Trưởng thành là khi biết sống tình nghĩa và lo cho sức khỏe gia đình
Trưởng thành là khi biết sống tình nghĩa và lo cho sức khỏe gia đình
Trưởng thành là khi biết sống tình nghĩa với đời.
Trưởng thành là biết “lo” cho sức khỏe gia đình theo đúng nghĩa
Đêm.
Tiếng thở khò khè của con làm tôi không tài nào ngủ được. Mặc dù con đã qua cơn nguy kịch nhưng với tôi, mỗi giây phút con ốm là một sự sỡ hãi tột bậc. Chỉ sợ lịch sử lại xảy ra, chỉ sợ tôi ngủ quên không kịp can thiệp khi tình huống xấu nhất xảy đến. Ôm con trong lòng, nước mắt rơi lã chã, tôi lại nhớ tới hình ảnh mẹ ngồi ôm em trai của tôi lúc nó bị sốt co giật. Có lẽ lúc đó, ruột gan mẹ cũng như lửa đốt.
“Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ” đó là một câu nói mà trước đây, tôi không bao giờ có thể hiểu được, cho đến khi tôi có con, thức chăm con hàng đêm, không có một khoảng thời gian rảnh rỗi cho riêng mình. Có con đồng nghĩa với việc tôi phải từ bỏ những giấc ngủ ngon mỗi đêm, từ bỏ những buổi đi chơi hẹn hò cùng bạn bè, cùng ông xã. Có con cũng đồng nghĩa với việc đầu tắt mặt tối làm đủ việc nhà, chăm sóc con mà vẫn phải hoàn thành công việc của đối tác (vì tôi làm công việc freelance).
Đặc biệt là những lần con ốm sốt, hai vợ chồng đều lo sốt vó, những lúc như thế mới biết quý trọng những hy sinh ngày xưa của bố mẹ dành cho mình. Bởi thế, những lúc rảnh rỗi, tôi thường sang nhà của bố mẹ để nấu cơm ăn. Có một lần, trộm nhìn bố cắt cây cảnh, tôi mới thấy tóc bố đã bạc đi nhiều, dáng người gầy gò do bệnh tật, phải uống nhiều loại thuốc, kiêng khem nhiều thứ làm tim tôi như thắt lại. Còn mẹ, đôi má hồng ngày xưa đã rám nắng đến mức trông mẹ già đi nhiều quá, khóe mắt nhăn nheo tựa như những con sóng đuổi nhau trên biển. Ngồi đầu hiên nhổ tóc sâu cho mẹ, nhổ mãi mà không hết những sợi tóc bạc như cước, những sợi tóc tựa như nỗi buồn của mẹ, xót lòng làm sao.
Trưởng thành không phải chỉ để nỗi lo về sức khỏe của bố mẹ ở trong lòng
Tôi nhớ, có một vị sư thầy đã từng nói rằng: Khi bố mẹ còn sống trên đời, đừng ngại ngần bày tỏ tình cảm kính yêu của mình với bố mẹ. Sự hiếu thảo của con cái được thể hiện qua lời nói, qua hành động. Đó là những lời quan tâm, yêu thương dành cho bố mẹ, đó là những món quà chăm sóc sức khỏe cho bố mẹ. Tôi thì không biết nói hay đúng hơn là rất ngại nói những câu yêu thương với bố mẹ dù thương bố mẹ rất nhiều. Còn về những món quà, tôi cũng không có khả năng mua cho bố mẹ, thi thoảng chỉ mua được vài cân hoa quả biếu bố, biếu mẹ lúc ốm đau bởi kinh tế của tôi không cho phép. Điều đó làm tôi cảm thấy day dứt vô cùng. 30 tuổi rồi nhưng vẫn phải chật vật trong vấn đề kinh tế, quay quắt lo cho gia đình nhỏ từng bữa cơm, lo cho con nhỏ từng chén thuốc, lo tiền thuê nhà, tiền điện nước mà không đủ để lo tiền thuốc thang cho bố mẹ hay lớn hơn là mua cho bố mẹ một món quà có giá trị, một chuyến du lịch để bố mẹ thoải mái tận hưởng những ngày vui vẻ không âu lo.
Hôm trước xã tôi yêu cầu các nhà mang nước đến nhà văn hóa để xét nghiệm xem nước có bị ô nhiễm không vì làng tôi những năm gần đây có nhiều người mắc bệnh ung thư. Nước nhà tôi và bố mẹ đều bị nhiễm kim loại nặng. Cả nhà vô cùng lo lắng, bố mẹ muốn mua một cái máy lọc nước nhưng kinh tế chưa cho phép. Ông bà còn phải lo chạy chợ mỗi ngày để nuôi 3 đứa em của tôi đang tuổi ăn học, lo tiền thuốc của cả ông và bà mỗi tháng, đủ thứ tiền đám khóc đám cười...Ngồi nghe đứa em trai tôi tâm sự mà tôi thấy nhói lòng. Một cái máy lọc nước tưởng như giản đơn, vài triệu bạc mà tôi hay bố mẹ đều không có khả năng trong thời điểm hiện tại.
Có người nói: Trưởng thành là khi ta biết lo cho gia đình nhỏ và phụng dưỡng được cha mẹ già. Nhưng với tôi, chẳng biết bao giờ tôi mới lo được cho con cái và cho ông bà theo đúng và đủ nghĩa của chữ “lo”. Tôi nhận ra một điều rằng mình lo trong lòng thôi là chưa đủ, phải cố gắng thật nhiều hơn nữa để “lo” cho sức khỏe của con nhỏ, của bố mẹ già, của cả các em mình, chồng mình và bản thân mình nữa, kẻo khi mắc bệnh rồi lúc đó hối hận cũng không kịp, dù có bao nhiêu tiền của cũng không lấy lại được sức khỏe.