Chúng ta cùng học cách làm người trưởng thành thật tốt và vui vẻ nhé!

04/07/2018

Chia sẻ bài viết:

Chúng ta cùng học cách làm người trưởng thành thật tốt và vui vẻ nhé!

Những mẫu chuyện nhỏ của những người trưởng thành quanh tôi:

Trưởng thành nói chung gồm hai loại: “Trưởng thành về tâm lý” và “Trưởng thành về sinh lý”. Và việc lựa chọn bạn sẽ là một “ông cụ non” hay “đứa trẻ to xác” hoặc là một người trưởng thành thực thụ sẽ mất khá nhiều thời gian đấy, tôi biết… Nhưng tôi không phải là một giáo sư hay một nhà tâm lý học đủ thông thái để chỉ ra cho bạn biết được sự khác nhau một cách khoa học giữa các khái niệm này hay cho bạn giới hạn thời gian chính xác cho mỗi người để học cách trưởng thành. Thế nhưng may mắn cho chúng ta là trên thế giới này còn có rất nhiều bài học “sống”, những câu chuyện thực tế, những kinh nghiệm quanh ta mà đôi khi sách vở hay kể cả các tác gia tuyệt vời nhất cũng chưa tìm thấy. Hãy cùng tôi quan sát những người trưởng thành ở ngay cạnh tôi nhé, biết đâu đấy các bạn sẽ tìm thấy thứ gì đó có ích trong chặng đường trở thành người trưởng thành của mình…

1. Có những người nói, trưởng thành là sau khi “dậy thì” với những biến đổi lớn về mặt cơ thể.

Tôi không cho đó là sai nhưng một đứa trẻ gần 3 tuổi mới đây cũng đã dạy cho tôi rằng: “Trưởng thành là khi ta có thể tự làm một việc gì đó mà không ỷ lại người khác”. Chuyện là, cô nhóc em họ tôi đang học tại trường Mầm non. Nó “rất tự lập so với những đứa trẻ cùng tuổi”, trong một lần đến đón, cô giáo đã nói với tôi như vậy. Cô bé có thể tự xúc thức ăn trong bát mà không nhõng nhẽo đòi được cô giáo bón cho như các bạn. Nó còn tự mình mặc giày và hình như còn đang cố gắng để tự đánh răng vào sáng nay, trước khi đi học. Nhìn bàn tay non nớt với những ngón tay nhỏ nhắn đang tập làm thứ gì đó, nội vẫn thường nói với chúng tôi vẻ rất tự hào: “ Trông nó chững chạc chưa kìa! Chắc chắn sau này sẽ làm được chuyện lớn” Thế mới nói, trưởng thành hay không hoàn toàn không thể lấy tuổi tác ra mà phân định, quan trọng là những hành động và suy nghĩ của chúng ta.

2. Một người bạn thời tiểu học của tôi chuyển trường khi chúng tôi lên cấp 2.

Sau này chúng tôi có dịp gặp lại, trên giảng đường đại học. Những ai quen biết tôi đều biết tôi khá khó gần và thờ ơ với mọi điều. Tôi không để ý lắm đến những người bạn xa lạ trong lớp học bởi cho rằng tôi và họ đến đây để học nên mọi người đều phải tự lập, tốt nhất đừng có quá thân thiết với ai quá. Cho đến một lần, tôi gặp khó khăn với chiếc máy tính của mình, không còn cách nào khác, vì sắp đến ngày thuyết trình, tôi đành tìm cách ra một tiệm net gần nhà chuẩn bị cho bài báo cáo. Trên đường đi, tôi bất ngờ đụng phải cậu bạn hồi tiểu học kia, cậu ta đã khác trước rất nhiều, cao hơn và cũng có vẻ phong trần hơn. Chúng tôi vào một quán cà phê và cậu ấy tỏ ra bất ngờ khi biết hai đứa lại học chung lớp Đại cương buổi sáng. Tôi ngượng ngùng giải thích bản thân chưa bao giờ đứng lên phát biểu trong giờ của giáo sư hay cùng các bạn học tranh luận điều gì. Rồi cậu ta lại kể cho tôi nghe về những ngày tháng chuyển trường trước đây của mình.

Thời gian đầu cậu rất rụt rè, không thể giao tiếp nên từng bị bạn bè ở trường mới cười nhạo, cô lập, bị tẩy chay hay sách vở mỗi ngày đều bị bôi mực tèm lem. Cậu đã được dạy rằng phải thân thiện, hòa nhã với người xung quanh nhưng có một lần vì không thể kiềm chế được nữa nên đã tống vào kẻ cầm đầu một quả đấm. Rồi mọi chuyện cũng kết thúc theo cách của nó, phụ huynh được triệu tập và từ đó về sau những kẻ kia không dám quấy rối cậu nữa. Cậu ấy phát hiện ra khi càng nhút nhát càng muốn yên ổn, càng thu mình lại sẽ chẳng có kết cục tốt đẹp. Tôi gật gù, tỏ vẻ nghiền ngẫm. Rồi như để chứng minh, cậu ta rút điện thoại ra đưa cho tôi coi danh bạ dài dằng dặc của mình, giọng nói nghiêm túc: “Cậu sẽ chẳng biết được ngày hôm nay, một trong những người này có thể giúp ta được chuyện gì đâu” Cuối cùng, tôi cũng đã có được một chiếc máy tính khá tốt để hoàn thành bài thuyết trình trôi chảy từ một trong những số điện thoại tưởng chừng vô nghĩa kia. Tôi rốt cuộc cũng nhận ra: “Trưởng thành còn là việc tạo dựng thêm những mối quan hệ với ngừơi xung quanh, bởi biết đâu đấy, vào một ngày đẹp trời họ chính là cứu tinh của ta”

ggg

3. Bố tôi thường “ép buộc” tôi rời giường lúc 5:30 sáng cùng một bài tập thể dục.

Mẹ thì luôn “ngọt ngào” bắt tôi nằm trên giường vào buổi trưa mà chẳng quan tâm là tôi có nhắm mắt hay không. Tôi luôn cho đó là những khổ lao ở độ tuổi này và cảm thấy bực bội khi thực hành chúng. Mãi cho đến khi tôi tập làm quen được với những thứ ấy, tôi nhận thấy những thay đổi trong cơ thể mình. Không còn uể oải mỗi sáng thức dậy và thấy hào hứng hẳn với những giờ học buổi chiều mà không ngáp dài ngáp ngắn như trước kia. Hẳn nhiên khi những thói quen lành mạnh đã thành nếp sống thì tôi bắt đầu thấy biết ơn bố mẹ và giờ đây, khi không còn sự cằn nhằn hay nhắc nhở nào nữa, tôi cũng tự mình duy trì chúng vì sức khỏe của mình. “Người trưởng thành chính là người biết quý trọng sức khỏe, chăm lo tốt cho mình trước khi nghĩ đến việc lo cho người khác”

4. Câu chuyện cuối cùng- cũng là bài học đáng giá nhất mà tôi đã được nhận sẽ cho bạn biết tôi đã “lớn lên” như thế nào.

Khi bước vào độ tuổi thiếu niên, những đứa trẻ thường bày tỏ sự bất mãn của mình với mọi thứ xung quanh và cho rằng đó là biểu hiện của một người đã lớn. Tôi cũng không ngoại lệ. Tôi bắt đầu trang điểm đậm, lao vào những trang mạng xã hội, trốn học, chửi thề và luôn góp mặt trong sổ đen của giáo viên. Đến nỗi bố mẹ đến phòng hiệu trưởng còn nhiều hơn là số buổi tôi đi học. Ban đầu bố mẹ cũng đánh mắng, dỗ dành đủ kiểu nhưng vẫn chứng nào tật ấy, hầu như tôi đều bỏ ngoài tai. Có một lần suýt bị đuổi học tôi mới nhận thấy mình cần sửa đổi. Bố mẹ nghe được vậy vui lắm, vốn định để mặc tôi, không quản nữa nhưng chỉ cần nghe tôi nói muốn học lại liền bỏ công, bỏ việc chở tôi lọc cọc đến tận nhà từng giáo viên để xin lỗi về những việc làm trước đây của tôi. Thực lòng, mỗi đêm khi nhớ lại ánh mắt cầu xin thầy hiệu trưởng đừng phê chuẩn tờ giấy đuổi học tôi của bố và những lần mẹ tôi phải cúi đầu xin cô giáo tha thứ cho tôi, dù là một kẻ ngỗ nghịch nhưng tôi cũng đã ân hận, cắn rứt đến muốn chết đi. Tôi đã lập lời thề, từ nay về sau không bao giờ làm bố mẹ phải phiền lòng về tôi thêm một lần nào nữa. Cho đến giờ, tôi đã khiến bố mẹ khóc rất nhiều lần, nhưng những lần sau này đều là do hạnh phúc mà rơi nước mắt. Tôi đã có thành tích học tập tốt, được các cô thầy khen ngợi, còn đứng trong top 3 của lớp. Tôi đã biết giúp đỡ bố mẹ nhiều chuyện, không còn đi gây sự khắp nơi nữa. Tôi bắt đầu để ý đến mái tóc lấm tấm sợi bạc của bố, những nếp nhăn hằn ngang dọc dưới khóe mắt của mẹ, cũng đã hiểu được thời gian một đi không trở lại, cho nên bản thân cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, để ít nhất cho bố mẹ không còn lo lắng gì cho mình nữa. Tôi học được bài học quan trọng và quý giá nhất cho những người muốn trưởng thành, rằng: “Bố mẹ là quan trọng nhất, người trưởng thành chính là kẻ biết quan tâm hơn đến những người thân trong gia đình” và rằng “ Trên thế giới này, chỉ có người thân mới yêu thương ta thật lòng nhất” Những câu chuyện của tôi, bạn có hứng thú không? 

Trong hơn 500 bài viết trong cuộc thi này, liệu thứ hạng của tôi sẽ ở đâu nhỉ? Và người muốn trưởng thành như tôi sẽ cần phải học thêm điều này nữa: "Hãy học cách khắc phục còn hơn là chấp nhận buông xuôi khi gặp khó khăn". Vậy nên không có gì phải buồn nếu bài viết này xếp ở vị trí thấp nhất cả, tôi sẽ chờ đợi những cuộc thi khác và cũng sẽ lao vào viết thật hăng hái như lúc này... Điều quan trọng hơn, là những người đọc được bài viết của tôi sẽ tìm được ít nhất một điều gì đó để cho vào hành trang làm "người lớn" của mình. Chúng ta cùng học cách làm người trưởng thành thật tốt và vui vẻ nhé!

Người dự thi: Ngô Thị Thu Huyền

Thay lõi đúng hạn, bảo vệ gia đình bạn

Nước sạch trọn đời, máy bền bỉ hơn

Lõi lọc thô (đến 12 tháng), Màng RO (từ 24-36 tháng), Lõi lọc chức năng (từ 12 tháng)

*Lưu ý: Các sản phẩm lõi lọc sau khi thay nên được xả đúng nơi quy định, thùng rác dành cho nhựa tái sinh.