Chúng ta đã trưởng thành được bao nhiêu phần
Chúng ta đã trưởng thành được bao nhiêu phần
Trưởng thành – 1 khái niệm, 1 trạng thái mà từ già đến trẻ, từ bé đến lớn chắc ai cũng từng nghe qua 1 lần. Chúng ta sinh ra, lớn lên, qua ngưỡng tuổi 18 đã có thể coi là bắt đầu trưởng thành?
Chắc chắn rất nhiều người trên hành tinh này đều nghĩ như vậy. Nhưng có phải chúng ta đã thực sự hiểu rõ được bản chất của trưởng thành ? Hay áp đặt một suy nghĩ, đánh dấu một độ tuổi nhất định nào đó cùng với một cách hiểu mơ hồ mà chúng ta tự coi mình là trưởng thành ? Vậy khi nào mới được gọi là trưởng thành?
Một người mới lập gia đình, cố gắng chăm chỉ làm việc, quan tâm chăm sóc chồng(hoặc vợ) mình, luôn đặt trách nhiệm xây dựng tổ ấm lên hàng đầu, đó được gọi là người trưởng thành. Một sinh viên mới ra trường, tự thân vận động kiếm việc, tự bươn chải lo toan cuộc sống, chịu trách nhiệm cho tương lai của mình, cho mọi hành vi, việc làm của bản thân, nhất định không phụ thuộc, dựa dẫm vào bố mẹ, đó cũng là hành động của người trưởng thành. Một đứa con thành đạt trong cuộc sống, đi khắp mọi nơi trên thế giới, nhưng luôn nghĩ về những điều tốt nhất cho bố mẹ, luôn cố gắng để bố mẹ có một cuộc sống thảnh thơi, được hưởng thụ sau bao năm nhọc nhằn nuôi con khôn lớn, đó cũng gọi là người trưởng thành.
Một học sinh cấp III, học cùng, chơi cùng với những người bạn giàu có hơn mình nhưng không đua đòi, cố chạy theo lối sống đó bằng cách vòi vĩnh bố mẹ, ngược lại sống giản dị, chân thật, thậm chí kiếm việc làm nho nhỏ để từng ngày từng ngày giảm gánh nặng cho bố mẹ và tự lập cho sau này, đó cũng là suy nghĩ của người trưởng thành.
Một đứa trẻ lên chín, rủ em trai “kiếm tiền” bằng cách học thật giỏi để giành được tiền thưởng trong những cuộc thi lớn nhỏ trong thành phố. Cứ mỗi lần được giải là một lần đút lợn tiết kiệm kèm theo những “kế hoạch sắm đồ” cho bố mẹ trong tương lai. Số tiền có lẽ chẳng đáng bao nhiêu nhưng suy nghĩ, ước mơ thì lớn biết chừng nào. Và đó cũng chính là suy nghĩ của người trưởng thành.
Chúng ta khi bé luôn luôn mong ước mình lớn thật nhanh, để được thỏa thích làm những điều mình mong muốn. Nhưng khi lớn lên rồi họ lại sợ những trách nhiệm vô hình bị áp đạt với độ tuổi đã được coi là “trưởng thành”. Nhưng thực chất, một khi chúng ta đã có những suy nghĩ trưởng thành, trách nhiệm sẽ luôn đi kèm như người bạn đồng hành khích lệ chúng ta phải hoàn thành thật tốt, sống trọn vẹn từng ngày, và đó chính là món quà vô giá để khi càng lớn tuổi, chúng ta nhìn lại cũng không còn nuối tiếc.
Qua những điều trên, tôi muốn nói rằng trưởng thành không nhất thiết phải đến một độ tuổi nhất định nào đó mới bộc phát, mà từ khi chúng ta sinh ra trên cõi đời này, từng ngày chúng ta lớn lên, chính là cả một quá trình trưởng thành, học hỏi để tìm ra và khẳng định “Tôi là ai trong cuộc đời này”. Vậy không phải khi nào mới trưởng thành ? Mà là chúng ta đã trưởng thành được bao nhiêu phần?
Người dự thi: Nguyễn Hải Linh