Đã đến lúc gọi hai tiếng Trưởng Thành
Đã đến lúc gọi hai tiếng Trưởng Thành
"ĐÃ ĐẾN LÚC GỌI HAI TIẾNG “TRƯỞNG THÀNH”
“Gửi đến chính tôi năm mười tám: Giờ bạn đã trưởng thành rồi đấy Đã hiểu được cuộc sống là toan lo Bạn đang bôn ba khổ cực, đi rồi chạy Nhưng cũng qua vì bạn sẽ trưởng thành.” – Hy vọng bạn đủ can đảm để vượt qua nỗi đau tuổi mới lớn!
(*)Trưởng thành không có nghĩa là “Quên đi yêu thương” Tôi viết nên những dòng này khi tôi hiểu và đang giữ trong lòng nỗi phiền muộn về tuổi tác. Một đứa trẻ chỉ xấp xỉ mười tám, vẫn đang sục sôi bầu máu trẻ thì điều gì lại phải nghĩ đến tuổi tác của mình? Thật quá lo xa chăng? Không! Vấn đề tôi đang nghĩ suy về “ tuổi tác” là của ba và mẹ tôi. Ba mẹ nay đã gần tròn năm mươi lăm, khoảng độ tuổi mà lẽ ra đã phải nhìn đứa con, đứa cháu đùa giỡn và dần trưởng thành. Nhưng giờ khi chỉ mới như thế này, làm sao tôi có thể lo chu đáo cho ba mẹ về mặt vật chất? Nhưng vẫn có thể tôi còn làm được một thứ, trao cho ba mẹ những món quà yêu thương tinh thần mỗi ngày. Ấy vậy mà, những lời thương cứ theo độ tuổi tôi lớn lên mà vơi dần, vơi dần... Tôi không thể trách thời gian hay độ tuổi, điều đáng trách nhất thực tế, lại là chính tôi. Khi người ta dần lớn lên, mỗi lời yêu thương lại vơi đi đôi chút, từng chút, từng chút một rồi tại một thời điểm nào đó, chữ “ yêu thương” sẽ như một viên ngọc hiếm hoi và thậm chí, người ta thấy “ ngượng” để cất lên hai từ thiêng liêng ấy. Là do độ tuổi và việc trở nên trưởng thành biến người ta thành như thế chăng? Nếu bạn đang giữ trong lòng suy nghĩ như thế thì xin thứ lỗi vì tôi gọi ban là người giỏi lấy cớ! Độ tuổi sẽ ảnh hưởng đến cách ta suy nghĩ một vấn đề, nhưng nó lại bất khả thi khi đứng trước cảm xúc và nội tâm. Trưởng thành chỉ là một ngưỡng cửa nơi người ta bước qua để đương đầu với một quảng đường sống khác. Nhưng việc trưởng thành ra sao và như thế nào là do chính bạn quyết định. Bạn, bao gồm cả bản thân tôi, có nhận ra được rằng mỗi ngày bên người ta yêu thương là phúc phần lớn lao nhất mà ta còn có thể nhận. Mọi nơi luôn có bản chất là chiến trường nhưng gia đình là nơi chỉ có con người biến nó thành chiến trường. Bên ba, bên mẹ, bên vợ/chồng, con cái và những người ta yêu thương là khoảng thời gian con người được sống thật sự. Tôi tin có nhiều bạn trẻ, nhiều anh chị nghĩ rằng việc “yêu thương” là hành động trẻ con và nếu là người trưởng thành, giữ trong lòng là đủ. Tôi xin được đồng ý rằng nếu bạn là một người trưởng thành, bạn sẽ phải học cách im lặng và lắng nghe. Nhưng đôi khi, có những thứ bạn im lặng sẽ chỉ thể hiện hành động của kẻ ích kỷ hơn là một người có suy nghĩ trưởng thành, trong đó có việc yêu thương. Khi chỉ giữ mãi trong lòng niềm yêu thương, chỉ ấp ủ nó mà không thốt ra tròn tiếng, phải chăng chỉ có bạn nhận được nó, chỉ có bạn giữ riêng cho bạn niềm yêu thương ấy. Thật quá đỗi ích kỷ! Đã sắp tới rồi, giây phút bên cạnh những người bạn yêu thương rồi sẽ hoá thành kỷ niệm. Hãy luôn nói lời yêu thương chân thành đến ba, đến mẹ, đến những người năm tháng khổ cực, gửi đến bạn sự bao dung và cả cuộc sống họ. Rồi mọi thứ sẽ dần là kỷ niệm, chỉ có yêu thương còn đó, trong chính bạn. Không mất chút đồng nào đâu để nói chữ yêu thương chân thành. Hãy ôm ba mẹ một cái thật chặt vì bạn đã trưởng thành, bạn hiểu phút giây bên ba bên mẹ là quý báu. Hãy hôn lên má người vợ hiền và con thơ vì bạn đã trưởng thành, bạn hiểu đắp xây một mái ấm có tầm quan trọng ra sao cho tương lai con của bạn. Hãy gửi đến mọi người bạn yêu thương chữ “ yêu thương” mà bấy lâu nay ủ dột chưa kịp nói vì giờ bạn đã trưởng thành, bạn hiểu được phút giây nói được hai chữ yêu thương thật quý báu nhường nào! Nếu bạn trưởng thành thật sự, tiếng yêu thương chân thành sẽ là thứ bạn dùng để xoa diệu nỗi đau tuổi lớn sau ngày dài “chinh chiến” ở nơi chiến trường mang tên “ xã hội”! Tái bút: Con yêu ba mẹ nhiều lắm. Mong ba mẹ bên con để nhìn con khôn lớn và trưởng thành. Con gửi ba mẹ tình yêu thương chân thành và quý giá, của con!
(*) Trưởng thành là khi đến nơi làm việc mà không có sẵn bức thư xin từ chức Nếu như bạn là một người trưởng thành, bạn sẽ đến công ty, nơi bạn làm việc, mà không giữ sẵn tấm đơn xin nghỉ việc! Thật sự là như thế. Khi viết nên những dòng này, tôi đã đọc đến một chương của quyển sách “Trưởng thành sau ngàn làn tranh đấu” của tiến sĩ người Hàn Quốc - Rando Kim. Chương tôi đang đọc tới là khi ông kể về cô học trò của mình, một người đang chật vật với cuộc sống bộn bề của công việc. Nỗi đau tuổi mới lớn cùng sự mệt mỏi của công việc thôi thúc cô nhớ lại ước mơ mình từ thuở bé và ý nghĩ viết sẵn tấm đơn xin nghỉ việc sẵn để trong chiếc cặp. Đến lúc khi đọc đến dòng lời khuyên của tiến sĩ Kim cho cô gái trẻ, tôi chợt tin rằng nhất định các bạn và cả chính tôi, đang và sẽ cần đến nó một ngày không xa! Giữa cuộc sống tất bậc này, tìm được một công việc đã khó, có cho mình được công việc mình yêu thích càng khó hơn. Chưa tính khi vào làm việc, áp lực công việc nặng nề, áp lực tranh đua thành tích, áp lực thoả mãn cấp trên, áp lực tiền lương thiếu thốn,... có thể đánh bại nguồn năng lượng dồi dàu của người nhân viên. Đến một mức độ nào đó, chúng ta sẽ từ bỏ và rồi lại bôn ba đi tìm công việc mới giữa chốn đông người. Khi chấp nhận việc từ bỏ, bạn không phải người trưởng thành mà là kẻ yếu đuối.
Khi cứ chạy theo công việc mù oán, làm khổ bản thân, bạn không phải người trưởng thành mà là kẻ cố chấp. Và một câu hỏi được đặt ra: Bằng cách nào để là người trưởng thành trong công việc? Tôi xin được lấy nội dụng của tiến sĩ Rando Kim ra như một câu trả lời tôi tin là hiệu quả nhất! Nếu bạn là một người trưởng thành trong công việc, bạn sẽ đủ khả năng để biết rằng công việc mình đang làm có giúp bạn trưởng thành hay chăng. Nếu là có, hãy cố gắng và chịu đựng để thôi thúc bản thân trưởng thành. Nếu là không, hãy bản lĩnh từ bỏ và tìm cho mình công việc mới, công việc mà nó sẽ thôi thúc bạn trưởng thành! Trưởng thành rất quan trọng, nó thậm chí tương đương với việc tồn tại. Hãy lĩnh hội những bài học trong cuộc sống và công việc, dù khổ cực thì hãy cứ níu lại để công việc ấy giúp ta trưởng thành và tiếp nhận bài học quý giá cuộc sống đem lại. Cũng hãy bản lĩnh rời đi nếu công việc ấy không cho ta cơ hội phát triển, đừng để giá trị “ trăm/triệu đồng” của đồng lương níu giữ! Tái bút: Nếu đến công ty mà sẵn giữ trong lòng ý định nghỉ việc, bạn sẽ chỉ chờ mong cơ hội để dùng nó thay vì là đón nhận cơ hội để lĩnh hội sự trưởng thành trong từng khổ cực của công việc ấy. Điều đó chứng tỏ bạn chưa là người lớn!
(*) Trưởng thành là đôi khi biết lột đi chiếc mặt nạ Khi người ta bắt đầu lớn lên và quen dần với lối sống hơn thua trong xã hội, mỗi người đều tạo ra cho mình riêng một chiếc mặt nạ! Tôi xin được đưa ra những ví dụ cụ thể về chức năng của những chiếc mặt nạ trong đời sống mà mỗi ai cũng có: -Chiếc mặt nạ để che lại cảm xúc thật (vui, buồn, tức, tiếc, giận, thất vọng,...) của bản thân -Chiếc mặt nạ để là một hình mẫu hoàn hảo -Chiếc mặt nạ để được hoà nhập với những gì mới lạ Sếp bạn vừa trách oan cho bạn một cách lớn tiếng chỉ vì ông ta vừa sơ ý tự làm đổ chiếc tách cafe lên bộ vest đắc tiền, bạn vừa mới biết được tin gia đình mình sắp đối mặt với cú khủng hoảng kinh tế, bạn được chuyển công tác đến một chi nhánh khá xa nhà và mọi người đều có đôi mắt kỳ lạ hướng về bạn,... bấy nhiêu thứ đã đủ làm cuộc sống rối bời và mệt mỏi. Theo bạn, làm thế nào để giải quyết ổn thoả bấy nhiêu chuyện? Xét một cách thực tế, chỉ cần dùng chiếc mặt nạ là người ta đã có thể giải quyết êm xui mọi chuyện. Chuyện ông sếp, chỉ cần đeo chiếc mặt nạ che lại sự bực bội vì tính “ giận cá chém thớt” của ông , rồi hạ mình xin lỗi hết mực, khẩn xin ông ta bỏ qua, vậy là chuyện đã được giải quyết. Chuyện cú khủng hoảng kinh tế gia đình, chỉ cần đeo chiếc mặt na để trở thành một trụ cột gia đình hoàn hảo, mạnh mẽ, lớn tiếng bảo rằng mình sẽ giải quyết được công việc, sau đó tự vào phòng tối khóc xót cho sự áp lực đang đè nặng lên vai, vậy cũng đã có thể giải quyết được chuyện. Còn vấn đề mới mẻ của công việc khi bị chuyển công tác, chỉ cần đeo chiếc mặt nạ thân thiện, mót chút ít tiền mua quà cho cấp trên và những đồng nghiệp, lên tiếng trả giúp mọi người sau mỗi bữa ăn, thế là bạn đã được thiện cảm của mọi người dù cuối tháng bạn sẽ phải đói meo vì mình thiếu trước hụt sau, nhưng cũng đã giải quyết được vấn đề! Bạn có thấy được sự kỳ diệu của những chiếc mặt nạ chưa? Chỉ cần chúng là những khó khăn đều sẽ được giải quyết! Nhưng liệu, cái giá để trả có quá đắt? Để được lòng mọi người và cấp trên, bạn sẵn sàng để cho bản thân mình rơi những giọt nước mắt thương tâm cho chính mình, tự đưa mình vào khổ đau và bất hạnh khi không thể sống thoải mái như mình đã từng là đứa trẻ. Ở mọi nơi, bạn luôn đeo trên mặt những chiếc mặt nạ để vui vẻ và mạnh mẽ trước mắt bạn bè, đêm về lại trăn trở những toan lo chật vật, bạn có thấy mỏi mệt chăng? Kể cả khi về với gia đình, nơi đáng lẽ mọi phiền muộn sẽ được xoá bỏ, nơi sẽ đem lại cho bạn sự ấm áp, bình yên, giờ đây, bạn cũng phải đeo chiếc mặt nạ khi ngủ để là một người cha trọn vẹn, một người mẹ đảm đang, một người con chăm chỉ; bạn có thấy mệt mỏi chăng? Biết khi nào có một giây phút, mọi người có thể gỡ những chiếc mặt nạ ra để sống với chính mình và để được gặp gỡ những người ta thật lòng yêu thương. Nhiều người họ thậm chí còn lấy cho mình lí do rằng nếu là một người trưởng thành, bạn sẽ cần những chiếc mặt nạ vì có chúng, ta mới cư xử như người lớn. Lý do ấy khiến tôi bật lên đôi câu hỏi: Là ứng xử thông minh hay là giả tạo? Là cư xử như người lớn hay cố tỏ vẻ như người lớn nhưng thực chất bên trong lại là sự khờ dại của đứa trẻ? Tôi tin rằng, nếu là người trưởng thành, ta sẽ biết yêu thương chính mình. Vì bản thân là mấu chốt của những mối quan hệ, có yêu thương mình thì mới có thể yêu thương người xung quanh. Hãy đôi lúc giải phóng chiếc mặt nạ để cảm xúc được tự do. Thay vì mạnh mẽ, hãy ôm mẹ một cái để khóc, rồi lại có thêm nguồn lực để mạnh mẽ. Thay vì kiềm chế sự giận dữ, hãy đến nơi ít người và thét cho thoả nổi giận dữ, rồi lại bình tĩnh và sáng suốt. Người trưởng thành, tôi tin là không phải “tỏ vẻ” mà là “chính mình”, bởi khi đó, riêng người trưởng thành họ mới hiểu, bản thân họ đang cần gì và nỗ lực như thế nào mới đạt được nó! Mỏi mệt không khi phải giữ chiếc mặt nạ trên người lâu đến thế? Bỏ lại chúng đôi lúc ,nhé?
(*)Bạn đang là người sắp sửa trưởng thành hoặc đang trưởng thành. Dù bạn đang bâng khuâng và đầy do dự với quá trình bạn lớn lên ( về nhận thức và tinh thần), nhưng hãy giữ cho mình vài dòng thông điệp tôi xin gửi: Đã đến lúc bạn là chính mình, dù có chút khổ đau và lầm lụy, vực thẳm cuộc đời bạn sắp bước qua sẽ chỉ có bạn đối mặt nhưng cứ là chính mình trước đã, rồi sẽ có những người, những ai yêu thương bạn, chắp nên đôi cánh trắng để giúp bạn bay qua và vươn xa hơn nữa, tất cả nằm ở bản thân bạn, liệu bạn có thể mở lòng để yêu thương chắp cánh?
Trưởng thành với tôi là thế đấy, còn bạn?
Người dự thi: Võ Lập Phúc