Khu vực nước nhiễm asen
Asen là nguyên tố có trong thiên nhiên, rải rác khắp nơi trong vỏ trái đất, trong nguồn nước ngọt và môi trường. Asen nguyên tố và các hợp chất của Asen cũng được Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) và liên minh Châu Âu (EU) công nhận là các chất gây ung thư nhóm 1. Asen có thể xâm nhập cơ thể theo 3 đường: hô hấp, da và chủ yếu là tiêu hóa. Asen tác động xấu đến hệ tuần hoàn, hệ thần kinh. Ngộ độc asen có hai dạng: cấp tính và mạn tính với các triệu chứng như sau:
- Ngộ độc cấp tính: Có triệu chứng giống như bệnh tả, xuất hiện rất nhanh, có thể là ngay sau khi ăn phải thạch tín. Bệnh nhân nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy liên tục, khát nước dữ dội, mạch đập yếu, mặt nhợt nhạt rồi thâm tím, bí tiểu và chết sau 24 giờ.
- Ngộ độc mạn tính: Dạng này thường xảy ra do tích lũy liều lượng nhỏ thạch tín trong thời gian dài. Triệu chứng bao gồm: mặt xám, tóc rụng, viêm dạ dày, viêm ruột, đau mắt, đau tai, đi đứng loạng choạng, xét nghiệm có thạch tín trong nước tiểu, người gầy còm, kiệt sức rồi tử vong trong vài tháng hoặc vài năm.
Việt Nam là một trong những nước có các đồng bằng châu thổ có nguồn nước ngầm chứa hàm lượng asen cao. Trong vòng 20 năm trở lại đây, cùng với sự giúp đỡ của nhiều tổ chức quốc tế, các nhà khoa học nước ta đã tiến hành nghiên cứu, điều tra, xác định và đã xác định được một số địa phương có hàm lượng asen trong nước ngầm rất cao vượt quá ngưỡng cho phép theo quy chuẩn của BYT cho nước ăn uống như sau:
Nồng độ asen cao ở các tỉnh thành khu vực: Hà Nội (Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Đan Phượng, Hoàng Mai, Thanh Trì…), Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Đồng Tháp, An Giang và một số khu vực ở đồng bằng sông Mêkông.
Nồng độ asen ở mức trung bình: Cao Bằng, Phú Thọ, Hòa Bình, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Trị, Huế, QUảng Nam, Gia Lai
Bản đồ các vùng nhiễm Asen-UNICEF