Ai cũng có quyền chọn cách để trưởng thành
10/07/2018
Ai cũng có quyền chọn cách để trưởng thành
"Trưởng thành"- Tôi đã dành rất nhiều năm tháng tuổi trẻ để trốn chạy cụm từ ấy.
Khi có ai đó khen ngợi ta "trông có vẻ trưởng thành nhỉ", ta giật mình nghĩ đến những người "trưởng thành" xung quanh ta. Ta sợ sự "trưởng thành" khi nhìn thấy mẹ phải gồng gánh bao nhiêu lo toan trên vai, những đêm trằn trọc đến mất ngủ vì nghĩ đến chuyện tiền cơm áo gạo. Ta chối từ " trưởng thành" khi chứng kiến cha mình phải đầu tắt mặt tối quanh năm ngoài công trường nắng gió, chiu chắt cho ta từng chút tiền mọn, chỉ mong ta "trưởng thành" hơn nơi giảng đường đại học. Ta hoang mang khi nhìn vào cuộc sống của chị gái – một người vừa được cuộc sống gán mác “trưởng thành”. Đã hơn một lần ta tự đặt mình vào viễn cảnh của một người phụ nữ trẻ vừa lập gia đình, để hiểu những âu lo con người ta phải gánh trên vai khi bước vào chặng hành trình đời người, chặng hành trình mang tên “ trưởng thành”. Và đã có khi, ta tự hỏi chính mình: “Hay là cứ mãi như thế này, không cần trưởng thành nữa”.
Nhưng hình như ta chưa bao giờ một lần ngồi lại để đối diện với tâm ảnh của chính mình, chưa một lần đối thoại với chính suy nghĩ của bản thân. Để rồi, ta nhận ra: “Ta có quyền lựa chọn cách để trưởng thành”.
Lúc nhỏ, ta ao ước được lớn lên thật nhanh. Ta khát khao được sống trong viễn cảnh với một cuộc đời tự do tự tại. Ta có thể thức khuya bao nhiêu tùy thích, ta có thể đi đến nơi đâu ta muốn, gặp gỡ những ai ta muốn gặp gỡ...và tự đưa ra lựa chọn cho cuộc đời của chính mình. Thế giới “người lớn” là ngưỡng cửa mà bất cứ đứa trẻ nào cũng muốn nhanh chóng được chạm mẽ và trải nghiệm. Nhưng liệu chăng, bên kia cánh cửa có còn là một cuộc sống tràn đầy những nhiệm màu như trong viễn cảnh của ta?
Rất nhiều người trong số chúng ta, đã lớn lên và trưởng thành theo cách mà rất nhiều người xung quanh họ không ngừng định nghĩa. Người lớn dạy ta rằng “Thế giới này rất đáng sợ”, nhưng không hề cho ta biết rằng “Cuộc sống này vẫn còn những điều tốt đẹp mà con phải tự khám phá”. Người lớn bảo ta rằng “Đừng dễ dàng tin người”, nhưng lại quên nhắc ta rằng “ Chỉ có cho đi niềm tin, con mới có thể gặt về niềm hạnh phúc”. Người lớn dạy ta đa nghi, dạy ta cách đáp trả khi bị sỉ nhục, dạy ta cách né tránh lọc lừa và bội phản...Họ dạy ta cách sinh tồn trong cuộc đời mà theo họ là “ đáng sợ”... Cứ như thế, mọi đứa trẻ cứ thế lớn lên và vô tình bước vào lãnh địa của “Trưởng thành” với một lòng dè chừng vạn vật xung quanh chúng. Nào hay biết rằng, “thế giới đáng sợ” kia vốn dĩ xuất phát từ chính tư duy định kiến của mỗi con người. Và tôi biết, có rất nhiều người đã đang và giống như tôi - “Sợ Trưởng Thành”.
Tôi không ngần ngại phải viết ra nỗi sợ ấy. Dẫu rằng, hằng ngày, có rất nhiều những bài viết, vô số những cuốn sách không ngần ngại chỉ thẳng tay, chìa ngòi bút chê bai và phê phán vào những kẻ “ sợ trưởng thành” như chúng tôi. Vì tôi tin, làm người, ai cũng từng trải qua nỗi sợ vô hình ấy. Chỉ khác là, ta có dám thừa nhận, có dám bước qua và lựa chọn hay chăng.
Tôi có dịp được trò chuyện với những người trẻ trạc tuổi mình, tôi gặp họ ở bất cứ đâu, khi tham gia những buổi workshop, talkshow về kĩ năng mềm vào những ngày cuối tuần. Hay khi ngồi ở băng ghế đá công viên, thư viện ...thậm chí là những cửa hàng tiện lợi mở cửa xuyên đêm. Tin tôi đi, cuộc chuyện trò tận đáy tâm can của những người trẻ chẳng phải chỉ xoay quần quanh vài ba mối tình vụn vỡ, những cuộc chơi hay những chuyến đi dài bạc mạng.Mà tất cả được gói gọn trong hai cụm từ “Hoang mang và Sợ hãi”
Viết ra nỗi sợ hãi có gì là sai trái? Thừa nhận nỗi sợ hãi không cần thiết ư? Và hiểu rằng mình đang run rẩy khi nghĩ đến hai chữ “Trưởng thành”. Đó là sự thật mà.
Bởi lẽ “Trưởng thành” đâu chỉ là khái niệm vây quanh bởi cơm áo gạo tiền hay trách nhiệm. Tình yêu, sự nghiệp, cung cách ứng xử... Tất cả đều có thể bị hoặc được chi phối bởi đôi từ “Trưởng thành”.
Và những người trẻ như tôi đây, đứng ngấp nghé bên bờ vực của thực tế, loay hoay chẳng biết mình phải làm gì để “ trưởng thành”, nửa phần lại chẳng muốn bước vào đoạn đường đời đầy gian ải đó, chỉ muốn ngồi lại nơi triền dốc tuổi trẻ, tận hưởng những gì vui vẻ tốt đẹp nhất của tuổi thanh xuân. Nhưng chúng ta, dù sớm hay muộn, ai rồi cũng sẽ nhận ra: “ Đã đến lúc mình phải trưởng thành”.
Và tôi đã chọn nghĩ về cung đường gian ải ấy bằng một đôi mắt khác, một đôi mắt không chỉ còn tràn ngập trong sợ hãi và âu lo. Ở đó, tôi cho phép chính bản thân mình tin vào những điều tốt đẹp hơn. Và tôi tin tưởng rằng: “ Tôi có thể trưởng thành theo cái cách mà tôi muốn”. Vì suy cho cùng, ta chỉ sống duy nhất một lần trong đời mà thôi. Nhiệm vụ của ta là phải tự viết nên cuộc đời ấy, bằng chính đôi tay và khối óc của mình. Viết đến đây, có lẽ sẽ có người cảm thấy câu nói trên quá đỗi quen thuộc, xáo rỗng. Tôi cũng đã từng nghĩ vậy, cho đến khi, tôi nhận ra câu nói đơn giản trên chưa bao giờ sai.
Tôi – cô gái 19 tuổi, đã và đang trưởng thành như thế nào nhỉ?
Một hành trình xa và dài, tôi tin rằng, chúng nên bắt đầu từ những bước đi đơn giản nhất.
Có thể chẳng phải là vứt hết đi đống quần áo mà mình thích, để mua những bộ đồ “trông có vẻ trưởng thành” như vô số những bài viết trên mạng vẫn không ngừng rao giảng. Tôi tin tưởng rằng mình xinh đẹp nhất khi mặc những gì mà mình yêu thích và phù hợp nhất, và đôi khi vẻ ngoài chẳng nói lên được độ chín chắn của ai đó như vốn dĩ người đời vẫn nghĩ. Đừng cố đóng khung tuổi tác và cá tính ăn mặc của chính mình. Cũng xin đừng nhầm lẫn giữa hai khái niệm “Trưởng thành” và “Già dặn”.
Đó có thể là những lần ghé siêu thị, mua thật nhiều rau củ quả, những tối tí toáy trong bếp tự chuẩn bị bữa tối cho chính mình sau một ngày dài làm việc, thay vì chăm chăm vào những thứ thức ăn nhanh như mì gói, thịt nguội...Sức khỏe là thứ vô cùng quan trọng. Tôi nhận ra, cha mẹ mình chẳng sai khi lúc nhỏ luôn nhắc ta phải ăn nhiều rau, uống nhiều nước và chăm tập thể thao mỗi ngày. Con người ta càng lớn, càng thích bàn về khái niệm cuộc đời xa xôi trừu tượng...tôi lại chọn bắt đầu câu chuyện “trưởng thành” của mình bằng cách tự chăm sóc cho bản thân. Tất cả khởi nguồn từ việc ta tự xây dựng cho mình những nếp sống lành mạnh mỗi ngày.
Tôi đã “Trưởng thành” bằng cách “ từ chối” những chuyến “ đưa nhau đi trốn” – thú vui một thời tôi từng nghĩ mình khó lòng từ bỏ được. Tôi đã lao đi rất nhiều lần, rồ gas thật mạnh giữa đêm, hò hét trên những cung đường lạ lẫm. Và viết về một tuổi trẻ hồ hỡi nhưng xốc nổi và đầy những hiểm nguy không đáng có. Rất nhiều lần, chúng tôi đã ngủ gật khi lái xe, hay chỉ kịp chụp vài tấm hình chớp nhoáng ở trạm dừng chân...và trở về trắng tay sau những chuyến đi “phượt” gấp gáp và mõi mệt. Tôi nhận ra, mình đã thôi không thèm thuồng “trốn chạy” thực tại nữa. Tôi vẫn muốn “đi”, vẫn muốn “ phượt” chứ, nhưng đó phải là những chuyến đi đem lại cho ta một giá trị nhất định về những con người mới, những vùng đất mới.
Trưởng thành còn là thời điểm ta nhận ra những thứ mình biết quả thực chỉ như hạt cát dưới đại dương rộng lớn. Nhận thức được sự mị dại, thiếu sót của chính mình cũng là một nấc thang trong quá trình lớn lên. Ta tự dặn mình phải chăm đọc sách hơn, quan tâm đến thế giới xung quanh hơn. Ta nhận ra mình đói khát kiến thức, muốn học hỏi nhiều hơn mỗi ngày. Ừ, “học” giờ đây chẳng còn đơn thuần là khái niệm điểm số, danh hiệu hay những cuộc rượt đuổi của bằng cấp. Ta “học” chẳng phải để “giỏi” nữa, mà là để “đỡ dốt” đi giữa biển học vô tận.
Tôi đã học cách “trưởng thành” bằng cách “ tin vào chính mình”. Tin vào con đường mình đã chọn, những điều bản thân muốn hiện thực hóa, tin vào quá trình lớn lên và trưởng thành mà chính mình cho là đúng đắn. Tôi có thể trưởng thành theo cách mà mình muốn, làm một công việc phù hợp với bản thân. Thay vì cứ mãi mê chạy theo những thước đo về giá trị thành công của xã hội ngoài kia. Dấu chấm hỏi lớn nhất trong cuộc đời mỗi người chẳng phải là “Tôi sẽ làm việc gì?” “Tôi sẽ cưới ai”...mà chính là “Tôi muốn trở thành người như thế nào”. Khi trả lời được câu hỏi ấy rồi, những thắc mắc kia tự dưng đều sẽ được hóa giải.
Rất nhiều người dặn tôi, phải nhanh chóng trưởng thành vì cha, vì mẹ. Tôi còn nhớ suốt những năm cấp 2, tôi đã thi trượt rất nhiều cuộc thi lớn chính vì mãi mang theo áp lực của người khác bên mình. Hàng ngàn câu hỏi giăng mắc trong tâm trí tôi. Sự kì vọng hay trách nhiệm đôi khi lại chính là tảng đá vô hình chắn đường ta trước mỗi lần chạm mẽ vào những thái cực, những cơ hội mới mẻ, tốt đẹp hơn. Kể từ khi đó, tôi nhận ra, mình hoàn toàn có thể yêu thương gia đình bằng cách sống tử tế, có trách nhiệm và trân trọng bản thân nhiều hơn mỗi ngày. Thay vì mãi mang vát họ trong tâm trí như một gánh nặng cần phải dành cả cuộc đời của chính mình để trao trả.
Và một đặc ân lớn hơn mà quá trình trưởng thành ban phát cho tôi, đó chính là sự bao dung. Người ta thường nghĩ rằng: “Càng lớn lòng dạ càng hẹp hòi”. Tôi đã mất rất lâu để tự dạy chính mình những điều ngược lại. Tôi tin tưởng rằng, mỗi con người, mỗi cá thể đều mang trong mình một câu chuyện khác biệt, một đặc tính khác nhau. Ngay cả cách trưởng thành của mỗi người cũng hoàn toàn chẳng thể giống nhau. Ta chẳng thể ép uổng ai theo quan điểm mà ta cho là đúng đắn. Ta cũng chẳng vui vẻ gì khi đem cuộc đời người khác lên cán cân của phán xét, của định kiến. Hãy cứ sống tốt với chính bản thân trước đã, và tự trở thành người thầy của chính mình trước tiên thay vì cứ mãi chăm chăm và cuộc đời người khác.
Cuối cùng, tôi đã “trưởng thành” như thế nào nhỉ?
Đã hơn một lần tôi nghe được câu hát “Cho tôi xin một vé về tuổi thơ”. Áp lực của cuộc sống mưu sinh dễ dàng khiến bất cứ ai trong chúng ta đều mơ ước được trở về làm đứa trẻ giản đơn và hạnh phúc. Nhưng vốn dĩ phép màu đó vĩnh viễn sẽ chẳng thể xảy đến. Có chăng, ta chỉ có thể quay trở về đối diện và biết hài lòng với những gì mình đang có trong hiện tại, hay không ngừng hi vọng về năm dài tháng ở phía trước.
Người dự thi: Lê Thị Hà Giang