Con đã trưởng thành chưa hả mẹ?
Con đã trưởng thành chưa hả mẹ?
Con đã trưởng thành chưa hả mẹ?
Dù bạn mới chỉ là những cô bé, cậu bé 5 tuổi hay khi bạn đã ngoài 30 thì trong mắt của cha mẹ, chúng ta vẫn chỉ là những đứa trẻ chưa đủ trưởng thành, vẫn cần được bao bọc và chở che. Trưởng thành không phải là khi bạn kiếm được nhiều tiền, mang đến cho cha mẹ một cuộc sống khá giả. Mà trưởng thành đơn giản là khi bạn vô tình nhìn thấy những giọt mồ hôi của cha rơi trái tim bỗng nhói lên thổn thức, nhìn thấy mái đầu mẹ đã tiểm tấm vài sợi bạc mà cảm thấy xót xa. Trưởng thành là lúc bạn biết nén nước mắt vào bên trong, biết đặt mình vào vị trí của người khác, biết cho đi mà không hề toan tính, nghĩ suy…
Với cha mẹ chúng ta mãi mãi là những đứa trẻ chưa đủ trưởng thành
Hồi 5 tuổi tôi thường lấy nước mắt ra làm lá chắn: Không muốn đi học cũng khóc, không được đi chơi cũng khóc, không muốn ăn cũng khóc, không được mua đồ chơi cũng khóc, bị ốm cũng khóc… Mẹ ôm tôi vào lòng và bảo:
- “Biết bao giờ mới lớn được hả con gái?”
Rồi khi tôi bước vào độ tuổi thiếu niên đi học cùng các bạn không cần bố mẹ phải đưa đón thì: Bị bạn bắt nạt cũng khóc, về nhà một mình cũng khóc, bị điểm kém hơn bạn cũng khóc, bị thầy nhắc cũng khóc… Mẹ lại trìu mến bảo:
- “Vẫn chưa trưởng thành được con ạ!”
Rồi lớn thêm chút nữa, khi tôi bước chân vào cánh cổng trường đại học, phải xa gia đình, những tủi hờn trong lòng chất chứa như một ngọn núi lớn. Đó là những ngày đi làm khuya lắc khuya lơ mới lóc cóc đạp chiếc xe đã chẳng còn chỗ nào lành lặn về phòng. Người đói đến lả ra lại lủi thủi nấu vội bát mỳ tôm ăn cho xong bữa. Bất giác bật lên một bản nhạc có giai điệu da diết, ngậm ngùi nhớ về bữa cơm sum họp gia đình có đầy đủ các thành viên dù chẳng phải là những món ăn cao sang gì cả: Chỉ có đĩa rau muống luộc, dăm ba con tép mại, bát cà muối, đĩa lạc rang… mà thèm mà nhớ, hai dòng nước mắt lăn dài trên má lúc nào không biết. Hay có những ngày bộn bề với lịch trình dày đặc: Hết học trên giảng đường lại lao đi làm, người vừa mệt vừa đói, dù có cố gắng đến mấy cũng vẫn bị người ta mắng, người ta la. Ấm ức đến nỗi trong dạ dày chẳng có gì nhưng đã cảm thấy rất no. Lại tự nhủ lòng: Những ngày ở nhà mà lỡ bị mẹ hay ba quở trách thì cũng phải cố làm ra cái bộ mặt khó coi nhất, cũng phải trả treo lại vài câu mới chịu. Bất chợt có những ngày mệt mỏi quá, lại xách balo về nhà nhìn thấy mẹ thấy cha là bao nhiêu tủi hờn cứ thế trào ra, xà vào lòng mẹ nức nở như đứa trẻ con không được mua quà. Mẹ lại cười xòa xoa đầu đứa con gái khờ dại:
- “Chẳng biết bao giờ con gái mới trưởng thành được đây?”
Rồi đến khi ra trường đi làm lại có nhiêu thứ phải lo toan: Nào tiền phòng trọ, tiền ăn uống, tiền đi lại, tiền gửi cho ba mẹ đóng học phí cho các em ở quê… và vô vàn những thứ không tên phải tri trả. Thế mà một ngày đẹp trời bị sếp mắng uất ức quá gửi đơn xin nghỉ việc. Thất nghiệp! Lại vác balo về nhà thăm ba mẹ, nhìn mấy đứa em nhỏ đang tuổi ăn tuổi chơi mà vẫn phải tranh thủ khoảng thời gian rảnh ít ỏi phụ giúp ba mẹ chuyện đồng áng, cơm nước. Nhìn thấy ba mẹ đầu hai thứ tóc mà vẫn phải vất vả ngược xuôi vì con cái mà nước mắt bất giác lại rơi. Thế rồi ăn một bữa cơm nhà lại lóc cóc bắt xe lên thành phố xin việc từ đầu…
Trưởng thành là khi có đau đớn, mệt mỏi đến mấy cũng không rơi nước mắt
Tôi chẳng nhớ nổi khi nào mình trưởng thành nữa? Chỉ biết khi tôi có thể tự chăm sóc cho bản thân, lo được cho gia đình đỡ đần bố mẹ, bớt đi những giọt nước mắt than ngắn thở dài, thêm vài nếp nhăn trên trán và cảm thấy ở mình chẳng còn cái sự ngây thơ, non nớt nữa. Có một kỷ niệm mà suốt đời này tôi cũng không thể quên nổi. Đó là lần mẹ bị tai nạn!
Đang làm viêc thì tôi nhận được cuộc gọi của cha báo rằng mẹ bị xe máy tông vào và được người ta đưa đi cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh nhân sự. Kẻ gây tại nạn thì chạy mất và không ai biết hắn ở đâu. Cái tin như sét đánh bên tai, tôi lặng cả người, tập tài liệu cầm trên tay cứ thế bất giác rơi tự bao giờ không rõ. Tôi nghỉ việc, bắt xe khách lao thẳng tới bệnh viện. Nhìn thấy mẹ nằm trên chiếc giường bệnh băng bó khắp người tôi như cái xác không hồn nhưng lúc đó tôi không khóc. Chưa bao giờ tôi thấy mình mạnh mẽ đến vậy. Bởi tôi biết từ giây phút này mình sẽ phải là bờ vai cho ba tựa vào, phải là người chị mẫu mực chăm sóc cho đàn em thơ ở nhà. Thế nhưng giây phút mà mẹ mấp máy môi gọi tên tôi thì tôi lại không thể kìm nổi lòng mình. Nước mắt trào ra như một cơn mưa rào mùa hạ, mẹ lấy tay lau đi những giọt nước mắt của tôi:
- Con gái mẹ đã trưởng thành thật rồi!...
Thời gian trôi đi vô tình khiến chúng ta lớn dần lên, rồi già nua theo quy luật của tự nhiên như nó vốn dĩ phải thế. Nếu có thể, xin hãy ngoảnh lại nhìn vào một lát cắt của thời gian bạn sẽ thấy chúng ta trưởng thành theo từng ngày.
Lần đầu tiên chúng ta biết gọi mẹ…
Lần đầu tiên đi học và cảm thấy lạ lẫm với những khái niệm: Trường lớp, bạn bè, thầy cô…
Lần đầu tiên đặt chân đến ngôi trường ước mơ…
Lần đầu tiên được làm một công việc yêu thích…
Lần đầu tiên tìm thấy một người mình có thể gắn bó cả cuộc đời…
Lần đầu tiên được nghe con gọi…
Chúng ta trưởng thành từ những cái gọi là “Lần đầu tiên” như thế. Và bất kể là ai đi nữa thì cũng sẽ có những cái thuộc về lần đầu tiên của mình. Trưởng thành là một quá trình bắt đầu từ những thứ gọi là “Lần đầu tiên”.
Người dự thi: Bình nguyên