Trở về từ cõi chết, tôi đã Trưởng Thành
Nếu chưa từng vấp ngã, chưa từng trải qua cơn lầm mê đẫm nước mắt và khổ đau thì con người ta thật khó để trưởng thành.
TRỞ VỀ TỪ CÕI CHẾT, TÔI ĐÃ TRƯỞNG THÀNH
Nếu chưa từng vấp ngã, chưa từng trải qua cơn lầm mê đẫm nước mắt và khổ đau thì con người ta thật khó để trưởng thành.
Tôi nhận ra điều ấy vào năm hai mươi tám tuổi, khi tôi bị chấn thương sọ não vì tai nạn giao thông. Hôn mê hơn một tháng ở bệnh viện Chợ Rẫy, ra viện trong tình trạng có người cõng lên xe. Về nhà trong trạng thái tứ chi đơ đơ nên nằm một chỗ.
Nằm một chỗ, tôi hay tin chồng có tình nhân. Khóc lóc, van nài thảm thiết chồng vẫn nhất định đòi ly hôn. Đau không chịu nổi.
Đúng là đời mấy ai biết được chữ ngờ, có giàu tưởng tượng thế nào tôi cũng không nghĩ ra chuyện có một ngày anh bỏ tôi. Nói bỏ còn nhẹ, phải gọi phụ bạc mới đúng. Lên núi dạy, phải lòng chàng trai xứ người, tôi bỏ qua những lời phản đối mà theo “chàng về dinh” khi trước đó tôi chưa từng hẹn hò với ai. Là tôi thấy anh hay hay, một chút công tử, một chút phong trần, anh hứa sẽ chăm bẵm tôi như một bà hoàng. Tiêu chí của mẹ tôi là không cần giàu nghèo, miễn yêu thương tình nghĩa. Vậy thì có gì để nghĩ ngợi, anh chưa có việc làm, nghèo xơ xác thật, nhưng tôi có niềm tin chắc mầm rằng gã trai nghèo sẽ chiều chuộng một cô nàng có học, có công ăn việc làm. Vậy là cưới, là sinh con, là để anh chở đi trong lúc sần sần tự gây tai nạn và bị anh đá hất theo cách người ta ném đi một miếng giẻ rách.
Hai chín tuổi, tôi làm mẹ đơn thân nơi đất khách. Bơ vơ, trơ trọi.
Một mình ra vô bệnh viện điều trị di chứng. Y học hiện đại đã giúp tôi đi đứng được, dù tai nạn đã cướp thị lực của một con mắt và cơ thể có thêm căn bệnh khủng hoảng tâm lí sau những san chấn khủng khiếp của thể xác và tinh thần nên cứ đều đặn ngất.
Trong tình trạng mong manh, đồng nghiệp khuyên tôi nghỉ thêm để dưỡng sức nhưng tôi không thể, đang cô đơn, nếu cứ ở nhà tôi sẽ buồn đến chết. Tôi muốn dùng công việc để chạy trốn hiện tại khổ đau. Với lại trước nay tôi vẫn là cô giáo yêu nghề. Nghỉ lâu không đến trường, tôi buồn lắm. Nhớ những ngày còn nằm viện, bệnh viện gần trường học, mỗi khi nghe tiếng trống là nước mắt dầm dề. Tôi năn nỉ mẹ bỏ lên xe lăn đẩy tới cổng bệnh viện để nhìn cảnh học sinh đi học, tan lớp. Những chiếc áo trắng ngây thơ nói cười, nhìn những học sinh xứ người, tôi hối hận những phút nóng nảy quát mắng học sinh của mình, tôi xấu hổ vì đã có lúc bỏ cả tiết học để nói những chuyện vô bổ. Nhớ trường, nhớ lớp, tôi nhận ra cái ước mơ được làm nhà báo hồi trẻ là nông nổi, chỗ của tôi phải là cô giáo, tôi sinh ra để làm cô giáo, tôi không dám hình dung mình sẽ thế nào nếu không được cầm phấn nữa.
Nhưng mọi chuyện không diễn biến đơn giản. Trở về từ cõi chết, đi dạy khi hình hài cũ không còn, tôi bị chấn động mạnh bởi những xì xào xung quanh. “ Sau tai nạn cô giáo khác thường làm sao ấy, trông ngơ ngơ, khờ khờ...” “chấn thương sọ não không khùng đã may rồi…”, lúc nghe những lời vô tâm như vậy, tôi đau một nỗi đau vô cùng tận. Học trò ngây thơ kể: “ Em nghe người ta bảo, sau tai nạn, cô không được bình thường, họ còn bảo, giáo viên mà lé thì bắt tài liệu khỏi chê, nhìn bụi ớt chết bụi cà.”
Rất nhiều những câu tương tự vậy, tôi nghe xong chứa chan lệ. Trước khi bị tai nạn, tôi là tổ trưởng chuyên môn, chuyên viên Văn của Phòng giáo dục, đi dạy sau tai nạn, tôi lần lượt biết mình không còn giữ nhiệm vụ gì, lúc tinh thần đang hoang mang thì điều đó làm tôi khủng hoảng. Áp lực dư luận và công việc bóp nghẹt, đã vậy, người chồng đầu gối tay ấp đâm đơn ly hôn. Tôi rơi vào thảm cảnh “ thập diện mai phục”, lúc nào cũng thấy bẽ bàng, mặc cảm, khổ đau. Tôi cố tìm đến cái chết như một sự giải thoát.
Em gái phát hiện trong tình trạng cổ tay bị cắt sâu, đổ máu. Tự tìm cái chết là tội lỗi, chết thì bản thân hết đau khổ, còn người thân sẽ ra sao, con trai sẽ vào cô nhi viện, bố mẹ sẽ khóc đến mù mắt. Chết đi, chết đi cho sướng …
Cũng ngày hôm đó, một học trò cũ nhắn vào điện thoại tôi “Tôi không tin vào chủ nghĩa anh hùng; tôi biết nó dễ dàng và tôi đã học được rằng nó có thể đẫm máu. Điều tôi mong muốn là sống và chết cho điều tôi yêu.”. Tin nhắn vô tình của cậu học trò hiện đang công tác ở xa như một phép màu làm tôi thức tỉnh.
Tôi quyết định sống khác.
Tôi giành quyền nuôi con và cắt đặt lại cuộc sống của mình. Nơi xứ người, nhìn qua nhìn lại không có ai, tôi cảm giác không ổn. Ngày xưa, tôi nằng nặc phải trở thành cô giáo vùng cao mặc gia đình phản đối. Bây giờ, khi đang trong cơn tai biến, khi thân thể trầy trụa, tôi rất cần sự hỗ trợ của gia đình nhưng không thể quay về. Chuyển trường ư ? Chuyện nói nghe nhẹ nhõm nhưng không dễ làm. Dù rất yêu nghề thì tôi cũng đã thấy hối hận vì ngày xưa một hai phiêu lưu với những lí tưởng thiếu thực tế. Không chuyển trường được thì chuyển chỗ ở. Tôi đem con về mẹ, mỗi ngày lắc lư trên xe buýt 80km đi về nhưng rất vui vẻ vì con trai có ông bà ngoại chăm, ở nơi mới, tôi dễ dàng để quá khứ tồi tàn ngủ yên và bắt đầu cuộc sống khác một cách chủ động.
Tôi lên lớp bằng trái tim thanh xuân. Ngoài việc nắm chắc trình độ học sinh để có cách tiếp cận, phân hóa để tìm phương pháp giảng dạy phù hợp tôi còn tìm hiểu nắm bắt hoàn cảnh, gia thế của học sinh. Với những em có hoàn cảnh khó khăn, tôi luôn tìm cách giúp đỡ. Đó có thể là tập vở, là chiếc áo ấm, là đôi giày, cũng có thể là những bài viết kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ. Khi những học sinh thọ nhận sự giúp đỡ và có động lực để cố gắng, tôi hạnh phúc như người được nhận sự giúp đỡ là mình vậy. Đó là lúc tôi nhận ra giá trị bản thân.
Niềm vui cho đi giúp tôi quý trọng từng giây từng phút của sự sống. Lúc đó tự dưng nghĩ, nếu thần chết mang mình đi trong tai nạn đó, nếu mình tự tìm đến cái chết ở tuổi hai chín thì mình đã chưa kịp làm một việc gì có ý nghĩa. Cuộc sống không ý nghĩa là cuộc sống … chết. Thực sự cảm ơn những giờ phút đối mặt với tử thần để tôi hiểu rằng, phải sống như đó là ngày cuối cùng của cuộc đời.
Cái ngày tôi nhận ra chân lí đó, tôi thấy mình đã trưởng thành, trưởng thành thực sự.
Trưởng thành rồi, tôi thấy có lỗi với đấng sinh thành. Bố mẹ tôi là nông dân. Con đông, chỉ trông vào mấy sào ruộng nên nơm nớp “ăn bữa nay lo bữa mai”. Lại thêm một thời gian dài mình mẹ cõng hết bầy con (ba ở trại cải tạo) nên khó khổ trăm bề. Không có tấm áo lành, “ăn cá mút xương ăn mắm mút dòi” nhưng mẹ kiên quyết : Mình tao mù chữ là đủ! Vì tôn chỉ không được dốt của mẹ nên chị em tôi đều được sách vở tới trường, có điều vừa học vừa làm. Tôi đậu Đại học nhưng phải trở thành sinh viên trường Cao Đẳng, đi học bằng chiếc xe đạp cà tàng. Bạn bè bảo, xe mầy chỉ cần té trầy da thì sẽ nhiễm trùng mà chết ngay đuôi. Tuổi trẻ tôi không có quần rin, áo pull, không xe đạp xịn, không ta tụ cà phê cà pháo, tôi từng oán cha mẹ “bất tài”, đã nghèo lại sinh con đông, báo hại khổ mình khổ con. Tôi trách mẹ nhà quê, nấu cơm cứ chụm củi mà không chịu mua bếp ga, nấu chè nhất định chỉ hầm mỗi đậu đen mà không dám chi tiền nấu nồi thập cẩm, con gái lớn tồng ngồng năn nỉ không có đôi hoa tai, trở thành sinh viên vẫn bắt mặc quần xanh áo trắng thời phổ thông, tôi trách ba mẹ để mình thua chị kém em, và vân vân... Đến khi thoi thóp, ba mẹ mới là người cận kề tôi mỗi ngày bên giường bệnh. Ba mẹ ơi, là con sai, con xin lỗi. Xin lỗi vì con đã không sớm nhận ra chỉ ba mẹ là người yêu thương con nhất. Bây giờ con chỉ ước ba mẹ được mạnh khỏe, chỉ cần mạnh khỏe thôi để mỗi lần con gái về nhà lại hỏi “ ba đâu hở mẹ ??” là thấy hạnh phúc an yên.
Trưởng thành rồi. Tôi vui vẻ chấp nhận hiện tại khổ đau, trân quý gia đình, nâng niu những điều tôi đang có. Tôi hiểu hạnh phúc hay khổ đau đều là lựa chọn của bản thân.
Cảm ơn cuộc đời, cảm ơn những lần vấp ngã đã giúp tôi sáng mắt sáng lòng.