản làng xa xôi, hẻo lánh như Ba Lòng, Hải Phúc của huyện Đakrông. 

Cơ sở vật chất trang bị cho việc dạy học ở đây chưa đảm bảo, lớp học thì tranh tre nứa lá. Ngoài con đường đi quá khó khăn, trèo đèo lội suối, mùa mưa có những quãng đi qua suối mà nước có thể ngập đến gần ngang người rồi.  Nhưng quan trọng hơn, việc vận động đi học ở vùng núi còn khó khăn hơn nhiều. Ở các lớp vùng cao, học sinh bỏ học như cơm bữa. Nguyên nhân vẫn là do trình độ nhận thức của đồng bào còn nhiều hạn chế. Do vậy, rất cần hoạt động “dân vận” của người thầy. Ngoài giờ lên lớp, chúng tôi phải đi thôn để vận động, tuyên truyền, phân tích cho bà con hiểu việc học tập của con em là rất quan trọng nên bà con đã hiểu ra và cho con em đi học tương đối đầy đủ. 

Có khi để vận động được 1 học sinh đi học trở lại chúng tôi phải mất đến mấy ngày ở bản. Rồi vận động, thuyết phục thế nào để cho đồng bào hiểu cũng là cả một vấn đề... Nếu không yêu nghề, thương học sinh lắm thì chắc không theo nổi. Mỗi lần vận động thành công cho học sinh đến trường thì bao nhiêu mệt mỏi cũng tan biến và xem đó như một động lực giúp giáo viên gắn bó với nghề và mảnh đất này. Dù công việc dạy học ở miền núi còn gặp nhiều khó khăn đủ bề, xa cuộc sống ồn ào nhộn nhịp nơi đô thị, xa những người thân thương của mình, nhưng tôi cảm thấy vui với sự  lựa chọn của mình. Bởi tôi nghĩ mình đang làm một việc có ích cho xã hội “ gieo chữ ở vùng cao”, đem đến cái chữ cho học sinh ở vùng cao là một niềm vui và vinh dự lớn. Niềm vui này được tôi ghi lại trong cuốn sổ nhật ký mà bây giờ xem lại tôi cứ nhớ về những năm tháng đó.  

le-thi-thu-thanh6

Cô giáo và các em mẫu giáo ở miền núi Quảng Trị, ảnh tác giả chụp

Ngày chia tay với các em ở miền núi Đakrông, cả cô và trò đều bịn rịn lưu luyến, rưng rưng nước mắt. Tôi rất nhớ các em, những khuôn mặt ngây thơ hiền dịu; nhớ những buổi học trèo đèo lội suối; những đêm đến tận nhà học sinh để vận động đi học; những buổi học giữa núi rừng trùng điệp vẳng lên tiếng đánh vần, tiếng đọc bài của các em. Có những em 10 tuổi rồi mà vẫn không biết đọc biết viết. Tôi liền đến bên cạnh cầm bút bắt tay viết từng nét chữ. Các em đánh vần được tên mình tỏ ra thích thú. Nhìn thấy các em lòng tôi lại dấy lên một tình yêu bao la. Các em thật đáng yêu, những ánh mắt thân thương của các em cho tôi cảm nhận điều đó. Ôi! Biết bao kỷ niệm đáng nhớ cùng với các em và dân bản này. Có lẽ tôi không bao giờ quên được. Còn các em và người dân ở đây cũng có tâm trạng như vậy, họ không muốn chia tay với cô giáo. Bởi chúng tôi gắn bó thân thiết với bà con dân bản  như người trong nhà ấy. Có khó khăn gì cũng có thể chung vai giúp đỡ. Lúc ra đi họ còn tặng tôi rất nhiều thứ là những sản vật của quê hương. Nhưng tôi chỉ nhận lấy một món quà duy nhất đó là tình cảm của các em và dân làng ở đây giành cho tôi suốt một năm qua. Rời bản làng trong ánh nắng chiều của một ngày hè, bên tai tôi vẫn văng vẳng tiếng gọi học sinh vọng lại “Cô về dưới xuôi nhớ viết thư cho chúng em nhé”. Tôi ngoảnh đầu quay lại và dòng lệ lăn dài trên má.

Trưởng thành là khi người trẻ tham gia nhiều hoạt động có ích thể hiện lòng tri ân đến các anh hùng liệt sỹ là đó là hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”,“Uống nước nhớ nguồn”. Nhân ngày thương binh liệt sỹ 27-7 hằng năm, tôi cùng với Đoàn viên thanh niên đến các Nghĩa trang liệt sỹ tại quê nhà để dọn dẹp vệ sinh, phát quang cây cỏ, lau chùi khu mộ chưa biết tên. Hoạt động thắp nến tri ân được tuổi trẻ hưởng ứng tham gia tích cực như là cách nhằm thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc; nâng cao ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ trong cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

le-thi-thu-thanh7

Tri ân anh hung liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị, ảnh tác giả chụp

Trưởng thành là khi tôi chung tay cùng với mọi người giữ gìn vệ sinh môi trường xanh sạch đẹp, đó là hoạt động ra quân vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại các khu vực công cộng; phát quang hành lang an toàn giao thông khu vực liên thôn, liên xã. Hoạt động này tạo mỹ quan, môi trường xanh sạch đẹp, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức về giữ gìn vệ sinh môi trường cho mọi người.

   Screenshot_27

Vệ sinh môi trường, ảnh tác giả chụp

Có thể nói tham gia các hoạt động tình nguyện, cộng đồng xã hội là dịp để người trẻ trưởng thành hơn. Đồng thời đây cũng là quảng thời gian trải nghiệm hết sức có ý nghĩa, giúp tuổi trẻ thấu hiểu sâu sắc những khó khăn, vất vã trong cuộc sống thường ngày của người dân. Điều này càng làm nhân rộng sự quyết tâm, mong muốn chia sẽ một phần khó khăn cho bà con trong lòng của người trẻ. Qua đó, khi trở về nơi mình sinh sống, học tập, họ thấy rõ hơn trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng, phấn đấu vươn lên và khẳng định mình trong cuộc sống. 

Trưởng thành chính là lúc ta được phấn đấu vì lí tưởng cao đẹp, được cống hiến cho quê hương, đất nước bằng ngọn lửa tuổi trẻ “Đâu cần thành niên có, đâu khó có thanh niên”. Hãy tham gia những hoạt động thực tế đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng và xã hội để được trưởng thành, tự tin hơn và thấy cuộc sống luôn luôn có ý nghĩa. 

le-thi-thu-thanh8

Chia sẻ giọt hồng, ảnh tác giả chụp

Tuổi 18 đánh dấu mốc bước qua những cánh cửa đầu tiên của một phần tư đời người. Sẽ còn rất nhiều cánh cửa đang khép và chờ đợi người trưởng thành mở ra ở phía trước. Trưởng thành là để khẳng định bản thân và đóng góp cho cộng đồng xã hội.

Người dự thi: Lê Thị Thu Thanh

Thay lõi đúng hạn, bảo vệ gia đình bạn

Nước sạch trọn đời, máy bền bỉ hơn

Lõi lọc thô (đến 12 tháng), Màng RO (từ 24-36 tháng), Lõi lọc chức năng (từ 12 tháng)

*Lưu ý: Các sản phẩm lõi lọc sau khi thay nên được xả đúng nơi quy định, thùng rác dành cho nhựa tái sinh.